Chủ nhật, 19/01/2025 | 13:28
RSS

Ngân hàng muốn tăng phí ATM

Thứ hai, 24/04/2017, 10:59 (GMT+7)

Một số ngân hàng (NH) thương mại vừa gửi kiến nghị lên NH Nhà nước về việc có lộ trình điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM nhằm bảo đảm bù đắp một phần chi phí cho các NH có đầu tư hệ thống ATM.

Hiện các NH thương mại đang tiến hành thu phí giao dịch qua ATM theo thông tư 35/2012 của NH Nhà nước quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (ATM), áp dụng từ tháng 3/2013. Theo đó, từ ngày 1-1-2015 các NH được thu tối đa phí rút tiền nội mạng và ngoại mạng là 3.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm thuế GTGT).

Tuy nhiên, theo phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn tại TP HCM, với chi phí đầu tư cho một giao dịch rút tiền qua ATM khoảng 7.000 đồng (tùy theo mức đầu tư của từng NH) thì mức thu phí rút tiền như hiện nay NH đang bị lỗ. Với 3.300 đồng/lần phí rút tiền thu từ chủ thẻ, NH chỉ nhận được 1.650 đồng còn lại trả cho trung gian thanh toán nên đề nghị tăng phí nhằm bù đắp một phần chi phí cho NH đầu tư hệ thống ATM là dễ hiểu.

Trong khi đó, nhiều chủ thẻ cho rằng sử dụng thẻ ATM hiện đã phải gánh nhiều loại phí như nhắn tin tài khoản, in sao kê, rút tiền nội - ngoại mạng, mở thẻ, duy trì số dư trong tài khoản, SMS Banking... Nay tiếp tục đề xuất tăng phí giao dịch qua ATM là không hợp lý. Một trong những lý do khiến chi phí duy trì hoạt động hệ thống ATM của NH bị đội lên cao do lượng giao dịch rút tiền mặt vẫn quá lớn.

NH Nhà nước cho rằng chưa đến lúc tăng phí giao dịch ATM. Ảnh: Tấn Thạnh

Chị Võ Thị Nga (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết gần đây, chị mới để ý phí giao dịch khi rút tiền trên máy ATM và thấy rằng NH đã thu tối đa 3.300 đồng/giao dịch. Thậm chí, cách đây vài ngày chị nhận tiền qua chuyển khoản từ người thân còn bị thu phí 1.100 đồng/giao dịch.

"Tôi có xem trên biểu phí của NH nơi phát hành thẻ thì không thấy có loại phí nào là phí nhận tiền qua giao dịch chuyển khoản, vì thường chỉ người chuyển tiền mới bị trừ phí. Nếu nhận được tiền mà tôi rút ngay thì tính phí kiểm đếm, còn đây nhận tiền mà bị trừ là NH lạm thu” - chị Nga thắc mắc.

Theo các chuyên gia, trong thời điểm này các NH thương mại chưa nên tăng phí giao dịch qua ATM mà có thể bù đắp chi phí qua các kênh khác như bán thêm sản phẩm dịch vụ, khuyến khích chủ thẻ thanh toán qua máy cà thẻ (POS) khi đi mua sắm hàng hóa, dịch vụ...

Đại diện NH Nhà nước cũng cho biết hiện nhiều NH thương mại vẫn chưa sử dụng hết lộ trình tăng phí giao dịch qua ATM trong thông tư 35 nên chưa đề cập đến việc điều chỉnh lộ trình tăng phí vào lúc này.

Thống kế của NH Nhà nước cho thấy hiện có khoảng 13 NH áp dụng thu phí rút tiền nội mạng từ 500 đồng - 3.000 đồng/lần giao dịch, các NH áp dụng nhiều mức phí khác nhau và chưa sử dụng hết trần cho phép nên NH Nhà nước chưa nghiên cứu lộ trình tăng phí tiếp theo.


Theo Người lao động