Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:17
RSS

Liên tiếp mất con từ trong bụng mẹ, người phụ nữ trẻ choáng váng khi biết mình bị giang mai

Thứ ba, 22/10/2019, 07:55 (GMT+7)

Lập gia đình được 7 năm, nhưng vợ chồng chị H vẫn chưa một lần đón thành công con chào đời. Mang bầu được 12-14 tuần, chị lại bị sảy thai.

Bệnh nhân là chị H, 30 tuổi. Lập gia đình được 7 năm, nhưng anh chị vẫn chưa một lần đón thành công con chào đời. Mang bầu được 12-14 tuần, chị lại bị sảy thai. Cuối năm ngoái, khi que thử thai lên hai vạch hồng, chị quyết định nghỉ việc, ở nhà dưỡng thai.

Tháng 8 vừa rồi, em bé chào đời, hai tháng sau, bé đi khám bệnh, bác sĩ nói, em bé bị giang mai bẩm sinh. Chị té ngửa người, không hiểu tại sao. Hoá ra, chị cũng bị giang mai mà không hề biết.

Liên tiếp mất con từ trong bụng mẹ, người phụ nữ trẻ không ngờ vì lý do  - Ảnh 2.
Bác sĩ cao cấp Đào Hữu Ghi

Bác sĩ cao cấp Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, khoảng 5 năm gần đây, số bệnh nhân phát hiện giang mai dương tính tại Bệnh viện này "rộ lên". "Có thể do thời gian trước do chưa đủ điều kiện giám sát, chưa có thống kê cụ thể nên số lượng không nhiều bằng", BS Ghi nói thêm.

Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Da liễu Trung ương khám, phát hiện khoảng 4 ca giang ami. Trong đó, có những em bé chưa đến 1 tuổi đã phát hiện bệnh, nguồn cơn là lây từ mẹ. Mới đây nhất, có trường hợp bé 9 tháng tuổi phát hiện mắc giang mai. Đây là những ca giang mai bẩm sinh.

Tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, năm 2018, ghi nhận ít nhất 5 trẻ bị giang mai bẩm sinh do lây từ mẹ. Có trường hợp thai phụ 17 tuổi chỉ siêu âm thai, không xét nghiệm máu trong thai kỳ nên không hề biết mình mang bệnh, đến khi vỡ ối sớm, bác sĩ xét nghiệm mới biết. Em bé sinh ra ở tuần thai thứ 36, ghi nhận có nhiều bóng nước to bị vỡ, bong tróc da rải rác toàn thân.

"Điều quan trọng và nguy hiểm là nhiều bà mẹ không hề biết tình trạng bệnh của mình nên lại lây sang cho thai nhi. Nhiều người không biết nguồn lây bệnh từ đâu. Chúng tôi phải thăm khám, xét nghiệm hết các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là người chồng" - BS Ghi nói.

Giang mai là bệnh nhiễm trùng mạn tính ở đa cơ quan do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Ba đường lây truyền bệnh là đường tình dục, truyền máu và mẹ con, trong đó chủ yếu là lây qua đường tình dục.

Theo đó, xoắn khuẩn thâm nhập qua da của bộ phận sinh dục ít nhiều bị xây xát khi quan hệ tình dục sẽ gây bệnh tại chỗ (săng), đi vào máu và lan tràn khắp cơ thể. Đó là nguyên nhân có những người điều trị khỏi đợt này, nhưng nếu quan hệ tình dục không an toàn vẫn bị tái bệnh.

Bệnh nhi bị giang mai bẩm sinh biểu hiện tổn thương trợt lòng bàn tay, chân, tuần hoàn màng hệ biểu hiện bằng những mạch máu loằng ngoằng, dây rốn to, gan to lách to… Bệnh có thể gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non và tử vong sơ sinh.

"Vì thế một trường hợp nếu sảy thai liên tiếp phải xét nghiệm đánh giá xem bệnh nhân có mắc giang mai hay không" - BS Ghi nói. Ngay cả trẻ sơ sinh còn sống có thể phát triển các biểu hiện của giang mai bẩm sinh, gây biến dạng răng và xương, thậm chí mù lòa và điếc... Tuy nhiên, một số trẻ lại không có dấu hiệu trên, dù mắc bệnh.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới công bố tháng 3/2019, có hơn nửa triệu (khoảng 661.000) trường hợp mắc giang mai bẩm sinh, dẫn đến hơn 200.000 thai chết lưu và tử vong sơ sinh.

Bệnh giang mai là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên toàn cầu, với khoảng 6 triệu ca bệnh mới mỗi năm. Trẻ mắc giang mai bẩm sinh sớm (trước 2 tuổi), cũng có thể phát hiện bệnh khi sau 3 -5 tuổi, thậm chí đến tuổi trưởng thành mới phát hiện bệnh.

BS Ghi cho biết điều trị giang mai không khó, rất rẻ tiền, điều trị càng sớm càng hiệu quả, không biến chứng. Tuy nhiên nếu không chẩn đoán đúng cách và chữa trị sớm có thể gây biến chứng cho tim, não, động mạch chủ, xương, một số trường hợp tử vong.

Giang mai là một bệnh dễ lây nhiễm và gây những biến chứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì vậy các người mẹ có dấu hiệu của bệnh giang mai cần phải được điều trị trước khi có con để tránh ảnh hưởng đến đứa trẻ khi được sinh ra.

Các bác sĩ khuyến cáo khi có vết loét ở bộ phận sinh dục hay bất kỳ vị trí nào có tiếp xúc tình dục không an toàn, cần phải đi khám bệnh và làm xét nghiệm đầy đủ. Thai phụ cần khám thai định kỳ trong 18 tuần đầu tiên của thai kỳ, bởi giai đoạn này có thể phát hiện được bệnh. Cùng đó phải thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm phản ứng huyết thanh trong thai kỳ.

Một người có thể bị bệnh giang mai khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét giang mai trong lúc quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hay miệng. Vết loét có thể xuất hiện quanh dương vật, âm đạo, hậu môn hoặc trực tràng, môi hoặc miệng. Chúng thường cứng, tròn và không đau.

Các triệu chứng của bệnh giang mai thứ phát gồm: Phát ban da, sưng hạch bạch huyết và sốt. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến tim, não và các cơ quan khác trong cơ thể.

T.Nguyên
Theo Gia đình&Xã hội