Thứ ba, 23/04/2024 | 12:05
RSS

Kỷ luật CSGT Đồng Nai bảo kê xe: Nên làm nghiêm hơn

Thứ ba, 12/05/2020, 07:52 (GMT+7)

"Là người bảo vệ công lý mà lại bảo kê cho những người vi phạm thì quá nguy hiểm".

Liên quan đến vụ "bảo kê" xe quá tải trên quốc lộ 20, Công an Đồng Nai quyết định kỷ luật cả về mặt Đảng và chính quyền đối với hai Trung tá Phạm Hải Cảng và Phan Cẩm Tú vì có những sai phạm liên quan đến việc gọi điện can thiệp, xin bỏ qua xe vi phạm.

Ky luat CSGT Dong Nai bao ke xe: Nen lam nghiem hon
Trung tá Phạm Hải Cảng tại trụ sở CSGT số 2 năm 2019. Ảnh: VnExpress.

Theo đó, Trung tá Cảng bị kỷ luật Đảng bằng hình thức cảnh cáo; bị giáng chức Đội trưởng Đội CSGT số 2, Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai.

Trung tá Phan Cẩm Tú, nguyên đội phó Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai cũng bị kỷ luật cảnh cáo cả về Đảng lẫn chính quyền.

Ông Cảng được xác định gọi điện can thiệp cho 10 phương tiện vi phạm; trung tá Phan Cẩm Tú can thiệp cho 6 phương tiện vi phạm.

Nhận định về vụ việc trên, ông Lê Như Tiến - nguyên ĐBQH Khóa XIII cho rằng, đây là vụ việc sai phạm rất nghiêm trọng vì người vi phạm lại chính là những người thực thi, bảo vệ pháp luật nhưng đã không giữ được kỷ cương pháp luật.

"Là người cầm cán cân công lý, là người nhân danh cho nhà nước bảo vệ công lý mà lại bảo vệ, bảo kê cho những người vi phạm thì quá nguy hiểm.

Việc này không khác gì vụ nhiều vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận những ngày qua. Nhưng, như dư luận bức xúc vì Đường Nhuệ một thì họ bức xúc với những người bảo kê cho Đường Nhuệ gấp hàng trăm lần.

Tôi đã nói rằng, Đường Nhuệ là đối tượng quá nguy hiểm nhưng người bảo kê cho Đường Nhuệ còn nguy hiểm hơn cả Đường Nhuệ.

Vụ CSGT bảo kê xe vi phạm tại Đồng Nai cũng vậy, người vi phạm có thể chỉ là một, hai người nhưng những người CSGT đang đứng ra bảo kê lại có thể bảo kê cho nhiều người mắc sai phạm.

Điều này đồng nghĩa với việc có thể có hàng trăng, hàng nghìn người mắc vi phạm đã được bảo kê với các thỏa thuận lợi ích phía sau", ông Tiến nói.

Vì thế, ông cho rằng hình thức xử lý với những người nắm giữ pháp luật, thực thi pháp luật mà lại vi phạm pháp luật phải thật nghiêm minh, nghiêm khắc mới bảo đảm được tính răn đe.

"Dư luận từng rất bức xúc vụ Đại úy Lê Thị Hiền đại náo sân bay hay trường hợp một Thượng úy công an ném xúc xích vào mặt nữ nhân viên và tát nam nhân viên của Trạm dừng nghỉ Hải Đăng (Thái Nguyên).

Kết cục cho những người này là giáng cấp, cho ra khỏi ngành, đây có lẽ là hình thức xử phạt thích đáng, thỏa mãn được sự búc xúc trong dư luận.

Tương tự trong vụ CSGT bảo kê ở Đồng Nai cũng cần phải xem xét vào tính chất mức độ ảnh hưởng của hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý kỷ luật thích đáng.

Nếu chỉ cảnh cáo, răn đe thì vô hình chung lại là khuyến khích cho cán bộ làm sai bởi nguồn lợi bất chính thu từ vi phạm là rất lớn mà một số người vì nguồn lợi bất chính có thể sẵn sàng chấp nhận đánh đổi.

Tôi còn lưu ý thêm, có thể còn phải xem xét thêm hành vi lạm dụng quyền hạn, tiếp tay cho sai phạm để vụ lợi. Với những hành vi này có thể còn phải xem xét xử lý theo luật hình sự, để làm gương cho những người khác", ông Tiến thẳng thắn.

ĐBQH Dương Trung Quốc (thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) thì cho rằng, khi các cơ quan điều tra đã xác định rõ sai phạm của hai Trung tá trên thì phải xử lý nghiêm theo luật. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải có chế tài xử lý mạnh tay, nghiêm khắc mới có thể hạn chế cán bộ vi phạm.

Với vai trò là ĐBQH của Đồng Nai, ông Quốc cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ vụ việc, đồng thời cũng kiến nghị các cơ quan chức năng công khai sai phạm cũng như các căn cứ, cơ sở xử lý kỷ luật với hai Trung tá nói trên để dư luận, xã hội và cả Quốc hội cùng giám sát.

Đặt vấn đề như vậy, ông Quốc cho rằng CSGT là lĩnh vực nhạy cảm, vừa tiếp xúc trực tiếp với người dân vừa có quyền xử lý trực tiếp sai phạm, do đó chịu rất nhiều áp lực từ dư luận xã hội.

Bên cạnh những nỗ lực, cố gắng trong xử lý sai phạm, CSGT cũng là nơi có nhiều nguy dẫn tới việc cơ lạm quyền, lạm dụng trong quá trình thực thi pháp luật.

Đặc biệt trong quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm giao thông. Vì thế, cần phải có giải pháp hạn chế dựa trên các điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Muốn vậy, vai trò giám sát của xã hội, người dân là vô cùng quan trọng.

Thái Bình
Theo Đất Việt