Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:05
RSS

Luật sư tư vấn cách để 'an toàn' khi Luật an ninh mạng có hiệu lực

Thứ tư, 02/01/2019, 16:05 (GMT+7)

Để không bị truy tố trách nhiệm hình sự, người sử dụng mạng cần phải đặc biệt chú ý và tuyệt đối không được vi phạm một trong những điều luật được đề ra như sau...

Bắt đầu từ ngày 1/1/2019, Luật an ninh mạng có hiệu lực. Để không bị truy tố trách nhiệm hình sự, người sử dụng mạng cần phải thực hiện nghiêm túc những quy định được đề ra trong luật an ninh mạng.

Chia sẻ vấn đề trên với PV, luật sư Thu Hằng -  Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú cho biết, đây là một bộ luật còn khá mới mẻ với người dân Việt Nam, chính vì vậy việc thích nghi sẽ còn gặp nhiều khó khăn. 

1. Khái niệm về an ninh mạng

Theo luật sư Hằng, an ninh mạng được hiểu là một quá trình thực hiện đầy đủ các biện pháp cụ thể, nhằm khắc phục những lỗ hổng về các vấn đề bảo mật và các virus xâm nhập vào các phần mềm ứng dụng , phòng chống sự xâm nhập có hại hoặc những truy cập sai mục đích nhằm tạo ra không gian sạch sẽ cho người dùng internet.

Bộ luật An ninh mạng được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, và đã được chính thức công bố tại Việt Nam với hơn 86% đại biểu quốc hội đồng ý. Luật an ninh mạng đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng.

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an, Quốc phòng trong bảo vệ an ninh mạng.Ban Cơ yếu Chính phủ; Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng; tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng đều có trách nhiệm thi hành Luật này.

2. Vì sao phải ban hành Luật an ninh mạng 2018 trong khi đã có Luật an toàn thông tin mạng 2015?

Luật an ninh mạng 2018 ra đời trong thời kì công nghệ 4.0, khi con người đang bước vào kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên cho sự phát triển của những trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng được thế mạnh của thời kì công nghệ 4.0 này để làm nền tảng cho những mục đích vụ lợi cá nhân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến những cá thể khác nói riêng và hệ thống chính quyền nói chung.

Nói cách khác, đây cũng là kỷ nguyên phát triển lên tầm cao mới của các tội phạm mạng máy tính, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên tạc truyền thống dân tộc.. lợi dụng sự phát triển của công nghệ Internet để xâm phạm quyền sở hữu tài sản, quyền trí tuệ nhân tạo và quyền bảo vệ quốc gia của công dân Việt Nam.

Do đó, Luật an ninh mạng 2018 được ra đời chính là sự bảo vệ của quốc gia, đảm bảo trật tự và an toàn của xã hội trên không gian mạng nhằm chống lại các đối tượng: tội phạm mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng ngăn chặn các nguy cơ ảnh hưởng đến người dùng internet. Trên thực tế, mỗi bộ luật đều có sự đặc thù riêng, cụ thể:

• Luật An toàn thông tin mạng 2015 bảo vệ sự an toàn thông tin trên 3 thuộc tính chung nhất, đó là tính nguyên vẹn của thông tin; tính bảo mật thông tin; tính khả dụng của thông tin.
• Luật An ninh mạng 2018 tập trung chống lại các thông tin độc hại, xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng.

Việt Nam cũng đang bắt kịp những quốc gia đang phát triển trên thế giới thông qua bộ luật An ninh mạng này. Luật an ninh mạng 2018 mang tới rất nhiều lợi ích để đảm bảo cho một không gian mạng tại nước ta được hoạt động ổn định.

Vì vậy dù là vô tình hay cố ý việc vi phạm luật an ninh mạng cũng là một trong những điều khiến cho người dùng gặp phải rất nhiều rắc rối, thậm chí còn bị truy tố trách nhiệm hình sự nặng nề.

3. Vậy người dùng làm thế nào để không vi phạm luật an ninh mạng

Nội dung của Luật an ninh mạng 2018 bao gồm 7 chương và 43 điều với những quy định nghiêm ngặt và cụ thể, và nếu như không cẩn thận điều chỉnh những hành vi của bản thân khi sử dụng Internet thì người dùng rất dễ vi phạm vào những điều khoản có trong  luật, và dù là vô tình hay cố ý thì vẫn sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự và xử phạt nghiêm ngặt.

Do đó nếu không muốn vi phạm luật an ninh mạng thì người dùng Internet phải đặc biệt chú ý và tuyệt đối không được vi phạm một trong những điều luật được đề ra như sau:

• Đăng tải các nội dung chống phá nhà nước: Bao gồm những hành vi xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.

• Lôi kéo, dụ dỗ đào tạo những người tham gia biểu tình bạo loạn: cụ thể như tổ chức các đội nhóm hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước, tham gia những cuộc biểu tình bạo động làm mất đoàn kết dân tộc.

• Vu khống, làm nhục người khác: điển hình là những thông tin sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác…

• Đăng tải những thông tin sai sự thật với nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

• Đăng tải những thông tin dâm ô, tệ nạn xã hội, phá hội thuần phong mỹ tục của dân tộc và đạo đức nhân loại.

• Không được phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Nhiều tổ chức, cá nhân luôn sử dụng internet để làm công cụ chống phá an ninh quốc gia thông qua các thao tác chiến tranh mạng, tấn công mạng, gián điệp mạng gây sự cố an ninh, xâm nhập và chiếm quyền điều kiển làm sai lệch hệ thống mạng quốc gia.

• Không cung cấp thông tin sai sự thật làm hoang mang trong lòng dân thiệt hại cho các hoạt động kinh tế. Gây khó khăn cho những người thi hành công vụ

• Không được chống lại hoặc cản trở hoạt động bảo vệ an ninh mạng để làm mất tác dụng của các biện pháp bảo vệ an ninh đất nước.

• Không được xâm nhập vào mạng máy tính của các doanh nghiệp, cá nhân để “ăn cắp” thông tin, xâm phạm chủ quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân để trục lợi.

• Không được sản xuất các phần mềm gây hại trong hoạt động của máy tính viễn thông.
Như vậy, để không gặp rắc rối hoặc thậm chí tránh khỏi sự truy cố trách nhiệm hình sự, người sử dụng mạng cần phải lưu ý đến những nguyên tắc được nêu trên và đặc biệt không vi phạm các điều luật cấm theo Điều 8 Luật an ninh mạng 2018 người dùng mạng cần biết bao gồm 6 nhóm hành vi sau:

• Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

• Kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng

• Đăng tải thông tin có nội dung làm nhục, vu khống người khác

• Đăng tải thông tin có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

• Chiếm đoạt tài sản

• Tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet,…

Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật đã đề ra.

4. Một lưu ý đối với Doanh nghiệp nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện

Theo qui định tại Điều 26 Luật này quy định, doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm: 

Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; Bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạnh;

 Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung vi phạm trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ; 

Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung vi phạm khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Đồng thời doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Qui định này của Luật an ninh mạng 2018 liệu có ảnh hưởng đến lượng người dùng Google, Facebook hay các mạng xã hội lớn. Hiện nay có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh tầm ảnh hưởng của Luật An ninh mạng tới tự do thông tin. Tuy nhiên, suy cho cùng thì đây là giải pháp cần thiết để góp phần đảm bảo an ninh mạng nói riêng và sự ổn định của đất nước nói chung.

5. Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Đây là một qui định rất nhân văn của Luật an ninh mạng 2018. Theo đó, Điều 29 qui định: Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. Các Doanh nghiệp phải đảm bảo kiểm soát nội dung để không gây nguy hại cho trẻ em; đồng thời, xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em.

6. “Nghe lén” các cuộc đàm thoại được coi là hành vi gián điệp mạng.

Các hành vi gián điệp mạng, xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng được liệt kê tại khoản 1 Điều 17 Luật an ninh mạng 2018 trong đó có : “…cố ý nghe, ghi âm, ghi hình trái phép các cuộc đàm thoại”.

7. Khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia phổ biến kiến thức an ninh mạng

Nhà nước có chính sách phổ biến kiến thức về an ninh mạng trong phạm vi cả nước, khuyến khích cơ quan nhà nước phối hợp với tổ chức tư nhân, cá nhân thực hiện chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về an ninh mạng.
Bộ ngành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xây dựng và triển khai hoạt động phổ biến kiến thức về an ninh mạng cho cán bộ công chức trong Bộ ngành, cơ quan, tổ chức. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phổ biến kiến thức cho cơ quan, tổ chức, cá nhân của địa phương.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN