Sự cố tai hại xảy ra ngày 23/4 tại một bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ khi một bác sĩ thực hiện khoan lỗ chân phải của Vijendra Tyagi, 50 tuổi, bị thương ở đầu, trước khi nhận ra nhầm bệnh nhân.
Tyagi nhập viện do bị chấn thương ở đầu sau một vụ tai nạn xe hơi. Do bị gây mê nên ông không thể giải thích sự nhầm lẫn này cho bác sĩ biết.
Bác sĩ trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật bị cách chức ngay lập tức vì thái độ làm việc tắc trách. “Bác sĩ đã nhận ra sai lầm và tháo hết đinh trên cơ thể bệnh nhân, đồng thời nói lời xin lỗi nhưng chúng tôi không chấp nhận”, Ajay Bahl, Giám đốc bệnh viện, cho hay.
Các báo cáo liên quan đến sơ suất y tế xảy ra khá thường xuyên. Tháng 5/2015, bà Craven, 60 tuổi ở bang Connecticut, đã đệ đơn kiện Trung tâm Y khoa Yale ở Đại học Yale vì họ gỡ bỏ nhầm xương sườn của bà.
Cảm thấy sườn đau nhức, khi đi xét nghiệm bà Craven được chẩn đoán có khả năng ung thư xương sường thứ 7 và cần làm phẫu thuật. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bà vẫn thấy đau nhức và khi kiểm tra lại, các bác sĩ phát hiện họ đã loại bỏ nhầm sang xương sườn thứ 8. Bà Craven nói rằng sự nhầm lẫn này còn tai hại hơn cả một tội ác.
Hay như các bác sĩ phẫu thuật ở bệnh viện Park Nicollet Methodist, bang Minnesota (Mỹ) đã loại bỏ nhầm một quả thận khỏe mạnh của bệnh nhân. Bệnh nhân này được chẩn đoán có một khối u, có thể là dấu hiệu của ung thư ở một quả thận và cần làm phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, các bác sĩ lại cắt nhầm quả thận còn lại (không có khối u).
Thật may mắn vì lúc làm xét nghiệm lại, bệnh viện kết luận rằng quả thận không có vấn đề gì nghiêm trọng. Vậy là, vì sai lầm trong chẩn đoán, bệnh nhân đã “mất oan” một quả thận.