Năm 2018, thuốc kém chất lượng chiếm tỷ lệ khoảng 1,6% (Ảnh minh họa)
Bộ Y tế mới đây cho biết, theo số liệu sơ bộ năm 2018, tỷ lệ thuốc kém chất lượng chiếm khoảng 1,6%, giảm so với các năm trước đây.
Năm 2018, Bộ Y tế đã thực hiện việc kiểm tra 100% lô thuốc nhập khẩu của các cơ sở sản xuất thuộc danh mục các nhà sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng theo quy định của Luật Dược và Thông tư số 11/2018/TT-BYT. Bộ Y tế cũng đã triển khai đánh giá 100% hồ sơ nhà máy sản xuất thuốc nước ngoài khi đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam
Công tác hậu kiểm cũng được Bộ Y tế chú trọng. Theo số liệu thống kê ban đầu, năm 2018, hệ thống đã lấy hơn 32 nghìn mẫu để kiểm tra chất lượng.
theo báo Nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhờ việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm cũng như áp dụng những biện pháp cứng rắn và có hiệu quả, chất lượng thuốc được duy trì và bảo đảm, được đánh giá là ở mức độ thấp khi so sánh với kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được công bố tháng 11/2017.
“Tính trên số mẫu thuốc lấy để kiểm tra chất lượng, tỷ lệ thuốc kém chất lượng của Việt Nam chiếm khoảng 2% và có xu hướng giảm, từ năm 2013 đến 2017 lần lượt là: 2,54%, 2,38%, 2%, 1,98% và 1,59%. Theo số liệu sơ bộ năm 2018, tỷ lệ thuốc kém chất lượng chiếm khoảng 1,6%”, Bộ trưởng cho hay.
Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ thuốc giả khoảng dưới 0,1% từ năm 2012 đến nay. Nếu như năm 2014 phát hiện 70 lô thuốc không đạt chất lượng, năm 2015 phát hiện sáu lô, thì đến năm 2016 chỉ phát hiện hai lô, năm 2017 phát hiện một lô. Năm 2018, các lô thuốc tiền kiểm đều đạt chất lượng trong 2.100 lô thuốc của 42 cơ sở sản xuất nước ngoài.
Cơ quan chức năng thịch thu thuốc giả, kém chất lượng (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Làm cách nào để phân biệt thuốc giả, kém chất lượng?
Trên thực tế, mặc dù thuốc giả, thuốc kém chất lượng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên thị trường dược phẩm ở nước ta, nhưng ảnh hưởng của nó tới sức khỏe tính mạng người bệnh thì lại vô cùng nguy hại.
Vì vậy các bác sĩ khuyến cáo, để tránh việc bị “tiền mất, tật mang”, người tiêu dùng không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà cần mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nên đến các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, mua thuốc bán trên mạng. Khi mua thuốc cần quan sát kỹ bao bì, hạn sử dụng. Khi sử dụng thuốc, nếu có sự nghi ngờ về tác dụng, hiệu quả nên dừng ngay và nhờ các dược sĩ, bác sĩ tư vấn.
Xem thêm video: Dùng 5 lít bia cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu