Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:29
RSS

Liên tiếp nhiều vụ hỏa hoạn tang thương: Hiểm họa từ những căn nhà không lối thoát hiểm

Thứ ba, 06/04/2021, 10:27 (GMT+7)

Phần lớn thiết kế nhà đô thị hiện nay đều là dạng ống, khép kín, với mục đích tận dụng tối đa diện tích. Tuy nhiên, lối thiết kế này đẩy người dân vào tình thế nguy hiểm khi ngôi nhà của họ chỉ có một lối thoát duy nhất từ cửa chính.

Chỉ trong chưa đầy 1 tuần, hai vụ cháy liên tiếp xảy ra tại TP.HCM và Hà Nội đã lấy đi tính mạng 10 người. Những căn nhà bị cháy này đều là nhà phố, nhà ống, không có lối thoát hiểm.

Theo đó, căn nhà bị cháy rạng sáng ngày 30/3 ở phường Cát Lái (TP Thủ Đức, TP.HCM) khiến 6 người trong gia đình thiệt mạng là căn nhà cấp 4, tứ phía bít bùng, chỉ có một lối ra vào là cửa chính nhưng bị 5 chiếc xe máy chắn ngang.

Còn vụ cháy ở số nhà 311 Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) ngày 4/4 là ngôi nhà hình ống, cao 3 tầng, 1 tum, có mái lợp tôn hàn sắt, lối ra vào duy nhất là cửa chính. Ngôi nhà được gia đình sử dụng để kinh doanh đồ sơ sinh (bỉm, sữa...). Các mặt hàng xếp trên các kệ tủ hàng đặt ở tầng 1. Các tầng 2, tầng 3 và tầng tum cũng chứa hàng và là nơi sinh hoạt của gia đình.


Ngôi nhà xảy ra vụ hoả hoạn trên đường Tôn Đức Thắng (Hà Nội) gồm 3 tầng và một tum, xây theo kiểu giật cấp (các tầng trên xây thụt lùi vào trong) dẫn đến khó khăn trong công tác cứu hộ.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến đường như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bạch Mai, Kim Ngưu (Hai Bà Trưng), Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa), Tam Trinh, Hoàng Mai (Hoàng Mai)… có rất nhiều cửa hàng kinh doanh hàng hóa tương tự ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn

Điều đáng nói, những ngôi nhà phố này được làm dạng "nhà ống" nằm san sát nhau. Cửa sổ các tầng được làm song sắt và "chuồng cọp" ở tầng tum được tận dụng làm nơi ở. Quá trình sinh sống, nhiều người đã chuyển đổi công năng hoặc cho thuê mở cửa hàng kinh doanh ở tầng 1 còn bên trên là nơi sinh hoạt chung của gia đình.


Rất nhiều ngôi nhà dạng ống nằm san sát nhau trên phố. Cửa sổ các tầng được làm song sắt và “chuồng cọp” ở tầng tum được tận dụng làm nơi kinh doanh và ở.

Chuyên gia Lê Văn Thịnh (nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng) nhận định, nhiều chung cư cũ đến nhà ở riêng lẻ nhiều gia đình cơi nới, xây dựng chuồng cọp như vậy coi như tự nhốt mình trong sự nguy hiểm trong lồng sắt bít kín.

"Về nguyên tắc, người thiết kế không bao giờ thiết kế như vậy nhưng người sử dụng lại tự biến đổi. Bây giờ cần phải làm mạnh tay quyết liệt với vấn đề cơi nới xây dựng chuồng cọp. Để tránh tình trạng này luật pháp phải nghiêm, vi phạm là phải phá dỡ. Cơi nới như vậy không cháy thì cũng mất an toàn sập đổ", ông Thịnh nói.

Nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1 cũng cho rằng, bây giờ cần đưa vào luật "ép" tất cả nhà ở cho dù nhà ở riêng lẻ cũng phải có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động. Riêng đối với nhà ở kiêm cửa hàng thì hệ thống báo cháy tự động càng cần thiết.


Sau những vụ cháy nghiêm trọng, những ngôi nhà không lối thoát được cảnh báo về hiểm họa khó lường.

"Không chỉ lưu ý về vấn đề lối thoát nạn, nhà dân cũng cần lưu ý về đường điện. Dây điện phải chịu được tải và thường xuyên kiểm tra bảo trì. Nhà dân thường dây dẫn điện thường chỉ là hệ thống điện chiếu sáng chung còn hệ thống điện động lực đun nấu lò bếp, máy giặt, tủ lạnh… nhà riêng lẻ không mấy nhà tách 2 hệ thống như vậy. 

Về mặt thiết kế, kiến trúc phải bố trí lối thoát hiểm tuyệt đối không cơi nới, xây dựng chuồng cọp. Bây giờ cần phải làm mạnh tay quyết liệt với vấn đề cơi nới xây dựng chuồng cọp. Vi phạm là phải phá dỡ mới đảm bảo an toàn tính mạng người dân", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Từ thực tế có trên 6.000 hộ kinh doanh ở mặt phố lớn và hàng nghìn hộ kinh doanh trong các ngõ, ngách trên địa bàn, Trung tá Nguyễn Minh Thành - Phó trưởng Công an quận Đống Đa, Hà Nội khuyến cáo: "Yêu cầu quan trọng nhất trong phòng cháy chữa cháy là ý thức thực hiện của người dân và công tác phòng ngừa tại chỗ. Nếu nhà có "chuồng cọp", cần có ô cửa nhỏ đề phòng nếu có hỏa hoạn thì nạn nhân có thể tự thoát sang nhà hàng xóm và lực lượng cứu hộ sẽ tiếp cận được nhanh hơn. Đối với cửa tầng tum, nên để chìa khóa gần cửa, nơi dễ trông thấy. Hàng hóa không nên để quá nhiều trong nhà. Đặc biệt, mỗi gia đình cần trang bị thêm bình chữa cháy và có phương án chữa cháy, thoát nạn riêng, phù hợp với nơi ở".

 

Nhật Tân
Theo Giadinh.net