Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:29
RSS

Vì sao Việt Nam nhập thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu từ Trung Quốc?

Thứ bảy, 22/04/2017, 11:21 (GMT+7)

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Hoàng Trung lý giải, Việt Nam là nước nông nghiệp, lượng thuốc trừ sâu sử dụng nhiều nhưng gần như 100% phải nhập khẩu là do không đủ năng lực, trình độ để sản xuất.

Mới đây, Trung Quốc vừa có sắc lệnh về “Quy chế quản lý thuốc trừ sâu”, trong đó quy định rất chặt chẽ hoạt động sản xuất và nhập khẩu loại hàng hóa này. Cụ thể, Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thuốc trừ sâu phải đăng ký và có giấy phép từ cơ quan quản lý nông nghiệp. Ngoài ra, các sản phẩm thuốc trừ sâu phải vượt qua được các bài kiểm tra chất lượng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Còn tại Việt Nam tình trạng sử dựng thuốc bảo vệ thực vật lại khá phổ biến theo kiểu “thích thì phun” chứ không tuân thủ các quy định về sử dụng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 3 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu đạt 183 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính trung bình mỗi tháng, Việt Nam đang chi hơn 60 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu. Trong số đó, nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu từ Trung Quốc chiếm tới hơn 53%, trong khi năm 2016, bình quân lượng thuốc nhập từ quốc gia này chỉ chiếm 47%.

Việt Nam là một trong những nước sử dụng nhiều thuốc trừ sâu nhất

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện nay, Trung Quốc là thị trường số 1 xuất khẩu thuốc trừ sâu, nguyên liệu thuốc trừ sâu sang Việt Nam. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT, ông Hoàng Trung cho biết, trung bình khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung  Quốc. Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), còn thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng, khoảng 900 tấn.

Theo ông Trung, 99% lượng thuốc trừ sâu ở Việt Nam phải nhập khẩu (100%  thuốc trừ sâu có nguồn gốc hóa học phải nhập khẩu), trừ một số loại thuốc sinh học, thảo mộc do trong nước sản xuất. Ngoài thị trường Trung Quốc, Việt Nam còn nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu tại nhiều thị trường như Ấn Độ, Đức, Malaysia, Thái Lan…

Trả lời câu hỏi của báo giới, ông Hoàng Trung lý giải, Việt Nam là nước nông nghiệp, lượng thuốc trừ sâu sử dụng nhiều nhưng gần như 100% phải nhập khẩu là do không đủ năng lực, trình độ để sản xuất các loại thuốc này. “Hơn nữa, Việt Nam cũng không khuyến khích phát triển ngành công nghiệp này”, ông Trung chia sẻ.

Thống kê từ Cục BVTV cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với 4.080 thương phẩm. Tuy vậy, khảo sát của cục này cũng cho thấy, trên thị trường chỉ còn khoảng 2.000 thương phẩm (trong đó khoảng 20% là thuốc sinh học, thảo mộc), các loại sản phẩm thuốc còn lại vẫn có trong danh mục nhưng gần như không có hoặc rất ít trên thị trường. Nhìn vào danh sách này có thể thấy, ít có quốc gia nào mà danh mục thuốc trừ sâu được phép sử dụng trên cây trồng lại nhiều như ở nước ta.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục BVTV, Trung Quốc là công xưởng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật của thế giới chiếm 40% lượng thuốc xuất khẩu đi các nước. Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật về nội địa không chỉ để bán sử dụng ở Việt Nam, mà còn phối trộn, sang chai đóng gói và xuất đi các nước khác.

Vì thủ tục nhanh gọn, thuận tiện trong vận chuyển, giá cả cạnh tranh, và đặc biệt, các nhà nhập khẩu của Việt Nam có thể đặt hàng trực tiếp các nhà sản xuất Trung Quốc theo nhu cầu của thị trường Việt Nam, nên việc nhập khẩu thuốc trừ sâu từ Trung Quốc ngày một gia tăng. Tuy nhiên, ông Hồng cũng khẳng định, các loại thuốc đều phải đảm bảo chất lượng và yêu cầu của Việt Nam.

Trước lo ngại về việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu, ông Hoàng Trung cho hay, trong năm 2016 và 2017, lượng thuốc trừ sâu nhập lậu đã giảm đáng kể, hiện nay, tình trạng này chỉ còn lẻ tẻ ở một vài điểm biên giới.

Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, nhập khẩu nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật đang áp thuế ở mức 0% nên không có lý do để nhập lậu. Theo quy định mới của Bộ NN&PTNT, những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật doanh nghiệp không sử dụng trong 5 năm liên tiếp sẽ bị loại ra khỏi danh mục. Năm 2016, chúng ta đã loại khỏi danh mục 386 tên thuốc thương phẩm, dự kiến năm 2017, sẽ loại thêm 256 tên thuốc thương phẩm khác.


Theo Công an Nhân dân