Kiến nghị bãi bỏ 2 trạm thu phí BOT trên quốc lộ 5. Ảnh pháp luật TP. HCM
Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng liên quan đến 2 trạm thu phí trên quốc lộ 5. Đây là lần thứ 2 Hiệp hội có văn bản gửi Thủ tướng, theo Tri thức trực tuyến.
Theo đó, để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng giảm phí trên các quốc lộ có dự án BOT. Bởi việc giảm phí trong thời gian qua là quá thấp so với việc tăng phí trước đó.
Hiệp hội đề nghị bãi bỏ việc thu phí tại 2 trạm trên quốc lộ 5. Bởi hầu hết phương tiện đã đóng phí bảo trì đường bộ theo Nghị định 18/2012 của Chính Phủ.
Trong khi đó, Nghị định nêu rõ các tuyến đường được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước (trong đó có quốc lộ 5) không được tiến hành thu phí BOT vì các xe khi đi đăng kiểm đã nộp phí bảo trì đường bộ.
“Trường hợp Bộ GTVT, Bộ Tài chính vẫn duy trì thu phí tại 2 trạm trên quốc lộ 5, đề nghị bãi bỏ việc thu phí bảo trì đường bộ với phương tiện để tránh tình trạng phí chồng phí như hiện nay”, văn bản của Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng nêu rõ.
Trước đó, phát biểu tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng ngày 19/9 ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay doanh nghiệp vận tải Hải Phòng đang chịu rất nhiều gánh nặng về phí cầu đường, nhất là sau khi phí trên quốc lộ 5 cũ tăng phí gấp 4 lần so với trước, theo Bizlive.vn.
Từ đó, ông Thanh đề nghị nên nghiên cứu xóa bỏ hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 để doanh nghiệp có sự lựa chọn giữa việc đi lại trên quốc lộ 5 chậm nhưng miễn phí. Ngược lại doanh nghiệp muốn đi nhanh, rút ngắn thời gian thì lựa chọn đường cao tốc.
“Người dân trong khu vực và doanh nghiệp rất bức xúc về việc đường cũ do ngân sách nhà nước làm mà phí lại tăng lên cao gấp 4 lần so với trước. Không thể chấp nhận được điều này”, ông Thanh phản ánh.
Nếu không xóa bỏ trạm thu phí, ông Thanh cũng đưa ra phương án, cần miễn thu phí bảo trì đường bộ cho toàn bộ doanh nghiệp vận tải chạy tuyến cố định, xe container ở khu vực Hải Phòng để tránh tình trạng phí chồng phí.
Phía Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi - nhà đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, còn gọi cao tốc 5B), đơn vị được giao thu phí tại hai trạm QL5A, cho rằng từ những năm 2004, QL5A mặc dù mới được nâng cấp vào năm 1998 đã quá tải, thường xuyên ùn tắc, thời gian di chuyển mất 3-4 giờ cho 100 km từ Hà Nội-Hải Phòng, không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng, theo Pháp luật TP. HCM.
Do đó Nhà nước gấp rút đầu tư sửa chữa, nâng cấp QL5A. Việc thu phí ở QL5A là để tạo nguồn thu bù cho vốn đầu tư đường cao tốc 5B (do Vidifi đầu tư). Nếu DN không được tăng phí QL5A thì phương án tài chính cho cao tốc 5B có thể bị phá sản.
Tuy nhiên, điều này gây bức xúc cho các đơn vị vận tải Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh. Các đơn vị cho rằng họ không sử dụng đường QL5B mà phải gánh chi phí đầu tư cho QL5B là vô lý. Để phản đối việc thu phí hai trạm thu phí QL5A, các tài xế đi qua đã dùng tiền lẻ để trả khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa từ cảng Hải Phòng đi các nơi bị ùn tắc.
QL5A là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội-Hải Phòng, chiều dài khoảng 100 km, tuyến đường này có hai trạm thu phí tại Hưng Yên và Hải Phòng. Trước đây giá phí qua trạm BOT này là 10.000 đồng/lượt/trạm/xe bốn chỗ, sau tăng lên 30.000 đồng rồi 45.000 đồng và hạ xuống còn 40.000 đồng vào năm 2016.