Thứ hai, 29/04/2024 | 14:42
RSS

Lời nguyền của pho tượng vàng nghìn tuổi và số phận của những “tỉ phú một đêm”

Thứ bảy, 01/07/2017, 07:00 (GMT+7)

Những người liên quan tới việc đánh thức bức tượng vàng ngủ sâu dưới lòng đất đều phải trả giá bằng việc trắng tay, tù tội hoặc cuộc đời về sau gặp muôn vàn khổ cực.

LTS: Bức tượng cổ một vị thần người Chăm ngủ yên dưới lớp đất sâu hàng trăm năm được một thiếu niên vô tình phát hiện. Pho tượng cổ bằng vàng ngay lập tức khiến giới săn tìm đồ cổ nổ ra một cuộc chiến kim tiền để sở hữu nó. Những người phát hiện bức tượng bỗng chốc có trong tay cả một gia sản khổng lồ, trở nên giàu có tột đỉnh. Vậy nhưng, tất cả mọi người có liên quan đều phải trả giá bằng cảnh trắng tay hay tù tội, cuộc đời về sau gặp muôn vàn cực khổ khiến ai nấy đều cho rằng họ gặp phải lời nguyền bí hiểm từ bức tượng. Câu chuyện đã trôi qua 17 năm nhưng với những người trong cuộc, đó vẫn như là một giấc mơ mới ngày hôm qua.

Tượng cổ bằng vàng ngủ cả nghìn năm trong lòng đất

Chúng tôi tìm về thôn Phú Long (xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) để tìm tung tích những người đã phát hiện ra bức tượng cổ bằng vàng 17 năm trước. Đến trung tâm xã Đại Thắng hỏi các bậc cao niên về những người phát hiện bức tượng cổ ngày trước, ai cũng cón nhớ như in đó là cha con anh Nguyễn Văn Nông (SN 1983) và ông Nguyễn Văn Kình. Vậy nhưng chúng tôi có chút hụt hẫng khi biết anh Nông hiện không có mặt ở quê. “Thằng Nông đi Sài Gòn làm thuê đến Tết mới về. Các anh đến thẳng nhà ông Kình (cha anh Nông – PV) mà hỏi chuyện. Ở làng này ai cũng gọi ổng là tỉ phú một đêm hết”, một người dân cười nói.

Lời nguyền cổ vật

Ông Kinh ngồi trước căn nhà mới xây của hai vợ chồng

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đến nhà vợ chồng ông Nguyễn Văn Kình (SN 1952) và bà Trần Thị Liên. Căn nhà mới xây khá khang trang, rộng lớn nhưng vẫn chưa được quét sơn. Thấy nhà có khách, ông Kình đang nằm nghỉ trong nhà bước ra rót trà mời. Khi có người nhắc lại chuyện buồn cũ, đôi mắt ông lại xa xăm, tay chỉ về quả đồi nơi phát hiện ra bức tượng gây cho gia đình ông bao cảnh sóng gió.

Ông Kình cho biết mình khôn phải là người trực tiếp phát hiện ra bức tượng mà là cậu con trai út của ông. Ông vẫn nhớ như in đó là một buổi chiều ngày 23/7/1997. Cậu bé Nông lúc đó mới 14 tuổi được nghỉ học nên ở nhà. Do rảnh rổi không có việc gì làm nên Nông mượn chiếc máy rà kim loại của người bà con rồi mang lên đồi tìm kiếm phế liệu.

“Hồi đó ở làng này 10 nhà thì có hết 8 nhà làm nghề rà tìm phế liệu, chủ yếu là bom mìn chiến tranh còn sót lại. Từ người lớn cho đến tụi choai choai ai cũng biết sử dụng máy, cứ rảnh việc đồng áng là vác máy đi thôi. Cũng nhờ nghề ni mà hồi nớ có thêm thu nhập nuôi sống gia đình”, ông Kình nói.

Cậu bé Nông lúc đó mang máy lên khu vực gò Đồi để rà kim loại. Đến gần 4 giờ chiều thì tiếng hú báo hiệu có kim loại phát ra inh ỏi từ chiếc máy cũ kỹ. Nông liền lấy loại cuốc đinh ba để đào vào lòng đất hơn 20 cm nhưng vẫn không phát hiện thấy gì trong khi chiếc máy vẫn liên tục phát tín hiệu. Lúc này, Nông thấy ông Lê Chờ, một người hàng xóm đi ngang qua nên có nhờ ông Chờ đào giúp. Ông Chờ không chút ngần ngại giúp sức với hy vọng được chia một ít phế liệu tìm được.

Hai người đàn ông, một già một trẻ hì hục đào sâu xuống lòng đất hơn nửa mét thì lưỡi cuốc va phải một vật cứng. Họ nghe thấy tiếng vỡ sành sứ bị vỡ. Quan sát cẩn thận, họ phát hiện đó là một chiếc hũ sành, bên trong còn chứa một vật khác. Họ nhẹ nhàng nâng chiếc hũ lên khỏi lòng đất và rồi vừa vỡ òa vui mừng vừa có chút kinh sợ khi bên trong là một bức tượng bằng kim loại có màu vàng.

Đó là một bức tượng có hình đầu người cao 24cm, bề ngang chỗ rộng nhất là 11,3cm, trọng lượng 0,58kg. “Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ thằng Nông tìm được cái tượng cổ đó là nhờ cái duyên mà ra. Vì sao à, vì cái gò Đồi đã bị những người rà tìm phế liệu cày nát hết rồi nhưng chẳng ai gặp được cái tượng đó”, ông Kình trầm ngâm nói.

Ngay khi phát hiện bức tượng thì lập tức đã só sóng gió nổi lên với gia đình ông Kình khi mất tình làng nghĩa xóm với ông Lê Chờ. Ông Chờ thấy bức tượng liền đoán biết là có giá trị nên ỷ thế người lớn giành lấy. Ông Chờ cấm Nông không được kể với ai và hứa sau này sẽ cho tiền tiêu vặt hằng ngày.

Thấy ông Chờ tranh mất thành quả của mình, cậu bé Nông cũng không chịu thua liền chạy về nhà mách với người lớn. Chỉ ít phút sau, ông Kình đã cùng con trai tìm gặp ông Chờ để lấy lại bức tượng. Dù muốn độc chiếm làm của riêng nhưng vì đuối lý nên ông Chờ đành trả lại.

“Cảnh dân nghèo với nhau ở làng, tôi với ông Chờ cả đời không bao giờ tranh giành, gây sự với ai. Vậy mà vì bức tượng đó mà hai nhà không thèm nhìn mặt nhau suốt nhiều năm liền. Bây giờ thì hết rồi, chúng tôi đã làm lành và vẫn là hàng xóm tốt”, ông Kình chia sẻ.

Cuộc chiến tranh giành bức tượng cổ có giá cả trăm lượng vàng

Ông Kình kể lúc mang bức tượng cổ về nhà, cả gia đình cũng không biết xử lý như thế nào. “Cha con tôi để nó ở đầu giường. Chúng tôi biết đó là đồ quý nhưng quý như thế nào thì cũng chẳng biết được. Sau này khi nhà nước tịch thu mới biết nó được làm bằng vàng”, ông Kình nhớ lại. Nghe tin cha con ông đào được vật quý, hàng nghìn người tò mò kéo đến xem tận mắt. Nhà ông chật ních người ra vào. Kẻ chỉ trỏ, người bàn tán xôn xao khắp huyện Đại Lộc suốt mấy ngày liền.

Tượng cổ bằng vàng

Bức tượng cổ bằng vàng thần Siva do cha con ông Kinh phát hiện

Có người nói bức tượng làm bằng vàng, có người nói làm bằng đồng. Có người lại dọa là bức tượng bị yểm bùa, ai đào lên sẽ gặp quả báo. “Lúc đó tôi mà bán vé xem tượng cổ thì cũng đủ giàu”, ông Kình bông đùa.

Câu chuyện cha con ông Kình đào được bức tượng lạ cũng chẳng mấy chốc mà đến tai những kẻ săn lùng đồ cổ chuyên nghiệp. Vậy là những “chuyên gia cổ vật” khắp Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế… đổ về huyện Đại Lộc ăn dầm ở dề để thuyết phục ông Kình bán lại bức tượng. Ông Kình vẫn nhớ như in người đầu tiên đến nhà đặt vấn đề mua lại bức tượng với giá 15 lượng vàng, cả một gia sản khổng lồ khi đó, là Nguyễn Đăng Tiến (SN 1966, trú huyện Điện Bàn, tỉnh quảng Nam).

Tiến thường được gọi là Tiến đầu bạc vì có mái tóc bạc trắng. Vừa bước vào nhà nhìn thấy bức tượng cổ, Tiến đã lấy trong túi ra 5 lượng vàng đặt cọc rồi hẹn ngay sáng hôm sau sẽ giao đủ 10 lượng nữa. “Nông dân như tôi cả đời làm cũng không mơ tới số vàng lớn như vậy. Thấy hắn hào phóng trả đến 15 lượng vàng thì cha con tôi gật đầu cái rụp. Tuy vậy tụi tui yêu cầu hắn giao đủ vàng mới cho mang tượng đi”, ông Kình nhớ lại.

Biết ông Kình bán bức tượng với giá quá trên, nhiều người dân thôn Phú Long tìm cách can ngăn. Họ cho rằng mới nhìn thấy mà tên Tiến đầu bạc đã chấp nhận bỏ ra 15 lượng vàng thì hẳn phải có giá cao gấp nhiều lần. Nghe lời khuyên có lý nên sáng hôm sau khi Tiến quay lại với 10 lạng vàng thì cha con ông Kình trả lại số vàng cọc và nhất quyết không chịu bán.

Tiến đầu bạc tức giận lồng lộn vì sự bất tín của ông Kình nhưng đành nuốt ngược vào lòng. Vụ buôn bán đầu tiên giữa hai bên thất bại nhưng Tiến không cam lòng khi hàng chục tay buôn đồ cổ khác cũng đổ về ngã giá. Theo ông Kình, chỉ trong một tuần giá của bức tượng lên đến 50 lượng vàng và vẫn còn tiếp tục tăng giá. Ông Kình cho biết có một tay buôn đến từ Huế kiểm tra chiếc tượng cổ rất kỹ suốt nhiều ngày liền. Người này rất ít nói, đi theo hắn còn có mấy người bảo vệ.

Sau hai ngày kiểm tra thì hắn ra giá 60 lượng vàng và nếu ông Kình đồng ý thì sẽ giao vàng ngay. “Tôi đã đồng ý bán cho ông người Huế vì thấy hắn khá lịch sự, có học. Đến ngày hẹn giao vàng thì ông ta không đến được vì người thân gặp nạn phải quay về nhà gấp”, ông Kình nhớ lại.

Về phần mình, Tiến đầu bạc sợ mất món bảo vật nên quay ngược về Đà Nẵng rủ thêm Nguyễn Đình Bằng (SN 1957, trú quận Hải Châu) hùn vốn để mua bằng được bức tượng. Bộ đôi này quay trở lại nhà ông Kình với quyết tâm mua bằng được. Mất nhiều lần đàm phán, bộ đôi Tiến, Bằng chốt được giá với gia đình ông Kình là 70 lượng vàng. Hai bên đã thỏa thuận xong nhưng khi giao vàng hai kẻ này lại năn nỉ giảm bớt hai lượng vàng gọi là tiền đi lại. Cha con ông Kình đồng ý.

Vậy là bức tượng cổ dưới lòng đất được cậu thiếu niên 14 tuổi đào lên được bán với giá 68 lượng vàng. “Đó giống như giấc mơ vậy. Cha con tôi ôm vàng để giữa nhà mà không dám tin vào mắt mình”, ông Kình nhớ lại.

Ngay khi đưa được món bảo vật rời khỏi nhà ông Kình, Tiến đầu bạc và Bằng đã ngay lập tức mang vào TP.HCM chào hàng. Cả hai nhanh chóng móc nối với một đại gia đồ cổ đức Sài Gòn vào thời điểm đó là Đào Danh Đức (SN 1953, trú quận 1, TP Hồ Chí Minh) để chào hàng. Đại gia Đức rất khó tính nhưng khi nghe tin về bức tượng đã đồng ý gặp hai gã nhà quê đến từ Đà Nẵng. Đích thân Đức có mặt để thẩm định lại chất lượng bất tượng và không khỏi hoảng hốt khi lần đầu tiên nhìn thấy báu vật này. Đức đồng ý thu mua bức tượng.

Tiến đầu bạc và Bằng bàn bạc, thống nhất với nhau cùng hét giá 220 lượng vàng cho bức tượng cổ. Như vậy, bọn chúng sẽ có lãi gấp 3,5 lần so với số vốn bỏ ra ban đầu. Tuy nhiên, lòng tham của chúng đã vượt quá giới hạn khi đại gia Đức dù rất mê bức tượng nhưng không đồng ý với giá đó. Đức rút lui và để báu vật cùng Tiến, Bằng ra về.

Thất bại trong vụ giao dịch đầu tiên, Bằng ở lại Sài Gòn để tiếp tục kiếm mối bán. Nhiều đại gia đồ cổ ở Huế, Hà Nội nghe tin cũng đáp may bay vào TP.HCM để tận mắt chứng kiến bảo vật và thử vận may của mình. Nhưng tất cả đều chùn tay trước cái giá quá cao mà chủ nhân của bức tượng đưa ra nên đành tiếc rẻ ra về.

Tiến đầu bạc và Bằng lúc này như đang ngồi trên lửa vì không bán được báu vật. Số tiền mà bọn chúng vay nóng ngày càng tăng do lãi mẹ đẻ lãi con. Lúc nay, đại gia Đức mới điềm nhiên xuất hiện trở lại. Đức ra giá bức tượng chỉ còn 160 lượng vàng… Không còn đường rút lui, Tiến đầu bạc và đồng bọn đành phải “cắn răng” gật đầu đồng ý bán bức tượng cho vị đại gia Sài Gòn.

Đại gia Đức sau khi mua được bức tượng quý liền lập kế hoạch tuồn ra nước ngoài. Tuy nhiên, khi kế hoạch đang còn dở dang thì cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã lần theo đường đi của báu vật và bắt giữ. Báu vật được đưa về bảo vệ, các đối tượng Đức, Tiến, Bằng bị bắt và kết án tù về hành vi chiếm giữ trái phép và buôn bán hàng quốc cấm. Đức nhận án 5 năm tù, Tiến đầu bạc và Bằng mỗi người lãnh án 3 năm tù giam.

Hoàng Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN