Nhận thấy việc rửa tay thủ công còn nhiều bất cập và nguy cơ lây nhiễm, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã tự sản xuất máy sát khuẩn tay tự động để phục vụ bệnh nhân.
Người dân thấy thuận tiện khi sử dụng máy sát khuẩn tay tự động - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG/TTO
Rửa tay bằng chai nước rửa tay truyền thống là hình thức rất phổ biến hiện nay. Tuy ít tốn chi phí nhưng hình thức này ẩn chưa nhiều nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn qua các bề mặt tiếp xúc. Cùng với đó, việc kiểm soát lượng dung dịch nhiều hay ít cũng là rất khó khăn đối với người có nhu cầu sát khuẩn.
Cùng với đó, việc kiểm soát lượng dung dịch nhiều hay ít cũng là rất khó khăn đối với người có nhu cầu sát khuẩn. Với các trang thiết bị, nhân lực sẵn có, các bác sĩ, kỹ sư điện khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã bắt tay tự sản xuất một chiếc máy giải quyết được tất cả các nhược điểm kể trên của phương pháp sát khuẩn tay thủ công, Tuổi trẻ đưa tin.
Sau 10 ngày nghiên cứu, sản xuất, chạy thử nghiệm, nhóm sản xuất đã cho ra đời chiếc máy phun dung dịch sát khuẩn tay tự động. Máy sử dụng các cảm biến phát hiện chuyển động của tay người sử dụng, sau đó truyền tín hiệu về trung tâm điều khiển. Từ đây, trung tâm sẽ phát tín hiệu xịt dung dịch rửa tay ở đầu máy.
Việc tự động hóa đã hạn chế được việc tiếp xúc giữa người sử dụng với máy. Toàn bộ quá trình sát khuẩn tay chỉ cần thực hiện bằng một động tác giữ tay trước máy trong vòng 3 giây.
Theo khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, hiện Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa đã cho đặt 4 máy sát khuẩn tay tự động ở 4 cổng ra vào. Quá trình sử dụng cho thấy những hiệu quả rõ rệt như tiết kiệm 50% dung dịch sát khuẩn, đẩy nhanh được quá trình tầm soát tại cổng bệnh viện.
Trước đó, hôm 8/4 Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã bàn giao 10 máy sát khuẩn tay tự động cho Bệnh viện Đà Nẵng, phục vụ kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây lan dịch bệnh covid-19 tại cộng đồng, theo Thanh niên.
Máy sát khuẩn tay tự động do các sinh viên Nguyễn Văn Thuần, Nguyễn Đắc Quy, Phan Ben và Phan Thị Mai của Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học BK-Maker, Khoa Điện (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) thực hiện với sự hướng dẫn của TS Ngô Đình Thanh .
Đây cũng là sự phối hợp ý tưởng giữa Đoàn thanh niên Bệnh viện (BV) Đà Nẵng với Câu lạc bộ (CLB) nghiên cứu khoa học BK-Maker. Yêu cầu đặt ra cho sản phẩm là hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo khi tiếp xúc nơi công cộng, tại các bệnh viện trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ben cho biết nhóm mất khoảng 1 tuần để lên ý tưởng, lập thiết kế và chế tạo. Theo đó, máy sát khuẩn tay tự động được thiết kế nhỏ gọn, sử dụng nhanh chóng, phù hợp với môi trường y tế, tiết kiệm được dung dịch và tránh tiếp xúc với bề mặt… Cấu tạo của máy có 4 bộ phận chính gồm mạch điều khiển, các cảm biến, hệ thống phun dung dịch, bình đựng dung dịch, vỏ thiết bị, giá đỡ và các linh kiện điện tử khác.