Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bà Hồ Thị Kim Thoa. Trước khi bị truy nã, bà Thoa từng bị kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền. Các vi phạm đã được nắm rõ, tuy nhiên khi cơ quan chức năng khởi tố hành vi vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, bà Thoa đã bỏ trốn và Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định truy nã.
Thực tế rằng có nhiều trường hợp bị can, bị cáo đã trốn trước khi bị khởi tố. Liệu những người này đã đoán biết được số phận chính trị của họ trước sau gì cũng bị khởi tố nên đã xuất cảnh ra nước ngoài?
Đây không phải là chuyện hi hữu. Cuối năm 2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng ra quyết định truy nã bị can Đào Thị Hương Lan - cựu giám đốc Sở Tài chính TP.HCM - liên quan đến sai phạm cho Công ty Diệp Bạch Dương hoán đổi tài sản nhà nước trái quy định.
Hay trước đó vào năm 2018, Bộ Công an đã ra lệnh khởi tố bị can và phát lệnh truy nã quốc tế đối với Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"). Hoặc liên quan đến sai phạm tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh.
Vấn đề mà nhiều người đặt ra là vì sao cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời trước khi các bị can này bỏ trốn?
Sau hàng loạt cựu quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp lớn bỏ trốn trước khi bị khởi tố, phải phát lệnh truy nã vừa qua, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an) cho rằng, các cơ quan liên quan phải ngồi lại, sớm tìm ra nguyên nhân, bịt kẽ hở để không xảy ra các trường hợp tương tự.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an) trả lời trên Tiền Phong rằng: Vấn đề ở chỗ sau vụ Trịnh Xuân Thanh, các cơ quan chức năng liên quan cần họp lại với nhau, đánh giá khách quan xem sơ hở khâu nào. Muốn vậy, cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, chính quyền các cấp phải vào cuộc. Thậm chí cả hệ thống chính trị cũng phải vào cuộc.
“Chắc chắn có sơ hở rồi, nếu không sơ hở thì sao đối tượng trốn được. Để các đối tượng bỏ trốn như vậy, hệ thống của chúng ta có bất cập, sơ hở, điều này không có gì phải bàn cãi”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
Chia sẻ trên Tuổi trẻ, TS Cao Vũ Minh (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng đây là một vấn đề còn vướng mắc, bất cập trên thực tế. Bởi quyền tự do đi lại, quyền ra nước ngoài là quyền hiến định của công dân được quy định trong Hiến pháp và chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Do đó, việc không cho xuất, nhập cảnh chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể, quy định tại nghị định 136/2007. Tại thời điểm xuất cảnh mà người này chưa phải là bị can, bị cáo... thì không thể cấm họ xuất cảnh.
"Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế rằng nhiều trường hợp bị can, bị cáo đã trốn trước khi bị khởi tố. Liệu những người này đã đoán biết được số phận chính trị của họ trước sau gì cũng bị khởi tố nên đã xuất cảnh ra nước ngoài? Giống như trong dân sự, biết được tài sản này sớm hay muộn cũng sẽ bị kê biên nên họ tẩu tán trước?" - ông Minh nêu.
Từ đó, ông Minh đề xuất cần có quy định nếu cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật về mặt chính quyền thì không được xuất cảnh. Bên cạnh đó, những người có chức vụ thường là đảng viên, khi kỷ luật về mặt Đảng, cơ quan chức năng phải nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân và kết hợp việc xử lý kỷ luật người này về mặt chính quyền. Đồng thời quy định trong thời gian xử lý kỷ luật về mặt chính quyền, có thể dẫn tới truy cứu trách nhiệm hình sự thì không cho xuất cảnh.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện nay quy định về dẫn độ tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn.
Luật sư Cường cho biết, Luật tương trợ tư pháp 2007 đã dành riêng một chương để quy định về dẫn độ với nhiều quy định chi tiết. Tuy nhiên, trong luật này, nội dung dẫn độ lại quá mờ nhạt và trên thực tế, nhiều quy định của luật chưa phù hợp với các điều ước quốc tế đa phương và song phương có quy định về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên; chưa phù hợp với thông lệ pháp lý quốc tế cũng như thực tiễn xử lý các vụ việc dẫn độ của Việt Nam. Nhiều trường hợp chưa được quy định trong luật dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền khó khăn, lúng túng trong xử lý.
Ngoài ra, một số tội danh trong Bộ luật hình sự Việt Nam lại không có trong quy định pháp luật hình sự một số nước trên thế giới, do vậy việc Việt Nam yêu cầu dẫn độ đối với tội phạm là rất khó khăn đối với những nước được yêu cầu mà không có thiện chí.
Trong trường hợp đối tượng truy nã bỏ trốn sang quốc gia chưa ký kết hiệp định song phương hoặc đa phương liên quan đến việc dẫn độ thì chỉ có thể thông qua con đường ngoại giao để đề nghị nước bạn bắt giữ đối tượng truy nã để dẫn độ về Việt Nam.
Theo luật sư Cường, luật tương trợ tư pháp 2007 không còn đáp ứng được yêu cầu về phòng chống tội phạm và dẫn độ trong bối cảnh hội nhập diễn biến phức tạp. Đồng thời cho rằng, thực tiễn về tình hình dẫn độ tội phạm trong thời gian qua đặt ra yêu cầu phải cụ thể hóa quy định về dẫn độ, cụ thể là phải có khung pháp lý và quy định rõ ràng về dẫn độ.
Để ngăn chặn tình trạng tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài và tạo thuận lợi trong việc dẫn độ, cần nghiên cứu ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ với điều kiện phải bảo đảm các yêu cầu về chính trị, ngoại giao, pháp luật