Thứ sáu, 26/04/2024 | 10:14
RSS

Lạng Sơn xem xét trách nhiệm để xảy ra sai phạm của cả lãnh đạo nghỉ hưu lẫn đương nhiệm

Thứ năm, 26/03/2020, 07:04 (GMT+7)

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa họp lên kế hoạch xử lý trách nhiệm của những cán bộ, lãnh đạo liên quan đến sai phạm được Thanh tra Chính phủ nêu ra.

Ông Phạm Hùng Trường - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Lạng Sơn vừa gặp gỡ báo chí để trao đổi thông tin xung quanh việc xử lý trách nhiệm của những cán bộ, lãnh đạo liên quan đến hàng loạt sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ nêu ra trong Kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và quản lý đất đai giai đoạn từ 1/1/2010- 31/12/2017, Dân Trí đưa tin.

Theo ông Phạm Hùng Trường, đầu tuần này, ông Hồ Tiến Thiệu - Phó chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì cuộc họp lãnh đạo UBND tỉnh để họp bàn về việc xử lý trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân liên quan sau khi kết luận thanh tra được công khai ở địa phương này.

“Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung cần xin ý kiến Thường trực Tỉnh uỷ Lạng Sơn trước khi phát hành kết luận xử lý trách nhiệm này, trong đó đưa ra đề mục khắc phục theo khuyến cáo của Thanh tra Chính phủ. Còn kiểm điểm ai phải giao cơ quan liên quan lập danh sách các đồng chí trong thời kỳ đó là ai để kiểm điểm. Tinh thần là nghiêm túc”- ông Trường nói.

Trả lời câu hỏi về việc có xem xét trách nhiệm của những người đã chuyển công tác như ông Phạm Ngọc Thưởng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn (hiện nay là Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo), ông Phạm Hùng Trường khẳng định: “Để lên được danh sách những người cần kiểm điểm là ai, mức độ sai phạm như thế nào thì từng cơ quan phải xác định thời điểm xảy ra sai phạm đó ứng với đồng chí nào”.

Ông Trường nhấn mạnh, tỉnh Lạng Sơn đang rốt ráo thực hiện “phân loại trách nhiệm cá nhân”. Ví dụ như trong lĩnh vực tiếp dân, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vì “lười” tiếp dân thì bây giờ phải xác định trách nhiệm cụ thể của ai thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Lạng Sơn xem xét trách nhiệm để xảy ra sai phạm của cả lãnh đạo nghỉ hưu lẫn đương nhiệm
Ảnh minh họa

“Về xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã cho ý kiến là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý thì tỉnh phải có ý kiến với Trung ương để xem xét, xử lý. Cơ quan quản lý tham mưu là Sở Nội vụ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm về việc Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và giám đốc các sở, ngành không tiếp công dân theo quy định. Đồng thời, tập trung xử lý, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước nói chung và lĩnh vực quản lý về đất đai và đầu tư xây dựng, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Theo nguồn tin của Thanh Niên, những cá nhân lãnh đạo bị kiểm điểm theo diện này sẽ có ông Vi Văn Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn; ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vừa được luân chuyển về giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo; ông Hồ Tiến Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lạng Sơn…

Kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố trước đó nêu rõ, trong giai đoạn 2010 - 2017, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố và giám đốc các sở, ngành không thực hiện tiếp công dân đầy đủ giai đoạn 2010 - 2017; đặc biệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lạng Sơn không thực hiện tiếp công dân định kỳ tại 22 kỳ. Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ chủ trì tiếp công dân 12/96 kỳ.

Tại dự án khu đô thị Phú Lộc, dự án đô thị lớn nhất ở Lạng Sơn, trong khi Thủ tướng chưa cho phép đầu tư, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chia tách ra thành các dự án thành phần gồm các khu đô thị Phú Lộc 1, 2, 3, 4 để lập báo cáo nghiên cứu khả thi như một dự án độc lập, là vi phạm quy định pháp luật. Mặt khác, khi chia tách dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn không tổ chức đấu giá đất, đấu thầu công trình để lựa chọn nhà thầu là vi phạm các quy định về đấu thầu. Địa phương này cũng thực hiện trái thẩm quyền khi phê duyệt các báo cáo nghiên cứu khả thi và giao cho nhà đầu tư thực hiện các dự án khi chưa được Thủ tướng cho phép.

Theo Thanh tra Chính phủ, sau khi giao các dự án thành phần cho 4 nhà đầu tư thực hiện, UBND tỉnh Lạng Sơn đã nhiều lần tiến hành thẩm định, điều chỉnh lại quy hoạch tỷ lệ 1/500 theo yêu cầu của nhà đầu tư.

Cụ thể, khu đô thị Phú Lộc 1 và 2 là 11 lần, khu đô thị Phú Lộc 3 là 5 lần, và khu đô thị Phú Lộc 4 là…17 lần. Sau nhiều lần điều chỉnh, diện tích đất ở tại các dự án kể trên tăng lên hơn 77.000 m2, trong khi đó, diện tích đất cây xanh, khu vui chơi giải trí bị giảm hơn 74.000 m2…

Ngoài ra, tại một số dự án khác, đã có hiện tượng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định, cấp cả đất rừng cho cán bộ là lãnh đạo tỉnh, gây bức xúc trong dư luận.
 

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN