Thứ năm, 25/04/2024 | 17:16
RSS

Lý do bệnh viện Bạch Mai vẫn duy trì dịch vụ mua bán nước sôi?

Thứ sáu, 03/04/2020, 11:04 (GMT+7)

Việc bệnh viện Bạch Mai vẫn duy trì dịch vụ đun nước sôi bán cho người bệnh thay vì lắp cây nước nóng là vấn đề được rất nhiều bệnh nhân cũng như người dân quan tâm.

“Tại sao Bệnh viện Bạch Mai vẫn duy trì dịch vụ đun nước sôi bán cho người bệnh thay vì lắp cây nước nóng miễn phí?” là câu hỏi được rất nhiều bệnh nhân cũng như người dân quan tâm, được biết dịch vụ này do Công ty Trường Sinh đảm nhiệm.

Trong thời gian vừa qua, với 27 nhân viên trong công ty dương tính với covid-19 công ty TNHH Trường sinh đang trở thành tâm điểm ổ dịch Covid-19. Điều đáng lưu ý ở đây đó là số ca bệnh nhân dương tính với Covid-19 là những người chuyên cung cấp dịch vụ ăn uống, cung cấp và phục vụ nước sôi cho người bệnh tại các khoa, các phòng của Bệnh viện Bạch Mai. Hiện Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiến hành phong tỏa khu vực nhà ăn, thực hiện cách ly toàn bệnh viện.

Bệnh viện Bạch Mai được xem là bệnh viện tuyến cuối, mỗi ngày có khoảng từ 5.000-7.000 người đến đây khám và điều trị, trong đó có cả những người nhà bệnh nhân và hàng nghìn y, bác sỹ, thực tập sinh ngành y đang trực tiếp làm việc tại đây.

Từ đó, nảy sinh một vấn đề khiến người ta không khỏi băn khoăn, thắc mắc nguyên do tại sao một bệnh viện lớn như Bạch Mai suốt thời gian qua lại vẫn duy trì dịch vụ cung cấp nước sôi thủ công cho người bệnh và dịch vụ này lại được chính Công ty Trường Sinh thực hiện.

Lý do bệnh viện Bạch Mai vẫn duy trì dịch vụ mua bán nước sôi do công ty Trường Sinh đảm nhiệm

Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Kiến Trúc

Nhiều người đã bày tỏ rõ thái độ khó chịu và cảm thấy phiền hà trước dịch vụ “hơi vô lý” này, đồng thời cũng đặt ra nhiều nghi vấn xoay quanh dịch vụ đun nước sôi của Bệnh viện Bạch Mai.

Trong đó, bà Đỗ Thị Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ trên báo chí về vấn đề này cũng cảm thấy khá ngạc nhiên không hiểu lý do gì mà đến giờ, Bệnh viện Bạch Mai vẫn còn đun nước sôi để bán cho người bệnh. Mỗi lần đổi phích lấy nước nóng ở Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh phải chi trả 5.000 đồng.

Đánh giá và nhìn nhận dưới góc độ là một người dân, bà Thảo cho biết: “Nếu thông tin đó là đúng, thì  người bệnh nằm 10 ngày sẽ mất 50.000 đồng mua nước nóng. Nếu bệnh nặng phải nằm một tháng thì chỉ riêng tiền mua nước nóng đã mất 150.000 đồng. Chưa kể bao khoản khác nữa”.

Cũng theo thông tin trên báo chí, dưới góc độ của một bác sĩ truyền nhiễm, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng hết sức bất ngờ khi một bệnh viện lớn nhất cả nước vẫn duy trì việc đun nước sôi bán cho người bệnh: “Giờ nhiều bệnh viện có cây nước nóng miễn phí. Chứ ít bệnh viện có bệnh nhân phải đi mua nước sôi nữa”, ông Khanh nói.

Chính vì những điểm không hợp lý của dịch vụ này đã khiến cho dư luận đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Vì sao bệnh viện không sớm phát triển hệ thống các máy cung cấp nước nóng tại hành lang các phòng khoa? Phải chăng là vì “không đủ điều kiện” ?

Nhận được những thông tin phản hồi và bức xúc từ phía người dân, mới đây, ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện Bạch Mai đã yêu cầu dừng dịch vụ đổi nước sôi, đồng thời cho lắp đặt 100 máy lọc kết hợp đun nước sôi tại các phòng khoa trong viện.

Đồng thời ông cũng chia sẻ thêm: “Một bệnh viện lớn giữa trung tâm Hà Nội như bệnh viện Bạch Mai không thể để việc này tiếp tục” bởi lẽ nó sẽ trở thành tiếng xấu đối với bệnh viện.

Ngay cả khi đã ngừng dịch vụ đun nước sôi cung cấp cho bệnh nhân, người ta vẫn không khỏi khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Vì sao bệnh viện không sớm phát triển hệ thống máy cung cấp nước nóng tại hành lang các phòng khoa? Phải chăng là vì “không đủ điều kiện” hay ai sẽ là người được hưởng lợi trong việc cung cấp dịch vụ này? Có hay không việc bệnh viện bạch Mai “ưu ái” cho Công Ty Trường Sinh

Trước đó, dư luận đã dấy lên hoài nghi về mối liên quan giữa Công ty TNHH Trường Sinh với Bệnh viện Bạch Mai khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói rằng, toàn bộ việc nấu ăn và cung cấp dịch vụ của Công ty Trường Sinh trực thuộc và dưới sự giám sát của Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Bạch Mai. Các nhân viên Trường Sinh vào làm việc hợp đồng với Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai mà không phải công ty tư nhân làm đơn lẻ.

Tuy nhiên mới đây, khi trả lời báo chí, BS.TS Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: “Công ty Trường Sinh là đơn vị cung cấp dịch vụ cho bệnh viện. Đây là một trong nhiều doanh nghiệp tư nhân đang cung cấp các dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai. Doanh nghiệp này chỉ cung cấp đồ uống, suất ăn chứ không phải cung cấp các dịch vụ y tế".

Đồng thời ông cũng cho biết, các nhân viên của Công ty Trường Sinh không ký hợp đồng lao động với Bệnh viện Bạch Mai, trong danh sách quản lý nhân sự của bệnh viện cũng không có những người đang làm tại Công ty Trường Sinh.

Cũng theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh là doanh nghiệp tư nhân, được đăng ký kinh doanh con dấu, tư cách pháp nhân riêng biệt và một lần nữa khẳng định, doanh nghiệp này không phải là một bộ phận của Bệnh viện Bạch Mai như nhiều người đồn đoán.

Mới đây, trao đổi với báo chí, đại diện Bạch Mai cũng cho biết các cơ quan chức năng sẽ làm rõ sự việc Công ty Trường sinh có mối quan hệ như thế nào với bệnh viện Bạch Mai ngay sau thời điểm kết thúc dịch bệnh và sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho người dân, những người đang quan tâm trực tiếp đến vấn đề này.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN