Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:46
RSS

'Không thể vịn cớ giá xăng dầu thấp hơn một số nước để đẩy giá lên'

Thứ hai, 09/04/2018, 14:54 (GMT+7)

“Giá xăng dầu trong nước phải đi cùng với thu nhập của người dân, chúng ta không thể nói giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước trên thế giới để đẩy giá lên”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói.

Không thể vịn cớ giá xăng dầu thấp hơn để đẩy giá lên
 Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng đồng loạt từ chiều 7/4. Ảnh minh họa

Từ chiều 7/4, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh tăng 592 đồng/lít, dầu diesel tăng 638 đồng/lít, dầu hỏa tăng 521 đồng/lít, dầu mazut tăng 425 đồng/kg. Tuy không được công bố trong văn bản điều hành nhưng giá xăng RON 95 trên thị trường hiện được bán mức 20.700 - 21.110 đồng/lít tùy theo vùng (cao hơn E5 khoảng hơn 2.000 đồng).

Giá xăng dầu tăng cao, theo liên bộ Công thương – Tài chính là do giá thành phẩm xăng dầu thế giới thời gian gần đây có xu hướng đi lên. Cụ thể, bình quân Giá xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước 7/4 là 76,963 USD/thùng, xăng RON92 (xăng nền để pha chế xăng E5 RON92) tăng 3,710 USD/thùng. Giá dầu diesel là 81,174 USD/thùng, tăng 4,108 USD/thùng. Giá dầu hỏa cũng tăng 4,267 USD/thùng, đạt mức 81,906 USD/thùng…

Tác động rất lớn đến nền kinh tế

Trả lời PV VTC News ngày 8/4, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho biết, xăng dầu là mặt hàng hết sức nhạy cảm, tác động rất lớn tới mặt bằng giá. Do đó, giá xăng dầu tăng sẽ khiến chi phí sản xuất tăng, kéo theo giá các mặt hàng tăng theo, ảnh hưởng tới sức mua của thị trường và đời sống người dân.

Không thể vịn cớ giá xăng dầu thấp hơn để đẩy giá lên
 PGT.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

Khi sức mua bị giảm sút, sản xuất khó tiêu thụ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng.

Giá xăng dầu tăng cao cũng sẽ tác động tới một loạt các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân, khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 4% trở nên khó khăn.

“Điều hành giá xăng dầu phải làm sao đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát. Hiện nay, kinh tế Việt Nam còn nhiều bất ổn, cho nên mục tiêu phải đảm bảo tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và tăng thêm nhiều việc làm mới”, chuyên gia Ngô Trí Long, nói.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho hay, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu rất lớn trong đời sống xã hội. Do đó, tăng giá xăng dầu chắc chắn ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Giá xăng dầu trong nước phải đi cùng với thu nhập của người dân, chúng ta không thể nói giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước trên thế giới để đẩy giá lên”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho rằng, tăng giá xăng dầu chắc chắn tác động đến lạm phát bởi xăng dầu là mặt hàng đầu vào, nên nếu tăng giá liên tục sẽ khởi động chuỗi ảnh ảnh hưởng tăng theo.

Tại sao bắt xăng “cõng” nhiều thứ thuế?

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu còn một số vấn đề cần quan tâm, trong đó nổi bật là cơ chế giá và thuế.

“Thuế hiện nay như thế nào, cần xem xét kỹ. Xăng dầu hiện nay chịu rất nhiều loại thuế rồi. Mà đây lại là mặt hàng hết sức quan trọng đầu vào, tác động rất lớn, tại sao lại chỉ tập trung vào nó? Câu hỏi đặt ra, có nên “cõng” trên lưng xăng dầu quá nhiều loại thuế?”, ông Ngô Trí Long đặt câu hỏi.

Vẫn theo chuyên gia Ngô Trí Long, hiện giá xăng dầu trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới, vì gần 70% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước được nhập khẩu.

Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát, tránh tác động tiêu cực đến mặt bằng giá cả, ông Long khuyến nghị nên xem lại việc đề xuất tăng tiếp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

“Các nhân tố đầy bí ẩn mà bất trắc làm tăng lạm phát trong những tháng tới còn cao, trong khi đó đời sống người dân chưa được cải thiện, nên phải cân nhắc hết sức cẩn thận có nên tăng thuế môi trường lên 4000 đồng/lít hay không.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn yếu, đời sống người dân chưa cao nên phải cân nhắc tăng giá xăng dầu”, ông Ngô Trí Long khuyến nghị.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trong năm nay, cơ quan quản lý không nên tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

“Để cân đối ngân sách quốc gia, việc tăng thuế là đương nhiên, tuy nhiên phải đặt dưới một số điều kiện. Nếu có thể cân đối ngân sách thì khoan tăng giá xăng dầu vì khi xăng dầu tăng sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế”, ông Hiếu nói.

Hai chuyên gia kinh tế cùng chung qua điểm việc tăng thuế, trong đó có xăng dầu trong bối cảnh ngân sách vơi cạn là đương nhiên song phải đi kèm rà soát chi tiêu công. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng phải minh bạch thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Không thể vịn cớ giá xăng dầu thấp hơn để đẩy giá lên
Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

“Để cân đối ngân sách quốc gia, việc tăng thuế là đương nhiên, tuy vậy, phải đặt dưới một số điều kiện, trong đó tăng thuế xăng dầu cần phù hợp thị trường. Tăng thuế phải tính hiệu quả, hậu quả, tác động đến nền kinh tế. Cân đối ngân sách quốc gia là cần thiết nhưng có chính sách tài khóa phù hợp, bảo đảm tăng thuế hợp lý.

Ngoài ra, việc sử dụng thuế như thế nào, bao nhiêu % cho môi trường, bao nhiêu % cho hạ tầng… phải minh bạch, rõ ràng mới thuyết phục được người dân, chứ cứ thiếu tiền là tăng thuế thì chắc chắn không được đồng thuận xã hội”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo ông Ngô Trí Long, cơ quan quản lý cũng cần công khai việc sử dụng nguồn thu thuế môi trường từ xăng dầu bởi dư luận thời gian qua cũng có nhiều thắc mắc về tính minh bạch của việc sử dụng tiền thu thuế bảo vệ môi trường.

“Ở các nước phát triển họ quy định rất nghiêm ngặt, thu thuế môi trường là phải chi cho bảo vệ môi trường, nếu chi vào mục đích khác là bị xử lý ngay”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.


Xem thêm: Muôn kiểu giải thích lý do tăng thuế của Bộ Tài chính

Hoàng Hưng
Theo VTC News