Thứ hai, 25/11/2024 | 05:01
RSS

Lễ bế mạc Olympic 2024: Cái kết đẹp cho một Thế vận hội chưa hoàn hảo

Thứ hai, 12/08/2024, 10:42 (GMT+7)

Rạng sáng nay (12/8), lễ bế mạc Olympic 2024 đã diễn ra đầy màu sắc với nhiều màn biểu diễn nghệ thuật ấn tượng để khép lại một Thế vận hội vốn có khá nhiều câu chuyện mang tính bi hài.

Olympic 2024 bế mạc trong màn trình diễn đặc sắc

Vào ngày 26/7, lễ khai mạc Olympic 2024 được tổ chức trên sông Seine. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Olympic hiện đại, một lễ khai mạc không diễn ra trong sân vận động mà được tổ chức tại một địa điểm khác.

Mục tiêu của Pháp là mang đến sự độc đáo ngay từ đầu và tạo dấu ấn khác biệt so với những Thế vận hội khác. Tuy nhiên, một vài chi tiết trong nội dung của lễ khai mạc đã dẫn tới sự tranh luận rất lớn từ phía người hâm mộ.

Lễ bế mạc Olympic 2024: Cái kết đẹp cho một Thế vận hội chưa hoàn hảo

Màn trình diễn của các nghệ sĩ với vòng tròn mang tính biểu tượng của Olympic tại lễ bế mạc

Khởi đầu không như mong đợi sau đó dường như là "cái dớp" khiến Oympic 2024 ở Paris có khá nhiều tình huống tréo ngoe. Tại làng VĐV Olympic, Pháp không lắp điều hòa vì muốn tạo nên một Thế vận hội xanh mang tính "thân thiện nhất với môi trường". Tuy nhiên, rất nhiều đoàn thể thao phản đối kịch liệt vì họ cho rằng điều đó cản trở lớn đến giấc ngủ và duy trì phong độ thi đấu ở mức tốt nhất.

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng dành cho VĐV cũng có vấn đề. Tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh của Việt Nam cũng đã đăng tải trên mạng xã hội rằng cô gặp vấn đề khi không thể tìm được đồ uống lạnh, không thể có được đá để làm lạnh đồ uống. Nhiều VĐV phàn nàn rằng, khi thi đấu, họ phải uống nước nóng và điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến thể lực trong cái nóng không hề dễ chịu ở Paris.

Uống là như vậy, còn ăn thì sao? Các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy bữa ăn dành cho các VĐV trong làng VĐV Olympic không thực sự đầy đủ dinh dưỡng. Có VĐV còn chụp được bức ảnh trong đĩa thức ăn của anh có… sâu dính trên rau.

Lễ bế mạc Olympic 2024: Cái kết đẹp cho một Thế vận hội chưa hoàn hảo

Diễn viên nổi tiếng người Mỹ Tom Cruise xuất hiện trong lễ bế mạc

Tiếp theo là vấn đề về mức độ ô nhiễm của sông Seine. Các VĐV thi 3 môn phối hợp không dám tập luyện vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng cuối cùng vẫn buộc phải thi đấu khi ban tổ chức quyết định rằng chất lượng nước sông Seine là… an toàn. Kết quả: Sau khi thi đấu, nhiều VĐV có đánh giá không mấy tốt đẹp và cụ thể hơn là một số người đã bị bệnh, phải nhập viện để điều trị.

Ngoài ra, Olympic 2024 còn rất nhiều câu chuyện bên lề khiến Thế vận hội bị coi là "luộm thuộm", thiếu nghiêm túc. Có thể kể ra đây việc nhiều lần ban tổ chức căng quốc kỳ nước này nhưng giới thiệu nhầm sang nước khác (có tình huống nhầm từ Triều Tiên thành Hàn Quốc), tấm huy chương bị tố là nhanh chóng gỉ sét rỉ sau 1 tuần, bể bơi không đủ độ sâu cần thiết nên ảnh hưởng đến thành tích thi đấu của VĐV…

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận Olympic 2024 một cách tích cực hơn, có thể thấy đây vẫn là một Thế vận hội giàu sức hút. Rất nhiều kỷ lục mới được lập nên, đoàn Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh ngôi đầu bảng tổng sắp đến thời khắc cuối cùng, có những màn cầu hôn lãng mạn của VĐV Trung Quốc, Pháp…

Lễ bế mạc Olympic 2024: Cái kết đẹp cho một Thế vận hội chưa hoàn hảo

Màn bắn pháo hoa tại lễ bế mạc

Rạng sáng nay (12/8), trên sân vận động Stade de France ở ngoại ô Paris, chủ nhà Pháp thực sự đã tạo ra một lễ bế mạc giàu cảm xúc, đậm chất văn hóa. Paris là thành phố của nghệ thuật và lần này thì ban tổ chức đã không khiến người hâm mộ thất vọng.

Sân Stade de France được chuyển đổi thành một sân khấu rộng 2.800m2 và rất nhiều tiết mục giàu sức cuốn hút đã tạo trình diễn. Paris đã hoàn thành nhiệm vụ của họ dù không thực sự hoàn hảo như mong đợi, nhưng cũng cần có sự ghi nhận một cách tốt nhất trên tinh thần Olympic.

Tạm biệt Paris 2024 và chúng ta cùng hướng tới Los Angeles 2028 tổ chức tại Mỹ sau 4 năm nữa!

Nguồn ảnh: AP, Reuters, Getty

Long Nguyên
Theo báo Dân Việt