Báo cáo về công tác GDNN trong năm 2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương cho biết: Dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đều đạt được kết quả tiến bộ.
Hầu hết các cơ sở GDNN nhanh chóng chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, tuyển sinh trực tuyến. Nhiều trường nghề sớm tuyển đủ chỉ tiêu nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và linh hoạt trong hình thức, phương thức tuyển sinh.
Về kết quả tuyển sinh năm 2020, cả nước tuyển được 2,28 triệu lượt người, đạt 100,9% kế hoạch năm. Trong đó: Tuyển sinh trình độ trung cấp, CĐ 580 nghìn người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác 1.700 nghìn người (đạt 101,2% kế hoạch năm).
Tháng 12/2020, cả nước có 1.907 cơ sở GDNN, trong đó 400 trường CĐ (308 trường công lập), 463 trường trung cấp (230 trường công lập), 1044 trung tâm GDNN (689 trung tâm công lập). Tổng số cơ sở GDNN công lập là 1.227, (538 trường cao đẳng, trung cấp công lập). Nếu tính cả giai đoạn 2016-2020, hệ thống trường nghề đã tuyển sinh được hơn 11 triệu lượt người. Trong đó, tuyển sinh trình độ CĐ và trung cấp đạt hơn 2,4 triệu lượt người.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng đánh giá cao kết quả mà khối GDNN đạt được. Đặc biệt, việc đào tạo nghề ngày càng gắn với doanh nghiệp, gắn với nhu cầu của xã hội khi tỉ lệ sinh viên có việc làm sau đào tạo đạt 85%, thậm chí một số ngành nghề tỉ lệ sinh viên trường nghề có việc làm đạt 100%.
Theo báo cáo của Tổng cục GDNN, từ năm 2017 đến năm 2020 cả nước đã giảm 6% số cơ sở GDNN công lập hoạt động không hiệu quả. Dẫu thế, TS Nguyễn Đắc Hưng- Vụ trưởng Vụ GDĐT, dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhấn mạnh, cần phải coi trọng hơn nữa việc sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống các trường nghề khi mỗi nơi đang làm một kiểu.
Bởi trên thực tế, rất nhiều ngành nghề không cần đào tạo nữa nhưng vẫn đào tạo. Trong khi đó có nhiều ngành nghề mới xuất hiện, cần đào tạo thì trường nghề lại không có. Đặc biệt, theo TS Nguyễn Đắc Hưng trước bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, lĩnh vực GDNN cần dự báo tốt hơn những ngành nghề mới và chuẩn kỹ năng nghề nghiệp.
Liên quan đến vấn đề sắp xếp lại các cơ sở GDNN, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chỉ đạo, đây là chủ trương chỉ có tiến không có lùi. Dù việc sắp xếp này có thể khiến một số trường, một số địa phương gặp áp lực song đây là nhiệm vụ phải làm.
Giai đoạn 2021 - 2025, lĩnh vực GDNN xác định tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế Trong năm 2021, hệ thống GDNN dự kiến tuyển sinh 2,5 triệu người.
Trong đó hệ CĐ 260 nghìn người; trung cấp 340 nghìn người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác 1.900 nghìn người (trong đó, 1.500 nghìn lao động nông thôn, 30 nghìn người khuyết tật).
Theo ông Lê Tấn Dũng: Để thực hiện được nhiệm vụ tuyển sinh năm 2021 cũng như giai đoạn tới đây, ngành GDNN cần tập trung vào những nhiệm vụ chính: Cải thiện thể chế, chính sách; xây dựng chiến lược, các đề án phát triển như đề án đào tạo lại, đề án ứng dụng CNTT và chuyển đổi số...
Về tuyển sinh, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo; tăng cường đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động. Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030.
Hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng mở, thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào GDNN; phấn đấu đến năm 2025, số cơ sở GDNN ngoài công lập chiếm 40%. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong GDNN...
Tổng cục GDNN cần phối hợp với Bộ GDĐT tham mưu, sớm ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN.