Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:03
RSS

Lạng Sơn: Cụ ông bị rắn độc cắn phải cắt cụt ngón chân

Thứ năm, 11/06/2020, 14:14 (GMT+7)

Từ đầu năm 2020 đến nay, Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn đã tiếp nhận, cấp cứu, điều trị 9 người bị rắn độc cắn, trong đó riêng tháng 5/2020, có 5 người.

Lạng Sơn: Đi tập thể dục, cụ ông bị rắn độc cắn phải cắt cụt ngón chân
Bệnh nhân bị rắn độc cắn phải cắt bỏ ngón chân cái đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Ông Chu Quang Ngôn (SN 1931), trú tại khối 7, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn có thói quen đi thể dục buổi sáng tinh sương. Do vô tình dẫm vào đống lá mít giữa đường nên bị một con rắn lục nằm trong đống lá cắn vào ngón cái chân phải.

Do chủ quan, ông vẫn tiếp tục đi bộ gần 30 phút sau mới về nhà và ăn sáng. Chỉ khi thấy đầu choáng váng, đau buốt ở chân, ông Ngôn mới nói với người nhà và được đưa đến cơ ở y tế địa phương. Tại đây, bác sỹ chỉ định phải cắt bỏ ngón chân cái để giữ tính mạng cho ông.

Không riêng trường hợp ông Ngôn, theo số liệu từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, riêng trong tháng 5/2020, đã có 5 trường hợp bị rắn độc cắn, phải điều trị tích cực mới giữ được tính mạng. Từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận, cấp cứu, điều trị 9 trường hợp bị rắn độc cắn, tăng 3 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019.

Theo khuyến cáo ngành y tế, thời điểm từ tháng 4 đến tháng 9 trong năm là thời gian rắn sinh sản. thời tiết mưa nhiều nên rắn tìm các chỗ thoáng mát trú ẩn và đi kiếm mồi nhiều hơn. Do đó, người dân cảnh giác khi đi chân đất vào rừng, đi đường có nhiều cỏ dại, không nên ngủ dưới đất vì rắn hay đi lại. Không nên lật các tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây gỗ bị đổ vì đây thường là nơi trú ẩn của rắn.

Lạng Sơn: Đi tập thể dục, cụ ông bị rắn độc cắn phải cắt cụt ngón chân
Từ tháng 4 đến tháng 9 là dịp rắn sinh sản, đi tìm mồi và ở, nấp ở những cây cối xung quanh nhà, rất nguy hiểm cho con người. Ảnh: TPO

Nếu bị rắn cắn, cần xác định được đó là rắn có nọc độc hay không có nọc độc cắn. Nếu là rắn độc cắn thì thường có các biểu hiện như: đau buốt, sưng tấy đỏ và bầm tím, lan ra xung quanh vết rắn cắn; buồn nôn, tiêu chảy, sưng môi, lưỡi và nướu; bệnh nhân khó thở, chóng mặt hoặc ngất xỉu và nhịp tim không đều. Nếu là rắn không có nọc độc cắn thì tại vết rắn cắn thấy 2 hàm răng với những chấm nhỏ, có hình vòng tròn và không có vết răng nanh của rắn.

Theo bác sỹ Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết trên báo Lạng Sơn, sau khi bị rắn độc cắn, người dân cần nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước sạch để hạn chế nọc độc của rắn xâm nhập vào cơ thể. Sau đó nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Đặc biệt, cần xác định được rõ loại rắn nào cắn để báo bác sỹ có phương pháp cấp cứu kịp thời và hiệu quả nhất...

Kim Hảo (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN