Thứ năm, 21/11/2024 | 23:30
RSS

Nam Định: "Nhân sâm người nghèo" rớt giá chưa từng có, một kg còn chưa mua nổi cốc trà đá

Thứ tư, 23/06/2021, 13:48 (GMT+7)

Trước ảnh hưởng của dịch covid-19 khiến giá củ đinh lăng ở tỉnh Nam Định liên tục giảm. Hiện giá mỗi kg đinh lăng chỉ từ 1.000 - 5000 đồng/kg. Tính bình quân ra bán 1kg đinh lăng, nông dân chưa mua nổi cốc trà đá vỉa hè.

Với mức giá bán đinh lăng giảm chưa từng có, người trồng đinh lăng ở tỉnh Nam Định bị thua lỗ nặng, đành cắn răng chịu lỗ bán như đổ đi để trồng các loại cây khác.

Cây đinh lăng không chỉ được dân gian ví như "nhân sâm người nghèo" ở Việt Nam mà ở huyện Hải Hậu (Nam Định) loại cây này từng được coi là cây giảm nghèo, làm giàu và là nhân tố thúc đẩy "nền kinh tế xanh" của địa phương.


Anh Nguyễn Văn Thế ở xóm Tây Cat, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu (Nam Định) đang phải cắn răng chịu lỗ, bán bỏ vườn đinh lăng để chuyển sang trồng các loại cây khác.

Thế nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, giá đinh lăng liên tục giảm sâu và chạm đáy với một mức giá không thể tin nổi. Đối với gốc và rễ đinh lăng đang được thương lái thu mua với giá 5.000 đồng.kg, còn với cành là 1.000 đồng/kg, một mức giá rẻ hơn cả rau muống bán ngoài chợ.

Theo những người trồng đinh lăng cho biết, với mức giá này thì họ không đủ tiền thuê người làm cỏ trong suốt 3-4 năm trồng, chứ chưa cần nói đến các khoản đầu tư khác. Giá đinh lăng bán thì thấp, trong khi đó chi phí đầu tư thì cao, với mức giá này thì mỗi sào đinh lăng sẽ lỗ ít nhất là hơn 10 triệu đồng.


"Nhân sâm người nghèo" rớt giá thảm, bán 1kg đinh lăng nông dân chưa mua nổi cốc trà đá.

Đặc biệt, giá đinh lăng rẻ đã đành nhưng người mua lại "kén cá chọn canh, quét nhà ra rác". Nào là, đòi phải đinh lăng trên 3 năm tuổi, gốc phải to và cây phải đẹp. 

Thay vì mua một giá như trước đây, thương lái mua đinh lăng phân thành 2 loại là gốc và rễ, cành ra riêng, cái nặng nhất thì mua giá rẻ mạt, người nông dân chịu đủ thiệt thòi, bán cả vườn cũng chẳng được đáng bao nhiêu.

Trước tình hình đinh lăng ngày càng rớt giá thảm hại, anh Nguyễn Văn Thế (38 tuổi) xóm Tây Cát, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu (Nam Định) đành cắn răng chịu lỗ bán rẻ như cho, để chuyển sang trồng các loại cây khác có kinh tế hơn.


Số tiền bán đinh lăng, anh Thế chỉ đủ tiền thuê người làm cỏ trong vòng 1 năm.

Với diện tích hơn 4.000m2 trồng đinh lăng, sau gần 4 năm trồng anh Thế bị thua lỗ khoảng 150 triệu đồng, số tiền bán đinh lăng cũng chỉ đủ trả tiền thuê người làm cỏ trong vòng một năm.

"Năm ngoái giá đinh lăng chỉ có 11.000 đồng/kg, thấy rẻ quá nên tôi giữ lại chờ giá lên nhưng càng chờ giá càng giảm. Chán nản tôi đành ngậm ngùi bán với giá 5000 đồng/kg đối với thân và rễ, cành chỉ có 1000 đồng. Trồng gần 4 năm mà bán với giá mỗi kg bằng cốc trà đá thì chúng tôi sao mà sống nổi" - anh Thế buồn rầu nói.

Anh Nguyễn Văn Thế cho biết, đầu năm 2017, gia đình anh mua cành đinh lăng về trồng với giá 40.000 đồng/kg và tốn mất gần 80 triệu đồng tiền đinh lăng giống để trồng trên diện tích hơn 4000m2.


Với giá thu mua như hiện tại, mỗi sào trồng cây đinh lăng lỗ ít nhất khoảng 10 triệu đồng.

Chưa hết, anh còn phải đầu tư lắp hệ thống tưới tự động trong vườn đinh lăng và tốn kém mất 40 triệu đồng. Rồi tiền phân bón, tiền công làm đất, công trồng.....Tính đến thời điểm hiện tại anh đã chi mất hơn 60 triệu đồng tiền làm thuê người làm cỏ.

"Hiện người ta đã đào được 1 nửa vườn, cũng được 1,2 tấn gốc và rễ và vài tấn cành, với giá 5000 đồng/kg (đối với gốc và rễ) và 1000đồng/kg đối với cành, chắc bán hết cả vườn cũng chỉ được tầm 20 triệu. Chỉ đủ tiền thuê người làm cỏ trong vòng 1 năm, tôi mới nhẩm tính thì cũng đã thấy lỗ khoảng 150 triệu" - anh Thế nghẹn ngào nói.


Hiện diện tích trồng đinh lăng giảm nghiệm trọng, người dân không còn mặn mà với loại "nhân sâm" này.

Cũng trong tình cảnh tương tự, ông Trường một nông dân trồng đinh lăng ở huyện Hải Hậu cũng đang chạy khắp nơi tìm đầu ra cho hàng tấn đinh lăng nhưng vẫn chưa được. Lý do cũng chỉ vì thương lái "kén cá chọn canh", chê đinh lăng nhà ông còn non, chưa được 3 năm tuổi, thân gốc còn nhỏ nên không ai mua.

"Hiện giờ, người dân chúng tôi không còn ai mặn mà với cây đinh lăng, phần lớn diện tích đã chuyển sang các cây trồng khác, một số ít còn để lại chờ giá lên nhưng diện tích không đáng bao nhiều. Trồng 3 -4 năm trời mà mỗi kg tính bình quân ra được có 3000 đồng, giá quá rẻ mạt thì chúng tôi còn trồng làm gì nữa " - ông Trường thông tin thêm.


Đinh lăng được thu mua thành hai loại, loại rễ và gốc có giá 5000 đồng/kg, cành ngọn chỉ có giá 1000 đồng/kg, tính bình quan ra thì mỗi kg đinh lăng chưa mua nổi cốc trà đá vỉa hè.

Lý giải về giá đinh lăng rẻ như mớ rau muống ngoài trợ, một chủ cơ sở thu mua đinh lăng ở huyện Hải Hậu (Nam Định)cho biết, nguyên nhân chính khiến giá đinh lăng rớt giá thảm hại và không có người mua là do dịch covid- 19.

"Đinh lăng sau khi sơ chế chủ yếu bán lại cho các công ty dược trong nước. Nhưng từ đầu năm đến nay họ dừng thu mua nên chúng tôi có làm ra cũng chẳng bán được cho ai. Suốt từ đầu năm đến giờ hàng ùn ứ chật cả kho nên muốn mua cho bà con là điều không thế. Vì vậy, việc đinh lăng rẻ như rau muống và không có người mua là chuyện không thể tránh khỏi" - chủ cơ sở này cho hay.

Cũng theo chủ cơ sở này, diện tích trồng đinh lăng của toàn huyện Hải Hậu đã giảm tới 80%, diện tích trồng mới là hầu như không có, người dân ở đây không mặn mà với loại cây này nữa và đã quay lưng chuyển sang trồng các loại cây khác. Cây hoàng kim một thời với người nông dẫn đã sắp chấm dứt, sau mỗi lần tác động của kinh tế, người nông dân là người chịu thiệt thòi nhất.

 

Phạm Anh
Theo Dân Việt