Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Ảnh: UP.
Politico dẫn nguồn từ tài liệu và các nguồn tin cho biết, các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ được yêu cầu phát lệnh "ngừng hoạt động" đối với hầu hết các "chương trình viện trợ nước ngoài hiện tại". Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức và trên quy mô lớn, có thể ảnh hưởng đến các chương trình đã được phê duyệt, bao gồm viện trợ quân sự cho Ukraine.
"Ngoại trưởng Marco Rubio vào thứ Sáu đã đưa ra chỉ đạo mới, yêu cầu ngừng chi tiêu cho hầu hết các chương trình viện trợ nước ngoài trong vòng 90 ngày. Quyết định này, khiến các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ bất ngờ, dường như cũng ảnh hưởng đến tài trợ cho viện trợ quân sự cho Ukraine" - Politico cho biết.
Quyết định này cho phép có ngoại lệ đối với việc tài trợ cho các chương trình riêng biệt, chẳng hạn như viện trợ cho Ai Cập, Israel và hỗ trợ khẩn cấp về thực phẩm.
"Một quan chức hiện tại của Bộ Ngoại giao Mỹ, cùng với hai quan chức cũ của chính quyền Biden, cho biết quyết định tạm dừng này dường như sẽ làm ngừng viện trợ cho các đồng minh quan trọng như Ukraine, Jordan và Đài Loan".
Đại diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho Reuters biết rằng các nhân viên phụ trách các dự án tại Ukraine đã được lệnh ngừng mọi công việc. "Trong số các dự án bị đình chỉ có hỗ trợ trường học và viện trợ trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là hỗ trợ khẩn cấp cho các bà mẹ và tiêm chủng cho trẻ em", quan chức này cho biết.
Đáp lại, phóng viên của "Voice of America" Ostap Yarysh cho biết trên mạng xã hội X: "Tại Lầu Năm Góc, tôi được cho biết điều ngược lại, rằng lệnh này không ảnh hưởng đến viện trợ quân sự. Tôi nghi ngờ đây có thể liên quan đến chương trình FMF, nhưng các khoản tiền dành cho viện trợ Ukraine đã được chi tiêu hết từ lâu".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh vào ngày 20/1 về việc tạm ngừng tất cả các chương trình viện trợ nước ngoài trong vòng 90 ngày để tiến hành kiểm tra tính phù hợp của chúng với chiến lược đối ngoại "Nước Mỹ trên hết".
Sắc lệnh do ông Trump ký cho phép ông Rubio hoặc người được ông chỉ định có quyền ra quyết định này sau khi tham khảo ý kiến từ Cơ quan Quản lý Ngân sách - Hành chính.
Ông Trump trước đó đã cam kết rằng trong nỗ lực giải quyết cuộc chiến Nga-Ukraine, Mỹ sẽ "không bỏ rơi Ukraine".