Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:20
RSS

Mối nguy vì mẹ quá chủ quan không biết tác hại khi con bị lõm ngực

Thứ sáu, 26/05/2017, 11:43 (GMT+7)

Vào ngày cao điểm, các bác sĩ khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật đến 8 ca trẻ bị lõm ngực.

Bệnh lõm ngực thường được phát hiện muộn

Bác sĩ Lê Hữu Phúc, phụ trách khoa Chấn Thương Chỉnh Hình, Bệnh viện Nhi Đồng (TP.HCM) cho biết, mỗi năm, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 80 ca trẻ bị lõm ngực nhập viện.

"Số ca tăng mạnh trong với gần 150 ca đến điều trị, trong đó không ít ca đến điều trị muộn hoặc được phát hiện vô tình", bác sĩ Phúc nói.

Ông cho biết thêm, có trẻ mới sinh ra đã phát hiện ngực bị lõm, nhưng cũng có khi đến 3 - 4 tuổi, thậm chí 13 tuổi mới nhận ra.

Trẻ 3-4 tuổi thường sẽ không can thiệp phẫu thuật nếu nhận thấy không quá nặng, mà theo dõi. Thay vào đó phụ huynh cho trẻ tập thể dục những động tác tăng hô hấp, nhất là đi bơi.

Phẫu thuật tốt nhất là khi trẻ 7-12 tuổi. Những trẻ bị lõm ngực thường được phẫu thuật đặt thanh nâng ngực để nắn xương phát triển theo hướng mới.

"Khi xương phát triển cứng, chắc thì trở lại bệnh viện để mổ lấy thanh nâng ngực ra. Khoảng thời gian chờ thường kéo dài khoảng từ 2 đến 3 năm tùy tình trạng phát triển của xương" - bác sĩ Phúc chia sẻ.

Theo các bác sĩ khác, không ít trường hợp bị lõm ngực mà phụ huynh biết nên không đưa đến bệnh viện khiến bị ảnh hưởng tim phổi. Cụ thể một số bệnh nhi được bác sĩ phát hiện lõm ngực khi nhập viện trong tình trạng tim bị đẩy lệch, tổn thương phổi, thoát vị hoành.

Bệnh ảnh hưởng tới xương, trí thông minh của trẻ

Bác sĩ Đặng Khải Minh, người từng tham gia phẫu thuật điều trị lõm ngực tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, lõm lồng ngực là dị tật bẩm sinh với tỷ lệ mắc khá cao.

Thống kê ở Mỹ khoảng 300-400 trẻ sinh ra thì có một mắc bệnh, tỷ lệ nam/nữ là 3:1, còn theo các thống kê chung, cứ 1.000 trẻ thì có khoảng 3 trẻ mắc dị tật.

Theo bác sĩ Minh, dị tật lõm ngực tiến triển theo giai đoạn phát triển xương của trẻ, nhiều trường hợp trẻ 4-5 tuổi thì bệnh mới xuất hiện nên phụ huynh không phát hiện để đưa bé đi khám, trong khi đó nhiều bé được phát hiện sớm và luyện tập thì khỏi bệnh mà không cần phẫu thuật.

"Trường hợp lõm sâu, nếu không mổ sớm sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến hô hấp, vận động, tim phổi... Theo quy trình, trẻ được khám lâm sàng kết hợp các chẩn đoán hình ảnh như CT, đo điện tâm đồ, siêu âm để quyết định có can thiệp sớm hay không", bác sĩ Minh cho biết. 

Bác sĩ Minh cũng chia sẻ thêm rằng độ tuổi phù hợp cho phẫu thuật là từ 7 đến 15 tuổi. Các bác sĩ sẽ đặt thanh kim loại sau xương ức và trên xương sườn.

trẻ bị lõm ngực

Nhiều mẹ chủ quan không biết con bị bệnh lõm ngực 

Kỹ thuật mổ và gây mê mới chỉ khiến bé có hai vết sẹo nhỏ, bệnh nhi cũng hồi phục rất nhanh sau mổ mà không cần phải thở máy. Khoảng 3 năm sau đó, khi lồng ngực chắc chắn, các bé sẽ được mổ lại để rút thanh nâng. 

Tỷ lệ bé trai mắc nhiều hơn bé gái, có trường hợp trẻ sinh ra đã bị lõm ngực nhưng cũng có nhiều trường hợp trẻ lớn lên mới phát hiện bị bệnh.

Lõm ngực nếu không điều trị tùy theo mức độ sẽ gây các vấn đề về đau do biến dạng xương, căng cơ hoặc chèn ép tim phổi ảnh hưởng đến hoạt động thể lực của bé.

Ngoài ra tâm lý mặc cảm với hình thức dị dạng của mình, khi trẻ lớn cũng có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ (thiếu tự tin, chậm phát triển).

Lõm ngực nhiều cũng làm bệnh nhân khó thở, hay bị mệt và suy dinh dưỡng. Nhiều người đến khám với lồng ngực bị lép và lõm, gầy trơ xương và có cả những trường hợp suy giảm trí thông minh do suy dinh dưỡng.

Nguyễn Linh (t/h)
Theo Vnexpress, Vietnamnet