Nhiều ý kiến cho rằng cách xây dựng kim tự tháp Ai Cập cổ đại của người xưa là dùng nhiều thanh gỗ buộc quanh các khối đá nặng để lăn tới điểm xây dựng. Một số người cho rằng việc này là không khả thi bởi các khối đá siêu nặng sẽ tạo lên áp lực cực lớn với mặt đường khiến đường sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng người Ai Cập cần chuyển 40 khối đá/ngày mới có thể kịp cho tiến độ họ xây dựng. Vậy chẳng có con đường nào có thể chịu được áp lực về trọng lượng và thời gian như thế cả.
Tuy nhiên, Joseph West - một nhà vật lý và các cộng sự của ông ở ĐH Indiana đã thử buộc dây thừng quanh khối đá để nó từ hình vuông thành một hình có 12 cạnh. Việc này giúp cho tảng đá được lăn dễ dàng. Tiếp đó, họ lại buộc dây ở đỉnh khối đá và tác động một lực cần thiết để 50 nhân công có thể di chuyển khối đá 2 tấn rưỡi đạt tốc độ 0,5 mét/s.
Một giả thiết khác về cách xây dựng kim tự tháp Ai Cập cổ đại là sử dụng nước. Đây là giả thiết của các nhà vật lý học của ĐH Amsterdam, Hà Lan. Một bức khắc trên nền mộ vua Djehutihotep cho thấy cảnh các nhân công đang cố gắng kéo 1 bức tượng rất lớn. Các nhà vật lý đã quan sát và đặc biệt chú ý tới hình ảnh những người thợ đang đổ nước xuống mặt cát dưới chân bức tượng.
Từ hình ảnh trên, họ đã thử tiến hành kéo một vật có trọng lượng nặng trên cát và nhận thấy, khi cát ngấm nước, nó sẽ không đùn lên để cản trở sự di chuyển của vật nặng. Chính điều này đã làm giảm một phần lớn ma sát và giúp giảm lực kéo xuống chỉ còn một nửa. Vật nặng dễ dàng được chuyển đi mà không cần có nhiều công nhân hợp sức.
Còn một giả thiết nữa của Kỹ sư xây dựng Peter James khi cho rằng người Ai Cập cổ đại xưa đã xây dựng Kim tự tháp từ trong ra ngoài. Tuy nhiên, đến nay, cả 3 giả thiết trên vẫn gây ra nhiều tranh luận giữa các nhà khoa học. Cách thức xây dựng kỳ quan thiên nhiên thế giới này vẫn là một điều bí ẩn mà trong tương lại khoa học tiếp tục phải tìm hiểu và chứng minh.