Tăng ISO
Để có được một tác phẩm như ý trong điều kiện ánh sáng yếu và không dùng đèn Flash, các “phó nháy” có thể áp dụng kỹ thuật chụp ảnh với ISO cao. Theo đó, bạn nên đặt ISO ở mức 400 hoặc 800 để nhận được nhiều ánh sáng hơn so với mức ISO 100 hoặc 200, và đảm bảo bức ảnh sẽ ít bị hạt nhiễu hơn mức ISO 1.600 hoặc 3.200.
Giảm tốc độ màn trập
Một trong những kỹ thuật chụp ảnh cơ bản nhất là hình ảnh sẽ nhận nhiều ánh sáng hơn hẳn nếu tăng thời gian lộ sáng. Do đó trong điều kiện thiếu sáng, nên điều chỉnh tốc độ màn trập thấp hơn hẳn mức tối thiểu, chẳng hạn như 1s, 1/2s, 1/8s, 1/15s,… Tuy nhiên, nhược điểm của các tốc độ này là dễ khiến hình ảnh bị rung lắc, mất nét và nhòe mờ.
Sử dụng chân máy
Trường hợp buộc phải dùng tốc độ màn trập thấp để chụp ảnh trong không gian thiếu sáng, tốt nhất là sử dụng thêm chân máy để chống rung lắc, nhòe mờ. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể đặt máy ảnh trên một vị trí nào đó thật chắc chắn như ghế, tường,… rồi mới chụp. Ngoài ra, nên đặt hẹn giờ để hạn chế việc chạm tay vào nút bấm, dễ khiến ảnh bị rung.
Điều chỉnh khẩu độ
Trường hợp chụp ảnh chân dung khi ánh sáng yếu, người chụp có thể mở khẩu độ đến mức tối đa để thu được ánh sáng nhiều hơn, đảm bảo được tốc độ chụp và giúp phông nền đẹp, mềm mịn. Đồng thời, kết hợp với mở lớn ống kính máy ảnh để tăng độ sáng.
Trái lại, nếu muốn chụp ảnh phong cảnh thì nên để mở nhỏ khẩu độ. Làm vậy, hình ảnh sẽ nét và có chiều sau hơn, nhưng bạn cần dùng đến chân máy bởi tốc độ màn trập thấp.
Điều chỉnh cân bằng trắng
Những bức ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng thường bị ngả màu xanh hoặc vàng cam nhờ nhờ, lại thường mất chi tết. Khi đó, bạn nên áp dụng kỹ thuật chụp ảnh là điều chỉnh cân bằng trắng trước trên máy tùy theo ánh sáng đèn và cảnh.
Chụp ảnh đen trắng
Trường hợp không điều chỉnh được cân bằng trắng sao cho phù hợp với không gian thiếu sáng, có một cách khắc phục rất hay là chuyển hẳn sang cách chụp ảnh đen trắng. Lý do là bởi kỹ thuật chụp ảnh đen trắng cực kỳ thích hợp với điều kiện ánh sáng yếu.
Chụp ảnh RAW
Theo lời khuyên của các chuyên gia nhiếp ảnh, nếu có thể hãy chụp ảnh RAW thay vì định dạng JPEG trong điều kiện ánh sáng yếu. Với cách chụp ảnh thiếu sáng này, bạn sẽ có bức ảnh sắc nét với chất lượng cao hơn, lại có thể tùy ý xử lý hậu kỳ nếu thích.
Tận dụng các nguồn sáng nhân tạo
Nếu ánh sáng mặt trời vào thời điểm chụp ảnh quá yếu, tại sao bạn không thử tận dụng các nguồn ánh sáng nhân tạo khác như đèn Flash, đèn pin, nến, đèn bàn, đống lửa,… Nếu biết cách sắp xếp và sáng tạo một chút, chính những nguồn sáng này sẽ đem đến cho bạn các bức ảnh vô cùng độc đáo.
Xử lý hậu kỳ
Hiện nay, hiếm có ai chụp ảnh xong mà không xử lý hình ảnh. Trong khâu xử lý hậu kỳ, bạn có thể sử dụng phần mềm chỉnh sửa để điều chỉnh độ sắc nét, bóng đổ, độ sáng, độ tương phản; giảm hạt nhiễu cho ảnh hoặc chuyển hẳn hình sang kiểu đen trắng. Tuy nhiên, không nên quá phụ thuộc vào khâu chỉnh sửa mà cần nắm được những kỹ thuật chụp ảnh căn bản để có tác phẩm đẹp ngay từ đầu.