Đê Hữu Thao bị tàn phá
Chúng tôi có mặt tại tuyến đê Hữu Thao bắt đầu từ cầu Trung Hà chạy dọc theo tuyến QL32, nơi một doanh nghiệp đã chặn tuyến đường này để đặt trạm BOT Tam Nông thuộc địa phận xã Thượng Nông (huyện Tam Nông).
Theo phản ánh của người dân địa phương, kể từ thời điểm trạm BOT Tam Nông tổ chức thu phí, bất kể ngày đêm, cánh tài xế xe tải, xe ô tô, xe kéo… đã tìm đủ mọi ngả đường để tránh việc phải nộp tiền cho trạm thu phí này. Chỉ sau một thời gian ngắn, hai tuyến đường được cánh lái xe lựa chọn là tuyến đường trên mặt đê Hữu Thao và tỉnh lộ 316G. Không có con con số thống kê chính thức, nhưng mỗi ngày, hàng nghìn lượt xe “né” trạm thu phí bằng cách đi vào đường dân sinh hoặc đường đê.
Đường giao thông bị cày xới, đê Hữu Thao bị băm nát, đời sống người dân bị ảnh hưởng… Tất cả đều bắt nguồn từ việc BOT Tam Nông chặn QL32 để thu phí, một dự án mà dư luận cho rằng Bộ GTVT, UBND tỉnh Phú Thọ và nhà đầu tư đã đặt nhầm chỗ.
Theo tìm hiểu, BOT Tam Nông là dự án của nhà đầu tư Liên danh Cty CP Đầu tư Hùng Thắng và Cty CP TASCO dựng lên nhằm mục đích thu phí hoàn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng QL32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà. Tổng chiều dài khoảng 35,7km.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.109 tỷ đồng, thời gian được phép thu hoàn vốn khoảng 20 năm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà BOT Tam Nông lại được Bộ GTVT, UBND tỉnh Phú thọ và nhà đầu tư đặt trên đoạn nâng cấp, mở rộng QL32 đoạn từ cầu Trung Hà đến Cổ Tiết; điểm đầu tại Km65+00, đầu cầu Trung Hà, điểm cuối tại Km77+629,39 ở ngã tư Cổ Tiết, chỉ có chiều dài khoảng 12,7km.
Tháng 1/2017, BOT Tam Nông chính thức được đưa vào khai thác sử dụng và thu phí chính thức từ 0h ngày 6/3/2017. Ngay từ thời điểm bắt đầu thu phí, “bốt” này đã gặp phải sự phản đối gay gắt của người dân, của các hãng vận tải vì mức phí quá cao và hết sức vô lý.
“Dự án chỉ nâng cấp, sửa chữa 12km nền đường cũ, nhưng mức thu phí từ 35.000 - 50.000 đồng/lượt không khác gì bóc lột người dân”. Tụ tập phản đối, băng rôn biểu ngữ, chặn xe không cho lưu thông… Đến mức nhà đầu tư phải tạm dừng thu phí. Tuy nhiên, chỉ sau thời điểm dừng hơn một tháng, Bộ GTVT tiếp tục cho phép Cty TNHH BOT Hùng Thắng Phú Thọ thu phí trở lại từ ngày 25/4/2017.
BOT Tam Nông “sửa chữa” lối lên xuống đê Hữu Thao
Không chỉ riêng người dân địa phương, 36 nhà xe chạy tuyến cố định Thanh Sơn - Mỹ Đình đồng loạt ký gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng về việc BOT Tam Nông chỉ thảm lại mặt đường nhưng thu phí quá cao là hết sức vô lý. Tuy nhiên,Bộ GTVT vẫn quyết thu, UBND tỉnh Phú Thọ quyết thu, nhà đầu tư quyết thu, mặc cho mức giá được cho là vô lý nên cánh tài xế chỉ còn cách đối phó bằng việc tìm các ngả đường để né.
Chỉ trong vòng một buổi sáng, PV NNVN đã chứng kiến hàng trăm lượt xe khi qua khỏi cầu Trung Hà từ hướng Hà Nội qua hoặc đến thị trấn Hưng Hóa từ hướng cầu Phong Châu lại đã chia các ngả đường để tránh trạm BOT của Công ty Hùng Thắng.
Vừa lái xe tải chạy lên đê để né trạm BOT Tam Nông, ông Nguyễn Văn Bình, một tài xế xe tải chở vật liệu trú tại khu 8 xã Xuân Lập (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) vừa bức xúc: “Nhà tôi cách trạm chừng 5km, mỗi ngày chở vật liệu qua đây khoảng 12-14 lượt, nếu cứ thu theo mức giá này thì sống sao nổi. Đành phải tìm đường tránh mà đi. Vô lý ở chỗ, đoạn đường này trước đây một doanh nghiệp mới làm xong, chính chúng tôi chở vật liệu để xây dựng, đang rất mới nhưng đột nhiên dựng BOT Tam Nông lên chặn thu phí”.
Một tài xế ô tô khác khi được hỏi vì sao không đi qua trạm thu phí đã khẳng định rằng: Chúng tôi biết đi đường BOT thì phải đóng phí, nhưng mức phí họ đang thu vô lý quá nên không đóng.
Cũng theo các tài xế né trạm, kể từ khi họ tìm được đường tránh trạm thu phí đã liên tiếp gặp phải những chiêu trò ngăn cản, ép buộc phải đi vào cung đường phải đóng phí.
“Hôm nọ, trên tuyến đường đê này, “họ” đưa một chiếc xe tải lên tháo cả bánh cả biển số rồi chắn ngang đường. 4-5 hôm liền, lúc nào cũng có dân xã hội đen đứng trông, không xe nào đi được. Ở hai đầu trạm thu phí có 2 con dốc trước đây địa phương mở để người dân đi lại thì thời gian gần đây, “trạm BOT” dùng máy xúc múc lên thành mương, hợp tác với xã không cho xe lên. Ở một dốc lên khác, nó lập ba ri e hạn chế tải trọng, chỉ xe nhỏ mới có thể đi qua”, ông Bình nói.
Thời điểm chúng tôi có mặt tại tuyến đường này, tại 2 điểm lên xuống cạnh BOT Tam Nông (cách độ 50m), máy móc và công nhân của Cty TNHH BOT Hùng Thắng Phú Thọ vẫn miệt mài sửa chữa mương thoát nước. Họ đào bới, xúc ủi, lập hàng rào chắn khiến xe cộ không thể lên xuống được. Lạ một điều, cả một chiều dài hàng 4-5km chạy dọc thân đê nhưng “bốt” Hùng Thắng chỉ sửa chữa có hai điểm nơi xe tải lên và xuống để né trạm thu phí mà thôi. Về chiếc xe tải “tháo bánh, tháo biển” chắn trên đê, sau khi hàng loạt tài xế tung lên các diễn đàn vận tải trên mạng xã hội, chiếc xe chỉ tồn tại 4-5 hôm rồi chuyển đi.
Có BOT, đê Hữu Thao bị cày nát
Thực trạng xe cộ né trạm BOT Tam Nông không chỉ khiến các tuyến đường dân sinh bị băm nát, nghiêm trọng hơn, tuyến đê Hữu Thao, tuyến đê trọng yếu dọc theo tuyến BOT này đang xuống cấp rất nhanh chóng.
Trạm BOT Tam Nông
Biên bản làm việc mới nhất ngày 25/1/2018 của đoàn công tác gồm các ông Trần Quốc Bình (PGĐ Sở NN-PTNT Phú Thọ), ông Nguyễn Tiến Hùng (PGĐ Sở GTVT Phú Thọ), ông Nguyễn Hùng Sơn (Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh phú Thọ) và đại diện các cơ quan liên quan đã kiểm tra, bàn cách giải quyết việc các phương tiện ô đi tô đi tránh đường BOT qua tuyến đê Hữu Thao gây hư hỏng xuống cấp tuyến đê và ảnh hưởng đến công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi thiên tai mưa lũ xẩy ra.
Đoàn công tác thống nhất nội dung đưa vào sửa chữa 3 dốc lên đê bị hư hỏng nặng. Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Hùng Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh Phú Thọ khẳng định: Đúng là trước khi có BOT, đê Hữu Thao không bị ảnh hưởng gì, từ ngày BOT dựng lên tuyến đê này mới bị tàn phá.
“Về bản chất, tuyến đê này không cho xe đi, bởi vì đê đấy không phải là đê kết hợp giao thông. Việc xe cộ lưu thông trên mặt đê gây mất an toàn cho đê điều. Đê chỉ phục vụ chức năng ngăn lũ thôi, bên dưới đã có đường giao thông rồi. Tuy nhiên, theo quy định, thì đối với loại đê cấp này, xe dưới 10 tấn vẫn đi được”, ông Sơn nói.
Về vấn đề người dân né trạm thu phí, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và PCLB tỉnh Phú Thọ cho hay, đấy trách nhiệm của các tổ chức đối với BOT: “Nếu không có BOT ở đấy thì người ta đi ở dưới chứ có đi ở trên đâu”.
Có nghĩa là khi chưa có BOT Tam Nông, đê Hữu Thao không bị ảnh hưởng gì? “Không ảnh hưởng gì. Từ ngày có BOT đê mới bị cày xới đấy chứ”, ông Sơn trả lời câu hỏi của PV.
Xem thêm: Hồ Suối Hai đang bị bức tử và những cảnh tượng đau đớn khiến nhiều người phẫn nộ