Thứ bảy, 18/01/2025 | 12:38
RSS

Nắng nóng gay gắt vẫn có thể khiến Covid-19 lây lan nhanh

Thứ tư, 02/06/2021, 13:53 (GMT+7)

Không ít ý kiến cho rằng nắng nóng 40 độ C như này sẽ khiến virus SARS-CoV-2 bị triệt tiêu. Chuyên gia y tế khẳng định, nắng nóng vẫn làm virus lây lan, số ca Covid-19 tăng nhanh, nhất là trong môi trường kín.

Sự kiện:
Covid-19

Mỗi ngày Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 200 ca Covid-19 mới, cho dù thời tiết nắng nóng kỷ lục. Nhiều người đặt câu hỏi: "Tại sao thời tiết nắng nóng đến hơn 40 độ C, người cũng muốn "chín" mà virus lại không chết? 

Trước đây, nhiều người nhận định, virus SARS-CoV-2 nói riêng cũng giống như nhiều loại virus khác chỉ sinh sôi, nảy nở trong môi trường mát, lạnh, đến mùa hè nóng nực sẽ "biến mất". 

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế nhận định: "Đúng là virus SARS-CoV-2 thích thời tiết mát, lạnh nhưng không có nghĩa là chúng "hoàn toàn biến mất" trong thời tiết nóng mà vẫn có khả năng lây lan nhanh, nhất là ở các môi trường kín, bật điều hòa". 


Môi trường nắng nóng nhưng virus tồn tại ở cơ thể, nếu có mầm bệnh thì vẫn có thể lây lan qua người tiếp xúc gần

Theo PGS Phu, hiện nay, biến chủng mới từ Ấn Độ có khả năng lây lan nhanh, trên diện rộng. 

"Thông thường, virus ra ngoài trời, gặp nhiệt độ cao thì sẽ không sống được bao lâu, nhưng ở môi trường trong nhà thì vẫn lây lan mạnh. Các trường hợp Covid-19 được ghi nhận hiện nay đều do tiếp xúc gần, lây lan nhanh trong môi trường kín, tụ tập đông người, trong nhà nhiệt độ không cao. 

Đặc biệt, virus lây mạnh trong môi trường kín như quán bar, bệnh viện, địa điểm massage, nhà máy trong khu công nghiệp (điều hòa, tập trung đông người, ngồi sát nhau…). Trong môi trường kín, thông khí kém, sử dụng điều hòa, virus lơ lửng trong không khí chứ không rơi xuống, virus lây mạnh hơn. Điều này có thể thấy rõ trong ổ dịch tại quán bar, nhà máy trong khu công nghiệp.

Trời nắng nóng chỉ có thể làm virus lây lan trên bề mặt ở ngoài trời bị triệt tiêu. Nhưng hầu hết virus tồn tại trong cơ thể người, được nhân lên trong cơ thể người và lây lan cho người khác qua tiếp xúc gần. Trời nắng nóng, mọi người đóng kín cửa, bật điều hòa càng làm virus phát tán trong không khí, lây lan mạnh hơn. 

Do đó, dù ở thời tiết lạnh hay nắng nóng đến 40 độ C như hiện nay thì Covid-19 vẫn có khả năng lây lan. 

Người dân không thể thấy nắng nóng mà cho rằng virus chết, chủ quan với các biện pháp phòng dịch". PGS Phu phân tích. 


Nắng nóng kỷ lục nhưng buồng bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 luôn phải mở toang

PGS Phu cũng cho rằng, virus lân lan qua các vật trung gian giữa người bệnh và người chăm sóc. Do đó, người chăm sóc bệnh nhân mà không phòng hộ đầy đủ sẽ có khả năng lây nhiễm virus từ người bệnh. 

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cũng cho biết, virus SARS-CoV-2 chỉ chết khi bị "phơi" ngoài trời nhiệt độ cao, có ánh sáng tự nhiên. Còn ở trong cơ thể thì vẫn phát triển. Virus trong cơ thể không vì chúng ta "đi ngoài đường" hay nóng phát sốt mà tự chết. 

Virus tồn tại trong giọt bắn. Do đó, nếu 2 người đứng ngoài trời nắng, không đeo khẩu trang, nói chuyện gần mà 1 trong 2 người có mầm bệnh thì vẫn có khả năng cao lây nhiễm. 

Do đó, để phòng virus SARS-CoV-2 lây lan, PGS Phu khuyến cáo ở các môi trường có nguy cơ cao lây nhiễm virus thì không được bật điều hòa, mở cửa thông khí và chỉ được dùng quạt. Như vậy, ánh sáng tự nhiên sẽ giúp tiêu diệt virus nếu có trên bề mặt vật dụng, làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19. 

"Người dân không chủ quan về Covid-19 khi tiết trời nắng nóng. Hãy thực hiện nguyên tắc 5K để phòng dịch và tiêm vắc xin Covid-19. Thậm chí khi tiêm vắc xin Covid-19 vẫn phải tuân thủ 5K, trong đó quan trọng nhất là đeo khẩu trang đúng cách", PGS Phu khuyến cáo. 

Mặc trang phục bảo hộ là bắt buộc để phòng dịch

Trước nhiều ý kiến cho rằng một số nhân viên y tế làm việc ngoài trời như lấy mẫu xét nghiệm, truy vết không cần thiết phải mặc trang phục bảo hộ kín mít trong trời nắng nóng, PGS Phu khẳng định, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, lây lan nhanh nên việc phòng hộ là rất cần thiết và bắt buộc. Đây là biện pháp chống lây nhiễm đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, lực lượng lấy mẫu.

Hiện nay, Bộ Y tế cũng thấu hiểu vất vả của nhân viên y tế khi mặc trang phục bảo hộ trong tiết trời quá nắng nóng như hiện nay. Bộ đang nghiên cứu để tìm cách bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế, tuy nhiên yêu cầu đầu tiên vẫn phải là an toàn phòng dịch.

"Trước mắt, tại các vùng dịch Covid-19 không nên để nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ làm việc quá lâu, thường xuyên đổi ca, để nhân viên y tế nghỉ ngơi đủ. Cung cấp dinh dưỡng, nước hoa quả, nước bù điện giải cho anh em... "- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

 

Diệu Linh
Theo Dân Việt