Chiến đấu cơ Nga tại căn cứ Hmeimim ở Syria.
Liên minh Mỹ Anh coi sự hiện diện của quân đội Nga tại Syria là lực lượng cản trở kế hoạch của mình.
SVR tuyên bố rằng CIA và MI6 đang xây dựng kế hoạch tổ chức một loạt các cuộc tấn công khủng bố vào các cơ sở quân sự của Nga tại Syria bằng cách sử dụng các chiến binh khủng bố IS được trang bị máy bay không người lái làm lực lượng ủy nhiệm.
"Đây chỉ là một ví dụ điển hình nữa về việc Mỹ chọc tức 'con gấu' Nga", cựu quan chức tình báo CIA Larry Johnson nói với Sputnik.
Theo Johnson, Mỹ và các đồng minh tin rằng họ "có thể gây ra đủ thiệt hại cho Nga để nước này phải rút khỏi Syria và rút sự hiện diện khỏi các căn cứ quân sự đó" vì họ hiểu sai sự kiên nhẫn của Moscow là sự yếu đuối.
SVR lưu ý rằng Mỹ và Anh hy vọng những hành động khiêu khích khủng bố này cũng sẽ khiến chính quyền mới của Syria mất khả năng kiểm soát tình hình trên thực địa.
Trong khi đó, theo SVR, Mỹ cũng có ý định duy trì quyền kiểm soát các khu vực giàu dầu mỏ của Syria ở phía đông sông Euphrates với lý do chống lại IS.
"Lợi ích của Mỹ rất đơn giản. Đó là kiểm soát dầu mỏ. Họ đã kiểm soát một số dầu mỏ ở phía đông trong ít nhất tám hoặc chín năm—vì vậy đây không phải là điều mới mẻ", Johnson nhấn mạnh.
"Mỹ không hề quan tâm hay có ý định thúc đẩy dân chủ hay sự ổn định trong khu vực. Cái họ cần là tình trạng hỗn loạn và dầu mỏ", chuyên gia này nhấn mạnh.
Cũng theo Larry Johnson, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến quyết định tăng quân của Mỹ đến Syria nhưng với lý do "đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ các lực lượng địa phương".
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết hôm đầu tuần rằng Mỹ đã gửi thêm lực lượng tạm thời tới Syria do mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với lực lượng cơ sở của nước này tại Syria.
Trước đó, phát ngôn viên Ryder cho biết trong một cuộc họp báo rằng Mỹ có khoảng 2.000 quân nhân ở Syria, không phải 900 như đã đưa tin trước đó.
900 quân nhân là quân đội cơ sở, trong khi 1.100 quân nhân được triển khai làm lực lượng hỗ trợ tạm thời để hỗ trợ bảo vệ lực lượng, vận chuyển, bảo dưỡng hoặc các yêu cầu hoạt động mới nổi khác, theo Lầu Năm Góc.
Phát ngôn viên Ryder cho biết: "Số lượng lực lượng tạm thời bổ sung này đã dao động trong nhiều năm qua tùy theo nhu cầu nhiệm vụ nhưng nhìn chung đã tăng lên theo thời gian khi mối đe dọa đối với lực lượng cơ sở tăng lên".
Phe đối lập vũ trang của Syria đã kiểm soát Damascus vào ngày 8 tháng 12. Tổng thống Syria Bashar Assad đã từ chức và đến Nga, nơi ông được cấp quyền tị nạn.
Mohammed al-Bashir, người điều hành một chính quyền có trụ sở tại Idlib do Hayat Tahrir al-Sham và các nhóm đối lập khác thành lập, đã được bổ nhiệm làm thủ tướng lâm thời vào ngày 10 tháng 12.
Sau đó, ông tuyên bố rằng một chính phủ lâm thời đã được thành lập và sẽ tiếp tục hoạt động cho đến tháng 3 năm 2025.