Cháu Đinh Văn Khanh đang được người dì cho ăn cơm trưa
Con đường tỉnh lộ 489 đưa chúng tôi đến xóm 18 của xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy, Nam Định). Giao Thiện là một xã ven biển nằm cuối huyện, cuộc sống của người dân quanh năm gắn bó với nghề đi biển và những mảnh ruộng chiêm chũng. Trước đây, ở Giao Thiện, cuộc sống người dân vẫn còn khốn khó, chỉ vài năm trở lại đây, đời sống nhân dân mới được cải thiện hơn phần nào.
Con gái út Đinh Thị Như Ý cũng mắc bệnh bại não bẩm sinh như 2 người anh
Những ngày này, đâu đâu ở Giao Thiện, người ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp không khí hồ hởi chào đón năm mới. Thế nhưng ở một căn nhà cấp 4 nằm hiu hắt bên trong một con nhõ nhỏ dường như năm mới vẫn chưa đến.
Trong căn nhà đó, thỉnh thoảng những tiếng ú ớ vô nghĩa lại vang lên khiến cho không gian càng trở nên não nề. Khi nghe chúng tôi gọi cửa, phải một lúc lâu sau, một cụ ông mới ra để tiếp chuyện. Đó là ông Đinh Văn Tấn (75 tuổi, bố đẻ chị Đinh Thị Loan).
Bệnh bại não bẩm sinh khiến chân tay cháu Khanh bị teo lại, cơ thể co quắp
Ông Tấn có dáng người dong dỏng cao, mái tóc bạc trắng như cước. Trước kia, một vụ tai nạn giao thông xảy ra khiến những bước di chuyển của ông trở nên khó nhọc.
Kể về hoàn cảnh của chị Đinh Thị Loan, ông Tấn không giấu nổi sự thương cảm dành cho người con gái: “Nó sinh được 5 người con thì có đến 3 đứa bị bệnh bại não bẩm sinh. Năm ngoái, chồng nó cũng phát bệnh trở nên điên điên, dở dở. Gánh nặng gia đình giờ dồn cả lên đôi vai của nó. Bất hạnh vô cùng”.
Mọi hoạt động hàng ngày cháu Khanh đều phải nhờ người thân trợ giúp
Chị Loan là con gái thứ 3 trong gia đình có 7 anh chị em. Thủa còn thanh niên, chị đã nổi tiếng khắp làng trong, xã ngoài là người con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn, chăm chỉ.
Đến tuổi cập kê, chị gặp gỡ rồi lên duyên với anh Đinh Văn Khuông (SN 1973). Theo lời nhận xét của bố vợ, anh Khuông là người hiền lành, tốt tính. Trước kia, anh đi bộ đội, đóng quân trên Yên Bái.
Sau khi ra quân anh Khuông làm đủ mọi nghề để sinh sống từ đào vàng, phụ hồ…Tuy nhiên, do không gặp vận nên vốn liếng dành dụm cũng chẳng được nhiều. Ít lâu sau đó, anh Khuông trở về quê hương lập nghiệp rồi gặp và nên duyên với chị Loan.
Cũng mắc căn bệnh bại não bẩm sinh như cháu Như Ý không hay quấy khóc như 2 anh trai
Năm 1998, chị Loan sinh hạ được người con trai đầu lòng đặt tên là Đinh Văn Khánh. Tuy nhiên, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi các bác sĩ cho anh chị biết cháu Khánh bị bại não bẩm sinh và hoàn toàn không có khả năng nhận biết mọi thứ xung quanh.
Thương con, gia đình anh chị vẫn quyết tâm làm lụng bất kể việc gì: “Kiếm được đồng tiền nào, vợ chồng nó đều dành dụm để lấy tiền chữa bệnh cho con. Thế nhưng bao nhiều lần đi lại, tốn kém, vất vả nhưng bệnh tình của cháu không thuyên giảm”, ông Tấn nghẹn ngào nhớ lại.
Bệnh tình con trai cả càng ngày càng nặng, chị Loan phải nghỉ việc ở nhà để tiện chăm sóc con còn anh Khuông vẫn chăm chỉ đi làm thuê kiếm tiền với hy vọng một ngày bệnh tình của con sẽ được chữa khỏi.
Tuy nhiên, cháu Như Ý cũng không thể hoạt động được như người bình thường
Đến năm 2000, cháu Đinh Văn Khanh ra đời trong sự hy vọng và mong mỏi của gia đình đôi bên, thế nhưng lại một lần nữa, gia đình anh chị như sụp đổ khi cháu Khanh lại mắc tiếp căn bệnh của người anh.
Căn bệnh bại não bẩm sinh khiến cháu Khanh không nhận thức được mọi thứ xung quanh. Mặc dù năm nay đã 17 tuổi nhưng cháu chỉ biết nằm một chỗ. Thứ duy nhất để mọi người nhận biết được sự tồn tại của cháu Khanh là những âm thanh ú ớ phát ra trong vô vọng.
Những chuỗi ngày buồn bã tiếp tục kéo dài thêm khi con gái út của gia đình chị Loan là cháu Đinh Thị Như Ý tiếp tục bị mắc căn bệnh quái ác như 2 người anh trai.
Điểm khác biệt duy nhất ở Ý với 2 người anh trai là cháu không thường xuyên quậy phá cũng như la hét. Còn lại, tất cả mọi hoạt động từ vệ sinh, ăn uống để duy trì sự sống héo hắt đều phải nhờ đến bàn tay của những người thân trong gia đình.
Bà Trần Thị Chuông, mẹ đẻ chị Loan trao đổi với PV
Ở cái tuổi đáng ra đang cùng chúng bạn tung tăng cắp sách tới trường nhưng giờ đây, cô bé 7 tuổi phải làm bạn với căn phòng ẩm thấp, hôi hám và 2 người anh cũng ở trong tình trạng như mình.
“Chúng nó khổ khi không một ngày nào được hưởng cuộc sống như những người bình thường khác. Đã nhiều năm nay, gia đình tôi chưa lúc nào được hưởng một ngày bình yên”, ông Tấn nghẹn ngào.
Người xưa vẫn có câu “đàn ông như chỗ dựa của gia đình”, mặc dù có đến 3 người con bị mắc căn bệnh bại não bẩm sinh nhưng chị Loan vẫn luôn cố gắng vì còn có chồng và người thân giúp đỡ.
“Vợ chồng nó chăm chỉ làm ăn lại sẵn tính hiền lành nên bà con hàng xóm ai cũng quý mến, giúp đỡ. Thế như tai họa cứ liên tiếp ập đến khiến con gái tôi như suy sụp hoàn toàn. Đã nhiều năm nay, hiếm khi nào tôi thấy con gái nở nụ cười”, ông Tấn chia sẻ.
Đó là vào một ngày đầu tháng 12/2016, khi đang làm đồng cùng vợ, anh Khuông đột nhiên lên cơn đau đầu. Sau khi cơ đau qua đi, tâm trí anh cũng không còn bình thường như trước nữa.
Từ ngày các cháu bị bệnh, vợ chồng ông Đinh Văn Tấn đã cùng chị Loan chăm sóc các cháu
Anh hay nói lảm nhảm, làm những chuyện không suy nghĩ và rất hay đánh đập vợ con một cách vô cớ. “Trước nó hiền lành, khỏe mạnh là thế, nhưng từ khi mang bệnh, nó cứ nửa điên, nửa tỉnh.
Những lúc tỉnh táo, nó lại chẳng nhớ những việc mình đã làm. Hỏi thì nó chỉ nhớ như có người nào ở trong đầu đang sai khiến và bắt nó làm những chuyện như vậy. Gia đình đôi bên có nhiều lần đưa nó đi khám tại Bệnh viện Tâm thần Nam Định thì được các bác sĩ cho biết nó bị bệnh thần kinh”, ông Tấn kể về người con rể.
Con cái bệnh tật, chồng cũng đột nhiên không bình thường, chị Loan bất đắc dĩ lại phải trở thành trụ cột gia đình. Một mình chị lại cáng đáng việc nhà và chăm nom cho chồng con mắc bệnh.
"Nó cứ bảo ao ước của nó là được nghe các con cất tiếng gọi mẹ 1 lần nhưng mong ước đó chắc khó thực hiện được", ông Tấn chia sẻ
Bệnh tật liên miên khiến tinh thần anh Khuông không còn minh mẫn như trước. Những lúc tỉnh táo, anh lại tìm đến rượu để quên đi thực tế mình là người bị mắc bệnh tâm thần.
Thế rồi cũng trong một cuộc rượu, khi đã thấm hơi men, anh Khuông đã đồng ý cho đi 2 người con trai là cháu Đinh Đức Võ và cháu Đinh Minh Khá (2 cháu khỏe mạnh, không bị bệnh) 1 người hàng xóm để làm con.
Tai họa vẫn chưa dừng lại mà tiếp tục ập xuống gia đình chị Loan. Một buổi trưa cuối tháng 12/2016, khi chị Loan cùng 3 người con bệnh tật đang nằm ngủ trong nhà thì anh Khuông đột nhiên khóa trái cửa, nhốt vợ con ở bên trong rồi đổ xăng châm lửa đốt nhà.
Tiếng cười khoái chí đến rợn người của anh Khuông khi ngọn lửa bùng lên bao trùm ngôi nhà chắc có lẽ sẽ là ký ức hãi hùng nhất đối với những người dân ở xóm 18.
Căn phòng nơi anh Khuông khóa trái cửa và châm lửa thiêu 4 mẹ con chị Loan
“Tôi là người đầu tiên phát hiện ngọn lửa bùng lên. Khi ấy, chân tay tôi bủn rủn nhưng vẫn gắng sức hô hào hàng xóm đến dập lửa cứu người. Con Loan khi ấy phát hiện mình và các con bị chồng thiêu sống đã cố gắng phá một lỗ ở ngách cửa rồi bế người con gái út thoát ra khỏi đám cháy.
Ít lâu sau, hàng xóm đã kịp thời không chế ngọn lửa và đưa tiếp cháu Khánh và cháu Khanh thoát ra ngoài an toàn. Có lẽ đến lúc cuối đời tôi cũng không thể quên được ngày hôm đó. Giờ đây, trên người các cháu vẫn còn hằn lên những vết bỏng”, ông Tấn nói.
Sau khi sự việc xảy ra, anh Khuông bị tạm giữ nhưng không bị xử lý hình sự vì đang mắc bệnh tâm thần. Trở về nhà, buồn chán trước những lỗi lầm đã gây ra cho vợ con, anh Khuông đã lén mua một lọ thuốc diệt ốc bươu vàng, khóa cửa trong rồi uống thuốc quyên sinh.
Nhớ lại giây phút quyết định hành động đó, anh Khuông tâm sự: “Khi tỉnh táo, tôi mới biết những việc mất nhân tính mà tôi đã làm với vợ con. Nên tôi muốn kết thúc cuộc đời mình. Tôi sống cũng không có ích gì lại làm khổ thêm vợ con”.
Những vết bỏng hằn trên người đứa trẻ sau khi bị bố châm lửa đốt nhà
Lọ thuốc diệt ốc bươu không giết được anh Khuông: “Tôi uống xong cảm giác nôn nao hết người, thế rồi cứ thế nôn thốc, nôn tháo ra. Người thân phát hiện và đưa tôi đến viện cấp cứu nên tôi mới giữ được cái mạng này”.
Gạt những giọt nước mắt đang trực rơi, ông Tấn đỡ lời con rể: “Cháu Khánh bị mắc thêm bệnh phổi, chạy chữa khắp mọi nơi nhưng không có tiến triển. Gia đình tôi khuyên con đưa cháu về nhà để nhỡ cháu mất còn được gần quê hương nhưng nó nhất định không chịu.
Nó bảo phải đưa con lên bệnh viện Trung ương, khi nào người ta bảo không chữa được nữa thì nó mới đưa con về. Thế là cả tháng nay, 2 mẹ con đi Hà Nội để chữa trị.
Nó cứ bảo ao ước của nó là được nghe các con cất tiếng gọi mẹ 1 lần nhưng mong ước đó chắc khó thực hiện được. Với gia đình tôi, tôi chỉ mong con gái và cháu trở về nhà cho kịp năm mới", ông Tấn nghẹn ngào.