Nguyễn Cao Kỳ Duyên - nữ MC hải ngoại nổi tiếng
Mới đây, trên trang cá nhân, Nguyễn Cao Kỳ Duyên chia sẻ: “Vàng thật không sợ lửa. Sau khi đăng video clip đi thử máu thì một số người cho rằng tôi đã đưa thông tin sai lệch và gián tiếp giúp tay cho một cơ sở lừa đảo. Họ đã lập tức và liên tục gọi lên trình báo với FBI để mở hồ sơ điều tra.
FBI đã gọi đến công ty để tìm tôi. Sau khi nhận được tin nhắn của cô thư ký, tôi lập tức liên lạc FBI và hẹn gặp. FBI gửi hai người đến gặp tôi: Một đặc vụ người Mỹ và một đặc vụ người Mỹ gốc Việt. Họ hỏi tôi rất kĩ về các chi tiết: Cô có làm việc cho M.D (bác sĩ đã thực hiện xét nghiệm cho nữ MC) không, loại test kit cô thử là loại gì, cô thử làm sao, M.D đã nói gì với cô, đã gửi gì cho cô,… Sau khi nói chuyện với tôi, họ nói sẽ tiếp tục điều tra bác sĩ M.D”.
Qua bài đăng của Nguyễn Cao Kỳ Duyên, cư dân mạng mới vỡ lẽ hóa ra nữ MC bị FBI điều tra là vì nghi ngờ cô quảng cáo cho test kit covid-19 của một cơ sở y tế tại Mỹ mà Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa cấp giấy phép.
Bài đăng của Nguyễn Cao Kỳ Duyên làm sáng tỏ mọi chuyện
Cuối cùng, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên khẳng định: “Đến hôm nay, tôi nhận được tin từ FBI như sau: “We concluded there is no fraud” (Chúng tôi kết luận là không có gì gian lận cả). Thưa quý vị đối với tôi, ở đời không có gì quan trọng hơn danh dự của mình. Tôi có thể sai lầm nhưng tôi sẽ không bao giờ làm chuyện lừa đảo. Tôi cám ơn tất cả những bạn và các fans đã luôn tin tưởng ở con người và lương tâm của tôi”.
Cùng với bài viết, nữ MC hải ngoại còn đăng kèm ảnh chụp màn hình tin nhắn FBI gửi mình cũng như toàn bộ thông tin liên quan để làm sáng tỏ mọi tin đồn gây xôn xao dư luận. Được biết trước đó, Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã đăng tải bài viết nói về việc gia đình cô đi xét nghiệm nhanh Covid-19 bằng test kit (bộ xét nghiệm) của Hàn Quốc từ một cơ sở y tế của bác sĩ M.D.
Ngay sau đó, nữ MC gặp phải phản ứng gay gắt từ cộng đồng người Việt tại Mỹ vì họ cho rằng cô đã nhận tiền từ M.D (bác sĩ gốc Việt - chủ cơ sở y tế mà gia đình Kỳ Duyên đến xét nghiệm) để quảng cáo cho sản phẩm chưa được cơ quan chức năng của Mỹ cấp giấy phép.