Thứ sáu, 19/04/2024 | 17:55
RSS

Lại câu chuyện tài xế dùng tiền lẻ để qua trạm thu phí, QL5 ùn tắc

Thứ hai, 04/09/2017, 21:09 (GMT+7)

Nhiều tài xế sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối việc thu phí tại trạm BOT trên QL5 khiến tình trạng ùn tắc xảy ra trên đoạn đường này.

ùn tắc trên QL5Ùn tắc trên QL5 do các tài xế dùng tiền lẻ mua phí qua BOT số 1. Ảnh Tri Thức Trực Tuyến

Lúc 16h ngày 4/9, một số tài xế lái ôtô biển số Hải Dương đã tập trung tại trạm BOT số 1 QL5 (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) để phản đối thu phí. Các tài xế sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm.

Theo đó, lái xe của hơn 20 xe tải, chủ yếu xe có logo Đức Chính, đã dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng để trả tiền phí, gây ùn tắc cục bộ chiều từ Hải Dương đi Hà Nội

Lãnh đạo Đội CSGT số 1 và Cảnh sát cơ động cùng Công an huyện Văn Lâm đã có mặt để vận động lái xe, người dân và phân làn giải quyết ùn tắc. Trạm thu phí đã tăng cường nhân viên để đếm tiền lẻ.

Được biết, các tài xế dùng tiền lẻ được yêu cầu tấp vào lề đường để nhân viên ra tận xe thu phí. Tình hình trở nên căng thẳng khi người dân một số xã của huyện Văn Lâm và Văn Giang kéo nhau ra chặn đầu các xe tải.

dùng tiển lẻ mua phí ở QL5Tài xế dùng tiền lẻ mua phí ở QL5. Ảnh Vietnamnet

Theo người dân, phí qua trạm BOT quá cao (40 nghìn đồng/lượt) nên xe tải đã tìm cách trốn trạm đi vào các đường liên xã, huyện, tỉnh. Tình trạng này kéo dài đã làm hỏng đường, tăng tai nạn giao thông Họ đề nghị trạm BOT giảm phí cho xe tải lưu thông theo QL như trước.

Trong khi đó lực lượng CSGT Hưng Yên đã tiến hành điều tiết các phương tiện đi theo đường Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên.

Sáng 4/9, trên một số diễn đàn đưa thông tin cho hay một số lái xe sẽ dùng tiền lẻ thanh toán để phản đối thu phí BOT QL5. Trước tin này, đơn vị quản lý tuyến đường đã bố trí nhân viên làm việc tại trạm đông hơn ngày thường, lực lượng cảnh sát giao thông cũng ứng trực để điều tiết giao thông.

QL5 là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía đông của Hà Nội. Mỗi ngày có khoảng 15.000-16.000 lượt phương tiện qua trạm. Mức phí qua QL5 thấp nhất là 40.000 đồng, cao nhất là 180.000 đồng mỗi lượt.

Trước đó, Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay nhà đầu tư thu phí cả tuyến đường ngoài BOT chạy song song với tuyến đường được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT để bảo đảm phương án tài chính của dự án. Trường hợp điển hình chính là dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và QL5 cũ.

Mai An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN