Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:13
RSS

Lập tổ công tác thẩm định lại vụ án tử tù Hồ Duy Hải

Thứ sáu, 08/05/2020, 06:15 (GMT+7)

Tại phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải chiều 7/5, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhấn mạnh kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan.

Theo TTXVN, chiều 7/5, Hội đồng Thẩm phán cho công bố công khai biên bản làm việc của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao lấy lời khai Hồ Duy Hải vào lúc 8 giờ ngày 27/9/2011, tại trại tạm giam Công an tỉnh Long An. Biên bản kết thúc vào hồi 10 giờ cùng ngày, Hồ Duy Hải đã ký tên xác nhận.

Biên bản này có đoạn: "Hỏi: Giết ai trước? Đáp (Hồ Duy Hải): Giết H. trước, sau sợ V. về biết nên giết luôn V. để bịt đầu mối."

"Hỏi: Giết H. và V. thế nào? Đáp: với H. thì đập bằng thớt, sau đó có dùng dao cắt cổ. Đối với V., thì dùng ghế đập đánh, sau đó dùng dao cắt cổ. Tấm thớt lấy ở bếp, sau khi cắt cổ có rửa tay..."

"Hỏi: Quá trình điều tra, cơ quan Công an có đánh đập, ép cung gì không? Đáp: Hoàn toàn không bị đánh đập, ép cung mà tự khai nhận hành vi phạm tội do con gây lại. Con chỉ xin xem xét giảm nhẹ hình phạt."

Cũng trong chiều 7/5, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết sau khi có kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giao cơ quan điều tra của Bộ thành lập một tổ công tác điều tra độc lập để thẩm định lại vụ án này. Tổ công tác này đã trình bày báo cáo trước Hội đồng Thẩm phán.

Đại diện Viện KSND tối cao cho rằng nội dung kháng nghị đã chỉ rõ các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án, dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.

Lập tổ công tác thẩm định lại vụ án tử tù Hồ Duy Hải
Hình ảnh từ phiên giám đốc thẩm. Ảnh: TTXVN

Những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.

Giải đáp những vấn đề mà Hội đồng thẩm phán đặt ra liên quan đến vật chứng của vụ án không được thu giữ, đại diện điều tra viên thừa nhận do sơ suất trong khám nghiệm hiện trường, nhận định của điều tra viên còn hạn chế trong xác định rõ dấu vết, hung khí...

Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan điều tra và đại diện cơ quan tố tụng sơ thẩm, phúc thẩm thì những vấn đề này không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án.

Đại diện VKS tiếp tục đưa ra dẫn chứng việc cơ quan điều tra không thu thập đầy đủ các vật chứng, việc thu thập dấu máu chậm dẫn đến không kết luận được máu đó của ai.

Trước ý kiến trên, một thành viên của Hội đồng thẩm phán nêu câu hỏi: "Viện Kiểm sát cho rằng việc không thu giữ vật chứng, không rõ mẫu máu, nhóm máu... là những vi phạm nghiêm trọng. Vậy nếu giả sử Hội đồng chấp nhận hủy bản án đó đi thì những nội dung này có khắc phục được không?".

Đại diện Viện Kiểm sát đưa ra quan điểm đối đáp: "Trước hết chúng ta phải thống nhất với nhau rằng đây là những vi phạm nghiêm trọng. Nếu hủy bản án, có điều tra lại được hay không là việc của cơ quan điều tra. Bởi vì thời gian từ năm 2008 đến nay rồi, vật chứng, dấu vết đó có còn hay không, có làm được không, đó là việc của cơ quan điều tra".

Đồng thời, vị đại diện Viển Kiểm sát cũng nhấn mạnh kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan. Kháng nghị đề nghị hủy bản án, điều tra lại để làm rõ những vấn đề về thủ tục điều tra, tố tụng, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Sáng 8/5, phiên xét xử giám đốc thẩm sẽ tiến hành nội dung trình bày quan điểm về vụ án. Chiều 8/5, Hội đồng Thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết.


Ngày 13/1/2008, hai nữ nhân viên Bưu điệu Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An bị sát hại.
Ngày 21/3/2008, nghi can Hồ Duy Hải bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra.
Ngày 01/12/2008, TAND tỉnh Long An tuyên phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải Ngày 28/4/2009, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.Hồ Chí Minh tuyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo của Hồ Duy Hải.
Từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2011, Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSNDTC quyết định không kháng nghị bản án và có Tờ trình gửi Chủ tịch nước đề nghị bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.
Ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước có Quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.
Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải và yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước.
Ngày 12/2/2018, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.
Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải.
Ngày 22/11/2019, Viện KSND tối cao đã kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, đề nghị hủy các bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm đã tuyên đối với Hồ Duy Hải để điều tra lại.
Nhiều chuyên gia pháp lý hàng đầu trong nước nhận định, đây là vụ án nghiêm trọng, phức tạp kéo dài.
 

 

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN