Thứ hai, 25/11/2024 | 17:03
RSS

Nằm nhiều có bị trĩ không? Nên nằm ngủ tư thế nào khi bị trĩ?

Thứ tư, 18/10/2023, 06:42 (GMT+7)

Người bị trĩ nếu nằm không đúng cách có thể làm tăng tình trạng đau rát khiến bệnh dễ nặng thêm. Vậy nằm nhiều có bị trĩ hay không, và tư thế nằm ngủ nào là tốt nhất? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

I - Nằm nhiều có bị trĩ không?

Theo nghiên cứu, tư thế nằm có lợi cho người bị trĩ hơn khi ngồi và đứng. Cụ thể khi nằm áp lực tĩnh mạch vùng hậu môn - trực tràng giảm tới 3 lần so với lúc ngồi hoặc đứng.

Khi nằm máu giảm tốc độ lưu thông, áp lực lên thành mạch máu cũng vì thế giảm đi. Do đó, nếu nằm đúng cách có thể giúp giảm đau, giảm khó chịu cho người bệnh.

Tuy nhiên, khi bị trĩ người bệnh cũng không nên nằm quá lâu. Vì khi nằm, nhu động co bóp của dạ dày giảm đi, lâu dần dẫn đến tình trạng táo bón, khó tiêu, đầu chướng bụng… Điều này khiến việc đi đại tiện khó khăn, khiến các búi trĩ bị chèn ép tăng đau đớn và khó chịu cho người bệnh.

Ngoài ra, trong quá trình nằm, nếu nằm không đúng còn khiến bệnh trĩ nặng thêm. Vì khi nằm máu đang lưu thông kém, nếu đổi tư thế đột ngột sang ngồi hoặc đứng làm máu đột ngột tăng cường lưu thông. Điều này vô tình làm tăng áp lực máu lên vùng tĩnh mạch hậu môn có thể khiến búi trĩ bị nứt hoặc vỡ gây chảy máu.

Vậy nên người bị trĩ không nên nằm quá lâu, nếu trong tình thế bắt buộc hay thỉnh thoảng điều chỉnh tư thế để máu được lưu thông và giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Giải đáp thắc mắc: Nằm nhiều có bị trĩ hay không?

II - Bị bệnh trĩ nên nằm ngủ như thế nào là tốt nhất?

Tư thế nằm đúng cách có thể làm cải thiện tình trạng trĩ, giảm cảm giác đau và khó chịu. Dưới đây là những tư thế được khuyên nằm dành cho những ai bị trĩ:

1. Nằm nghiêng về 2 bên

Nằm nghiêng tạo ra ít áp lực lên vùng hậu môn hơn khi nằm ngửa. Đặc biệt, nếu bạn nằm nghiêng sang bên trái sẽ có lợi hơn cho tim và gan. Cụ thể, tư thế này làm giảm áp lực cho gan, giúp gan giải độc tốt hơn, đồng thời tăng cường đưa máu đến tim nhiều hơn.

Nếu nằm nghiêng một bên khó chịu bạn cũng có thể thỉnh thoảng đổi bên thay vì giữ nguyên tư thế sẽ khiến phần hông mỏi và bị đau người khi tỉnh dậy.

Ngoài ra, khi nằm nghiêng người bệnh nên kê một chiếc gối mỏng vào dưới mông để giảm áp lực của trong lượng cơ thể lên tĩnh mạch hậu môn. Từ đó, giúp giảm tình trạng sưng đau do trĩ.

Người bị bệnh trĩ nên nằm nghiêng sang hai bên

2. Tư thế nằm sấp

Đây là tư thế không được khuyên nằm khi ngủ. Vì tư thế này làm tăng áp lực lên vùng đầu, mặt cổ… khiến bạn khi tỉnh dậy bị đau nhức và nặng ở vùng mặt, cổ, vai gáy.

Tuy nhiên, nằm sấp lại là tư thế có lợi cho người bị trĩ. Tư thế này tránh được áp lực của trọng lượng cơ thể lên hậu môn, giảm triệu chứng do trĩ gây ra. Bạn có thể kê thêm 1 chiếc gối hoặc chăn mỏng ở dưới bụng để thoải mái hơn.

Không phải ai cũng có thể nằm sấp, nếu tư thế này gây nhiều khó chịu cho bạn, có thể chuyển sang các tư thế nằm khác phù hợp hơn.

Nằm sấp khi ngủ giúp giảm triệu chứng bệnh trĩ

3. Không nằm ngửa liên tục

Nếu bị trĩ không nên nằm ngửa liên tục vì điều này sẽ làm tăng áp lực lên vùng hậu môn, trực tràng, khiến các búi trĩ bị chèn ép, bạn sẽ cảm thấy đau đớn khi tỉnh dậy. Vì vậy không nên nằm ngửa liên tục khi ngủ để tránh bệnh trĩ nặng thêm.

III - Người bệnh trĩ khi nằm ngủ cần lưu ý điều gì?

Ngoài nằm đúng cách, để cải thiện tình trạng bệnh bạn nên lưu ý những điều dưới đây trong khi nằm:

  • Không nằm ngủ trên đệm cứng vì điều này có thể làm tăng đau nhức cho hậu môn nếu bạn nằm ngửa. thay vào đó bạn nên chọn đệm mềm để nằm ngủ.
  • Không mặc đồ quá chật để tránh quần áo cọ sát vào hậu môn gây đau. Nên chọn đồ ngủ thoải mái, rộng rãi.
  • Có thể bỏ quần lót khi ngủ để giúp hậu môn có không gian thoải mái hơn.
  • Có thể ngâm hoặc rửa hậu môn với nước ấm khoảng 10-15 phút trước khi ngủ để giảm sưng đau.
  • Không ăn đồ ăn cay hoặc bất kỳ đồ ăn nhiều dầu mỡ nào trước khi đi ngủ.
  • Không uống rượu bia hay hút thuốc lá trước khi đi ngủ vì đây đều là yếu tố nguy cơ khiến bệnh trĩ trầm trọng thêm.
  • Uống đủ nước mỗi ngày khoảng từ 1,5-2 lít nước để hệ tiêu hóa làm việc tốt, hạn chế tình trạng táo bón xảy ra.
  • Thường xuyên tập thể dục để giúp máu tăng cường lưu thông, hệ tiêu hóa việc tốt và giảm tải áp lực cho hậu môn.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả mọng nước…
  • Tập một số bài tập co cơ hậu môn trước khi đi ngủ để cải thiện tình trạng bệnh.

Những lưu ý khi nằm dành cho người bị trĩ

Việc nằm đúng cách có thể giúp cải thiện đáng kể những cảm giác khó chịu do bệnh trĩ gây ra. Ngoài ra, bạn cũng cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để bệnh nhanh chóng khỏi.

DS. Hương Giang
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại