Từng là một trong những đơn vị “cánh chim đầu đàn” của ngành thép, Nhà máy cán thép Gia Sàng sau này chuyển đổi thành Công ty CP Luyện Cán thép Gia Sàng (Công ty Gia Sàng) với kết quả sản xuất - kinh doanh “tuột dốc không phanh” qua nhiều năm và lâm cảnh nợ nần ngân hàng chồng chất; thậm chí mất khả năng thanh toán một số khoản nợ...
Điều đó dẫn tới việc nhiều tài sản của Công ty Gia Sàng đem thế chấp ngân hàng vay vốn sẽ bị ngân hàng tổ chức bán đấu giá để thu hồi nợ. Cũng từ đây, hàng loạt những việc làm bất chấp pháp luật của các cá nhân và tổ chức liên quan trong việc thực hiện bán đấu giá tài sản để trả nợ cho ngân hàng tại Công ty Gia Sàng đã được thực hiện (xâm phạm đến cả quyền và lợi ích của các cổ đông lớn đã đứng ra bảo lãnh để ngân hàng cho Công ty Gia Sàng vay tiền). Và đích đến cuối cùng rất có thể là mảnh "đất vàng” của Công ty Gia Sàng. Dự án Thái Hưng Eco City cũng đang dần chứng minh điều đó.
Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Tư pháp về quá trình bán đấu giá tài sản tại Công ty Gia Sàng
Theo đó, nhiều việc làm trái pháp luật của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên (Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên) và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên (TTDV bán ĐGTS tỉnh Thái Nguyên) cùng các đơn vị liên quan trong quá trình bán đấu giá tài sản tại Công ty Gia Sàng đã được Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ rõ trong bản Kết luận thanh tra mới đây.
Cụ thể, Kết luận số 28/KL-TTR ngày 30/7/2018 của Thanh tra Bộ Tư pháp nêu rõ đối với Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên: Chấp hành viên ban hành Quyết định số 04/QĐ-CCTHA về việc sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án là trái pháp luật, kê biên tài sản không phải tài sản thế chấp cho Ngân hàng Công thương nhưng lại đảm bảo thi hành án cho Ngân hàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình bà Vũ Thị Kiều Oanh - ông Lê Xuân Hộ là người đã dùng tài sản của mình bảo lãnh cho Công ty Gia Sàng vay tiền của Ngân hàng Đông Á.
Hoạt động bán đấu giá tài sản không khách quan, minh bạch, cụ thể là đưa vào Quy chế bán đấu giá những điều kiện bắt buộc trái pháp luật với người tham gia đấu giá.
Trong quá trình tổ chức thi hành các bản án đối với người phải thi hành án là Công ty Gia Sàng, Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên còn tồn tại, vi phạm: Không kê biên những tài sản không phải là tài sản thế chấp của Ngân hàng Công thương để đảm bảo thi hành án cho Ngân hàng Đông Á mà lại tổ chức kê biên tài sản của người bảo lãnh; Trả lại đơn yêu cầu của Ngân hàng Đông Á khi Công ty Gia Sàng còn tài sản để đảm bảo thi hành án là không thực hiện đúng Điều 51 Luật THADS năm 2008.
Cũng trong bản Kết luận thanh tra này, Thanh tra Bộ Tư pháp cũng đề nghị hướng xử lý để đảm bảo quyền lợi của các cá nhân liên quan: Để tránh những hậu quả xấu xảy ra và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Ngân hàng Đông Á (người được thi hành án có đơn đầu tiên nhưng bị trả lại đơn trái quy định pháp luật) và quyền lợi của ông Lê Xuân Hộ, bà Vũ Thị Kiều Oanh (người bảo lãnh cho Công ty Gia Sàng vay tiền), trong số tiền 17.429.820.360 đồng hiện đang giữ lại tại Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên xử lý như sau: Số tiền 9.062.671.738 đồng, căn cứ Điều 47 Luật THADS, trả cho Ngân hàng Đông Á.
Ngoài ra, đối với số tiền 8.367.148.622 đồng mà Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên dự kiến thanh toán tiền lãi chậm thi hành án cho Ngân hàng Công thương cũng cần phải tính toán lại vì có giá trị một số tài sản chưa đủ cơ sở để ưu tiên thanh toán cho Ngân hàng Công thương (1.295.587.909 đồng).
Ngoài ra, Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên tiếp tục xử lý tài sản của Công ty Gia Sàng là kho hàng và 01 xe ôtô TOYOTA Camry LE được Ngân hàng Công thương giải tỏa thế chấp theo quy định của pháp luật.
Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên tiếp tục thi hành buộc Công ty Gia Sàng phải trả lại gia đình bà Oanh, ông Hộ số tiền 4 tỷ đồng đã trả cho Ngân hàng Đông Á thay Công ty Gia Sàng theo quyết định công nhận thỏa thuận số 04/2013/QĐST-KDTM ngày 13/8/2013 của Toàn án Nhân dân thành phố Thái Nguyên.
Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên phải tổ chức họp kiểm điểm xác định trách nhiệm cá nhân, có hình thức xử lý kỷ luật người có trách nhiệm liên quan tương xứng với hành vi sai phạm đã nêu tại kết luận này.
Nhà máy cán thép Gia Sàng khi chưa bị phá dỡ
Đối với TTDV bán ĐGTS tỉnh Thái Nguyên: Trong quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản bị kê biên, TTDV bán ĐGTS tỉnh Thái Nguyên có nhiều vi phạm, thiếu sót: Tên gọi Hợp đồng không đúng quy định; Ký Phụ lục Hợp đồng sau khi đã tổ chức bán đấu giá tài sản; Quy chế bán đấu giá quy định thời gian bán đấu giá không cụ thể, rõ ràng, quy định hình thức đấu giá không có sự thống nhất của người có tài sản đấu giá; Thiếu trách nhiệm trong việc quản lý hồ sơ bán đấu giá tài sản; Thông báo bán đấu gái tài sản không thông báo cụ thể, rõ ràng thời gian bán đấu giá tài sản; bán đấu giá tài sản khi có một người đăng ký nhưng lại đang có khiếu nại về quá trình thi hành án, bán đấu giá tài sản.
Do đó, TTDV bán ĐGTS tỉnh Thái Nguyên đã không thực hiện đúng Khoản 1 Điều 3, Điều 25, Khoản 2 Điều 37 Nghị định 17/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ và Khoản 4 Điều 15, Khoản 2 Điều 18 Thông tư 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 của Bộ Tư pháp.
Những tồn tại, vi phạm nói trên của TTDV bán ĐGTS tỉnh Thái Nguyên phải được xem xét trách nhiệm cá nhân và có hình thức xử lý nghiêm, tương xứng với hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, Kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Tổng cục trưởng Tổng cục THADS: Chỉ đạo Cục thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên, Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên thực hiện đúng và đầy đủ Kết luận Thanh tra. Xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các cá nhân có sai phạm như Kết luận Thanh tra đã nêu.
Dự án Thái Hưng Eco City được xây dựng trên khuôn viên Nhà máy cán thép Gia Sàng cũ
Có thể nói rằng, việc làm trái pháp luật của Chi cục THADS thành phố Thái Nguyên và TTDV bán ĐGTS tỉnh Thái Nguyên là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện nhóm lợi ích thừa cơ thực hiện hàng loạt thủ thuật biến đất của Công ty Gia Sàng thành đất của Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) nhằm thực hiện Dự án Thái Hưng Eco City. Ngoài ra, hành vi này của các đơn vị nêu trên còn có dấu hiệu của việc gây thất thoát vốn Nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của các cổ đông trong Công ty Gia Sàng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi tới bạn đọc những phân tích sâu hơn về vụ việc này trong những kỳ tới.
Sau nhiều cuộc họp để xử lý các khoản nợ của Công ty Cổ phần Luyện Cán thép Gia Sàng, các đơn vị liên quan đã thống nhất giải quyết thi hành án bằng cách bán đấu giá công khai toàn bộ khối tài sản trên đất của doanh nghiệp với điều kiện: tổ chức, cá nhân trúng đấu giá không được tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mà phải đầu tư để tái sản xuất, giải quyết việc làm và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội Theo đó, Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) là đơn vị trúng đấu giá 56 tỷ đồng, cam kết sẽ thực hiện các yêu cầu của người lao động, cũng như chủ trương của UBND tỉnh. Tháng 12/2016, Thái Hưng đã đưa thép Gia Sàng hoạt động trở lại theo đúng cam kết trong sự hân hoan của toàn thể cán bộ công nhân viên. Thế nhưng, chỉ 6 tháng sau đó, công ty này bất ngờ cho dừng hoạt động và tiến hành tháo dỡ nhà máy cán thép. Trong khi dư luận vẫn chưa hết giật mình trước động thái bất ngờ của Công ty Thái Hưng, ngày 23/11/2017, UBDN tỉnh Thái Nguyên nhanh chóng ban hành văn bản số 3669/QĐ-UBND (do ông Vũ Hồng Bắc - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký) về việc Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City) ngay trên phần đất nhà xưởng cũ rộng 22,6 ha của nhà máy thép Gia Sàng. |