Thứ sáu, 19/04/2024 | 00:00
RSS

Lưỡng lự hậu Covid

Thứ hai, 12/04/2021, 09:20 (GMT+7)

Thế giới đã bước qua ngày thứ 100 ngày kể từ mũi tiêm ngừa Covid-19 đầu tiên được tiêm chủng tại Vương quốc Anh. Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm ở một số quốc gia, khu vực. Trong khi đó, sức ép mở cửa nền kinh tế ngày một lớn thông qua “hộ chiếu vaccine” và “bong bóng du lịch”.


Nhiều tuyến bay nội địa của Thái Lan đã dần tấp nập trở lại.

Ngày 10/4 vừa qua, thế giới tròn 100 ngày bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19. Nhưng cũng thật đáng buồn, trong khoảng thời gian đó số ca mắc mới vẫn tiếp tục tăng lên. Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tới nay vẫn còn 26 quốc gia chưa có bất cứ người nào được tiêm ngừa Covid-19. Trong vòng 100 ngày tiêm vaccine, thế giới có tới 6 tuần liên tiếp số ca mắc mới tăng lên, kể cả số ca tử vong cũng tăng.

“Vũ khí vaccine” là chưa đủ

Bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu nhóm kỹ thuật Covid-19 của Chương trình Y tế khẩn cấp WHO cho rằng, “vaccine và tiêm chủng là một công cụ cực kỳ mạnh mẽ, nhưng chúng sẽ không chấm dứt được đại dịch. Để chấm dứt đại dịch cần một cách tiếp cận toàn diện mà mỗi người dân cần ý thức về vai trò của mình và được hỗ trợ để thực hiện vai trò của mình”.

Còn Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết hơn 700 triệu liều vaccine đã được phân phối toàn cầu (tính đến ngày 10/4). Tuy nhiên có đến 87% trong số này thuộc về những nước có thu nhập cao, khá và trung bình, trong khi những nước có thu nhập thấp chỉ nhận được 0,2%. Tại các nước có thu nhập cao, cứ 4 người đã có một người được tiêm vaccine, trong khi đó con số ở nước có thu nhập thấp là 1/500 người.

Nhưng dẫu thế thì nhiều quốc gia vẫn đang gấp gáp tìm kiếm các giải pháp khơi thông du lịch, thương mại và vực dậy các nền kinh tế. Trong đó giải pháp quan trọng nhất là “hộ chiếu vaccine” được cho là quan trọng nhất để mở cửa du lịch.


“Hộ chiếu vaccine” và “bong bóng du lịch”

Tuy nhiên, có “hộ chiếu vaccine” đi chăng nữa thì giữa các quốc gia vẫn không thể nói là thông suốt, vì mỗi nơi áp dụng khái niệm này một kiểu, với độ vênh khác nhau. Việc hành khách phải làm xét nghiệm gì (tại sân bay nơi đến), bao nhiêu lần và cách ly tại nhà hay tại địa điểm bắt buộc là không giống nhau. Cụ thể, Chính phủ Anh cho biết sẽ không ngần ngại áp dụng biện pháp cách ly cứng rắn nếu thấy rủi ro lây nhiễm tăng lên. Trong khi đó, họ lại cho rằng “hộ chiếu vaccine” của Anh đủ để cho phép du lịch trong và ngoài nước.

Nói như Bộ trưởng giao thông vận tải Anh, ông Grant Shapps, thì nước Anh sẽ mở cửa du lịch một cách an toàn và bền vững.

Với New Zealand và Australia, tại thời điểm này đã thiết lập hành lang an toàn nối lại hoạt động đi lại miễn cách ly giữa hai nước, với hình thức “bong bóng du lịch”. Thái Lan cũng đang có kế hoạch thảo luận với Singapore về việc thực hiện “bong bóng du lịch” giữa hai nước.

“Bong bóng du lịch” được hiểu là mối quan hệ đối tác giữa các quốc gia láng giềng hoặc lân cận đã chứng tỏ thành công đáng kể trong việc ngăn chặn và chống lại đại dịch Covid-19. Các quốc gia này thiết lập kết nối bằng cách mở cửa biên giới và cho phép công dân của họ đi lại tự do giữa lãnh thổ hai bên mà không cần phải kiểm dịch khi nhập cảnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh vaccine đang dần được triển khai tiêm chủng đại trà, nhiều quốc gia chú ý nhiều hơn tới “hộ chiếu vaccine” như một giấy thông hành để người dân đi tới những quốc gia bắt buộc tiêm chủng đối với người nhập cảnh. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyu cho biết sẽ sớm ra mắt hộ chiếu vaccine số. Theo đó, “hộ chiếu vaccine” hay còn gọi là “thẻ xanh” để mọi người có thể được quay trở lại cuộc sống bình thường.

Nhưng, một số quốc gia khác, điển hình là Mỹ, cho biết sẽ không yêu cầu “hộ chiếu vaccine” vì các quyền và sự riêng tư của công dân quan trọng hơn. Với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì chưa nên sử dụng hộ chiếu vaccine vào thời điểm này do nhiều rủi ro về việc liệu tiêm phòng có ngăn được tình trạng lây nhiễm hay không, cũng như những quan ngại về tình trạng phân biệt đối xử.

Đáng chú ý, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) lại lên tiếng cảnh báo “hộ chiếu vaccine” giả đang xuất hiện nhiều hơn, khi chúng được rao bán tràn lan trên mạng với mức giá “bèo bọt”.

“Phao cứu sinh” và sự bất bình đẳng

Tới đây, một câu hỏi đặt ra: Vậy thì “hộ chiếu vaccine” là phao cứu sinh hay là gia tăng bất bình đẳng? Nói như WHO thì hiện không phải là thời điểm thích hợp để triển khai “hộ chiếu vaccine”, mà quan trọng chính là giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận toàn cầu vaccine Covid-19.

Tuy nhiên, câu hỏi liệu vaccine có ngăn chặn được sự lây nhiễm hay “hộ chiếu vaccine” liệu có làm gia tăng tình trạng phân biệt đối xử hay không, cũng không thống nhất giữa các quốc gia. Cụ thể, với nước Mỹ, Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ không yêu cầu người Mỹ phải mang theo chứng nhận tiêm chủng  để bảo đảm quyền riêng tư. Trong khi đó, với nước Anh nhiều ý kiến lo ngại việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” sẽ tạo ra một “nước Anh hai tầng” khi ngăn cản những người không được tiêm vaccine đi du lịch hoặc tiếp cận các dịch vụ nhất định.

Về mặt lý thuyết, những chính sách kiểu “hộ chiếu vaccine” sẽ giúp kiểm soát đại dịch nói chung, giảm thiểu các bệnh lây nhiễm cộng đồng và ngăn chặn sự gián đoạn kinh tế. Tuy nhiên, nói như Người phát ngôn WHO, bà Margaret Harris, thì “chúng tôi hiện không có đủ dữ liệu về việc liệu vaccine có ngăn ngừa được sự lây truyền hay không để nói rằng đây sẽ là một chiến lược hiệu quả. Vấn đề thứ hai là công bằng. Không phải tất cả mọi người đều được tiếp cận với vaccine và có những người không có khả năng chủng ngừa vì lý do này hay lý do khác”.

Như vậy, cho tới thời điểm này, khi mà “vũ khí vaccine”, “hộ chiếu vaccine” hay là “bong bóng du lịch” đều đã được áp dụng, nhưng như người ta thường nói thì “vẫn chưa tìm được tiếng nói chung”. Mà như vậy thì mùa du lịch hè năm nay sẽ không thể bùng nổ như kỳ vọng và tăng trưởng kinh tế trên phạm vi toàn cầu “hậu Covid” vẫn sẽ là ẩn số.

PHAN QUANG VŨ
Theo Đại Đoàn Kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, một trận động đất lớn với cường độ 7,4 độ richter đã xảy ra ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan khiến cảnh báo sóng thần cho hòn đảo và miền nam Nhật Bản.