Đau nhức xương khớp do nhiều nguyên nhân. Bệnh do phong kết hợp với thấp, phong kết hợp với hàn làm trở trệ lưu thông của khí huyết, làm co cơ, kinh mạch không thông dẫn tới đau. Trong đông y có câu "thống bất thông, thông bất thống" (không thông thì sinh đau). Các bệnh xương khớp gia tăng dẫn tới các triệu chứng đau lưng hông, vai gáy…
Triệu chứng đau mỏi có kèm theo chẩn đoán bằng hình ảnh có thoái hóa đốt sống. Thoái hóa này hiện trẻ hóa ở những người làm việc ở văn phòng, ngồi điều hòa…
Có những vị thuốc dân gian giảm đau hiệu quả như:
+ Dây đau xương:
Dây đau xương có thể giúp giảm đau tê nhức xương khớp
Đun lên uống ngày 15 – 20gr. Mỗi lần sắc cho vào 500ml đun sôi kĩ còn 200 ml nước thì chắt ra uống. Đổ nước sắc như vậy 3 lần. Liều lượng người lớn 20 – 30gr/ ngày. Có những người bị tê nhức bắp chân hoặc ống chân thì vừa uống dây đau xương kết hợp với lấy đun nước toàn cây lá lốt để ngâm chân trước khi đi ngủ.
+ Ngải cứu rang muối nóng:
Đau lưng có thể dùng ngải cứu rang muối nóng rồi bọc vải chườm vào vị trí đau. Lưu ý là tránh chườm vào những vị trí bị bong da, các vết loét, mụn nhọt, có tổn thương ở ngoài da.
+ Cẩu tích ( còn gọi là cây lông cu li): Dùng phần củ của cẩu tích 20 – 30 gr khô kết hợp với cỏ ngọt 5gr. Đổ nước 500 ml đun sôi kĩ lấy 200ml nước rồi chắt ra uống. Sắc như vậy 3 lần uống trên ngày.
Phần củ cây lông cu li rất tốt cho các bệnh xương khớp
Khi cơ thể có một bộ phận nào yếu thì dẫn tới chính khí hư suy, tà khí thừa cơ xâm phạm. Như vậy cần phải phù chính khu tà để nâng sức đề kháng của con người chống lại bệnh tật , không tấn công vào được. Mục đích trong đông y chữa xương khớp là khu phong trừ thấp. Các vị này đều có tác dụng trừ thấp vì thế mà có tác dụng giảm đau. Cơ thể nếu có phong nhiều thì phải kết hợp các vị như phòng phong, kinh giới…
Khi bị đau nhức xương khớp, mọi người cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Cần phải kiêng không nên ăn cà pháo. Theo khoa học không nói đến kiêng ăn cà pháo nhưng trong thực tế thì những người bị đau xương khớp, đau mắt, đau răng, viêm da cơ địa, sưng lợi… khi ăn vào thì đau nhức tăng, ngứa tăng. Ngoài ra cần kiêng thịt gà vì nó có tính nóng, ăn vào cũng tăng đau nhức. Thay vì ăn thịt gà thì ăn ngan, vịt tốt hơn vì có tính mát.
Sai lầm mà mọi người dễ mắc phải dẫn tới đau nhức xương khớp là mang vác quá nặng, ngồi làm việc lâu ở một tư thế mà không thay đổi, lười vận động. Điều đáng nói là người bệnh khi đau nhức xương khớp càng bị đau càng sợ cử động dẫn đến các khớp trở nên tê cứng, khó cử động, đặc biệt là khớp gối, khớp cổ tay, ngón tay... Khi ít vận động, ít tập thể thao làm cho khí huyết trở trệ không dinh dưỡng được xương khớp dẫn tới đau.
Để hạn chế đau nhức xương khớp trong mùa thu, mọi người cần lưu ý ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh thất thường. Điều chỉnh mức độ tập luyện phù hợp thể trạng từng người. Hàng ngày nên vận động nhẹ nhàng để các khớp được vận động và xoa bóp các khớp gối, cổ chân, bàn tay, ngón tay, nhất là lúc sáng sớm vừa ngủ dậy. Làm như vậy để cho các mạch máu giãn ra, vận chuyển máu được dễ dàng đến nuôi các khớp, giảm đau nhức khớp.