Người xưa thường quan niệm con dâu mới là con đẻ, còn con gái là con người ta, sự thật có phải như vậy không? Giữa con dâu và con gái có tồn tại sự khác biệt?
Theo chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh (Học viện tâm lý Vera), có một sự thật khá là bất ngờ đó là trong suy nghĩ của nhiều bà mẹ chồng khi đón dâu về nhà, họ cho rằng "con dâu là con đẻ, con gái là con nhà người ta". Vì sao các bà mẹ chồng lại có suy nghĩ này? Liệu suy nghĩ này có mâu thuẫn với thực tế khi mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu là chuyện dài kỳ dường như chưa bao giờ kết thúc?
Chuyên gia Hà Anh cho rằng, sở dĩ các bà mẹ chồng thường suy nghĩ "con gái là con người ta, con dâu mới là con mình" là bởi họ biết, con dâu sẽ là người phụ nữ cùng con trai mình đi đến hết cuộc đời, chăm sóc cho gia đình nhà chồng trong đó có cả mẹ chồng, nhất là khi mẹ đã già và cần nương tựa vào con cái. Còn con gái dù yêu thương cưng chiều thế nào đi chăng nữa một khi dựng vợ gả chồng cho nó rồi thì nó cũng theo người ta về nhà làm dâu, đâu thể mãi mãi ở bên mình được.
Suy nghĩ và mong muốn đó của các bà mẹ là đúng. Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực tế xuất phát điểm tình thương con dâu, con gái lại có sự khác nhau. Thực tế, dù mẹ có yêu thương con dâu như thế nào đi nữa thì xuất phát điểm của tình thương cũng không như con gái.
Xuất phát điểm tình thương dành cho con gái là tình mẫu tử thiêng liêng. Con gái chằng cần làm gì cho mẹ cả mẹ vẫn yêu thương con vô điều kiện. Kể cả khi đã gả con đi lấy chồng, mẹ vẫn ở nhà mong ngóng tin con, âm thầm hỗ trợ con gái từ xa. Chăm sóc con từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Ảnh minh họa
Còn đối với nàng dâu, một người phụ nữ đột nhiên xuất hiện trong cuộc đời mình, dù mẹ chồng có tâm lý đến đâu cũng khó lòng coi đây là con ruột. Những bà mẹ chồng lựa chọn sống cùng nàng dâu và yêu thương nàng dâu hết mực là do có lý do riêng. Như đã nói trên, con dâu sẽ là người đồng hành cùng con trai và là người chăm sóc mẹ chồng khi về già. Vậy có phải nên "lấy lòng" nàng một chút, yêu thương nàng một chút để khi mình đau yếu có nàng bên cạnh chăm sóc theo cách tương tự? Đây là tình cảm xuất phát từ tinh thần trách nhiệm và sự mong chờ về tương lai. Tuy vậy, sự quan tâm chăm sóc chắc hẳn có sự hời hợt và qua loa hơn so với con ruột.
Sự khác nhau trong ứng xử khi xẩy ra mâu thuẫn
Dù là con gái hay con dâu, khi sống dưới cùng một gia đình sẽ khó tránh khỏi gặp những tình huống tranh cãi, gây mâu thuẫn với mẹ chồng. Và cách mẹ chồng xử lý những mâu thuẫn với hai đứa con này cũng không hề giống nhau.
Con gái dù làm gì sai đi nữa, mẹ dù có la mắng con nhiều như thế nào đi nữa thì vẫn dễ dàng tha thứ cho con gái hơn là con dâu. Dù gì con gái cũng là con ruột, mẹ mắng con bản thân mẹ cũng cảm thấy đau lòng, đâu thể buông lời cay đắng nghiệt ngã?
Ảnh minh họa
Con dâu khi làm sai, khi bướng bỉnh, thân làm mẹ cũng cần phải lên tiếng dạy dỗ. Nhưng khổ một nỗi nhiều mẹ chồng không dám nặng nhẹ với con dâu, vì sợ nàng dâu phật lòng, sẽ không chăm sóc cho gia đình mình nữa. Hơn nữa, từ nhỏ đã không ở bên cạnh nàng, nàng vì con trai mình mới phải theo con về nhà mình, sao nỡ buông lời nặng nhẹ. Vì vậy sự vị tha mẹ dành cho con dâu nhiều lắm là vì e ngại, cũng vì thấu hiểu phận làm dâu.
Cũng có những người mẹ chồng đặc biệt cay nghiệt, suy nghĩ và cách lý giải về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng cực kỳ khác. Rằng con dâu càng cần phải hoàn hảo, giỏi giang mới xứng đáng với con trai mình, nên phải dạy dỗ nó cho thật tốt. Điều này là nguyên nhân gây mâu thuẫn và rạn nứt tình cảm mẹ chồng và nàng dâu.
Tình cảm con gái dành cho mẹ có hơn tình cảm của con dâu?
Tương tự như tình cảm mẹ dành cho các con, tình cảm mà con gái và con dâu dành cho mẹ chồng cũng có xuất phát điểm khác nhau.
Tình thân bao giờ cũng thân tình hơn, gần gũi hơn và thật lòng hơn là tình cảm giữa những người không cùng huyết thống. Vì vậy con gái yêu thương mẹ mình hơn chị dâu là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên chính vì loại tình thân thiêng liêng này mà con gái càng vô tâm, càng ít chú ý đến cảm nhận của mẹ mình hơn. Bởi với nàng, dù gì đi nữa mẹ cũng sẽ tha thứ và ở bên mình, nên đôi khi nàng làm mẹ buồn, làm mẹ tổn thương mà không hề để ý.
Còn nàng dâu, thân là người ngoài mới chân ướt chân ráo bước về nhà, e dè sợ hãi đủ thứ, nhất là sợ làm phật lòng mẹ chồng. Do đó nàng tuy không thương mẹ chồng bằng mẹ đẻ, nhưng lại thường chú ý đến cảm nhận của bà hơn là con đẻ. Nhất là với những mẹ chồng vốn tâm lý, tốt tính, nàng dâu càng sợ khiến mẹ chồng buồn bã tổn thương. Tình cảm nàng dâu mẹ chồng tuy không xuất phát từ tình thân, nhưng cũng rất đáng trân trọng bởi điều này chứng tỏ tâm ý của nàng dành cho chồng, cho gia đình chồng của mình.