Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:56
RSS

Kỷ niệm ngày Nhà giáo VN 20/11: Đừng để thầy cô 'cô đơn' trên mạng

Thứ tư, 20/11/2019, 07:26 (GMT+7)

Các thầy, cô giáo luôn được cha mẹ kỳ vọng sẽ dạy dỗ, giáo dục con em mình thành người có đức, có tài. Nhưng ngày nay, thầy, cô đang bị giám sát chặt chẽ bằng công nghệ, và “ném đá” cộng đồng, khiến họ e ngại không dám uốn nắn, dạy dỗ trẻ một cách quyết liệt.

“Bóp miệng, trói tay”

Mới đây, một cô giáo tiểu học đăng tải trên nhóm của các giáo viên (GV) tiểu học: “Hãy tự biết kiềm chế mình, đừng vì những phút giây nhất thời mà trách phạt nghiêm khắc, đánh học sinh cho dù sự việc có như thế nào đi chăng nữa. Vì một phút giây đó có thể phải trả giá bằng cả một cuộc đời cống hiến”.

Kỷ niệm ngày Nhà giáo VN 20/11: Đừng để thầy cô cô đơn trên mạng

Cô, trò trường Tiểu học Nguyễn Du - Hà Nội sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: H.M

Những lời chua xót này nhận được hàng trăm bình luận ủng hộ của các GV khác. Nguyên nhân của sự “sợ hãi” này bắt nguồn từ việc một số thầy, cô giáo có hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật bị phơi bày khiến cho thanh danh của các nhà giáo chân chính bị liên đới, tổn hại. Gần đây nhất là những vụ như thầy làm học trò lớp 8 có thai tại Yên Bái, cô giáo lớp 2, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP.HCM) đánh mắng hàng loạt học sinh, thầy giáo l

ớp tin học ở Nhà Thiếu nhi TP.HCM có hành vi sàm sỡ nữ sinh ngang nhiên trong lớp học… Các vụ việc sai phạm của GV khiến nhiều người cho rằng, cần phải lắp camera để giám sát thầy, cô. Điều này càng khiến cho thầy cô giáo cảm thấy “ớn lạnh” mỗi khi muốn chấn chỉnh học sinh.

Cô giáo Bùi Thị Hương - GV tiểu học tại  TP.Thanh Hóa cho biết, hiện nhiều GV đang tự “trói mình” vì quá sợ hãi, lo lắng khi xử lý bất kỳ một vấn đề sư phạm nào đó có tính tiêu cực trong môi trường trường học mà đối tượng chính là học sinh. “E ngại “sai một ly đi một dặm” là tâm lý thường thấy của GV hiện nay” - cô Hương nói.

Trong một khảo sát mới đây của TS Nguyễn Thị Bích Hồng và nhóm cộng sự ở ĐHSP TP.HCM trên 200 sinh viên (SV) ĐHSP TP.HCM và GV, nhân viên một số trường phổ thông trước những tiêu cực hiện nay của ngành giáo dục kết quả cho thấy, có tới 54,72% GV và nhân viên trường phổ thông thấy lo lắng, hoang mang; 46,5% SV cảm thấy hoang mang, e ngại về sự an toàn nghề dạy học sau này.

Đáng chú ý, có 15% GV và nhân viên trường phổ thông cảm thấy xấu hổ, mất tự tin khi công tác trong ngành giáo dục, 11% SV cho rằng thiếu tự tin, xấu hổ khi theo học sư phạm.

Phải tự làm mới mình

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, đối với nền giáo dục hiện đại hiện nay, thầy, cô giáo cần phải trang bị những kiến thức để chủ động tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với mỗi học sinh. “Lấy ví dụ, ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, GV thực hiện theo đúng 4 bước, trước hết phải giúp học sinh thấy thích học; thứ hai, biết cách học; thứ ba, có thói quen học và thứ tư là học có kết quả. Không thể cứ truyền tải kiến thức ồ ạt mà quên đi việc học sinh có tiếp thu được hay không”.

Theo cô Hương: “Trong giai đoạn phát triển vũ bão của đất nước hiện nay, nếu không tự mình vận động thì sẽ bị tụt hậu so với đồng nghiệp, kiến thức và cả học sinh. Bản thân các GV phải luôn tự làm mới mình để bắt kịp với xu hướng phát triển của xã hội Ngoài ra, để ứng phó với các tình huống sư phạm mới, bản thân người GV phải luôn trau dồi, học hỏi cái mới, xử lý tình huống phải khéo léo, mềm mỏng nhưng đủ cứng rắn để học sinh và cha mẹ “tâm phục, khẩu phục”.

Mặc dù vậy, cô Hương cũng cho rằng một số bộ phận cha mẹ hiện nay do tiếp xúc với quá nhiều các luồng thông tin tiêu cực, lại không sát sao với GV và nhà trường, từ đó thiếu niềm tin, rất dễ có những phản ứng quá khích khi con, em họ bị phạt hoặc có kết quả học tập chưa tốt. “Mỗi khi gặp trường hợp như vậy, chúng tôi chỉ mong gia đình thực sự bình tĩnh để nhìn nhận thấu đáo sự việc. Từ đó tìm ra cách xử lý hợp tình, hợp lý cùng nhau phối hợp để học sinh nhận được sự quan tâm, chăm sóc tốt nhất từ nhà trường và gia đình” - cô Hương chia sẻ. 

Hà My
Theo Dân Việt