Chủ nhật, 19/01/2025 | 05:58
RSS

Hy hữu ở Việt Nam: Tinh hoàn “chơi trốn tìm” trong bụng hơn 20 năm rồi thành u khổng lồ

Thứ ba, 11/04/2017, 21:12 (GMT+7)

Bị đau bụng kéo dài, nam thanh niên mới cầu cứu các bác sĩ và bàng hoàng phát hiện bị ung thư tinh hoàn do một bên tinh hoàn ẩn suốt hơn 20 năm qua.

Trao đổi với báo chí vào ngày 11/4, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết mới đây đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân N.H.T (32 tuổi) bị ung thư tinh hoàn do một khối u tinh hoàn ẩn trong bụng qua hàng chục năm. Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dưới kéo dài.

ung thư tinh hoàn 1

Khối u tinh hoàn ẩn khiến anh T. bị mắc ung thư tinh hoàn. Ảnh Người Lao Động

Qua thăm khám, chụp CT bụng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u tinh hoàn khổng lồ nằm trong bụng, kích thước 10cm nên buộc phải phẫu thuật, cắt ra. Được biết, anh T. có tiền sử tinh hoàn ẩn bất thường ngay từ nhỏ (tinh hoàn nằm trong bụng mà không nằm ở bìu).

Năm 10 tuổi, anh được phẫu thuật tại một bệnh viện tỉnh nhưng chỉ đưa được tinh hoàn bên phải xuống bìu. Vào thời điểm đó, các bác sĩ không thể tìm thấy tinh hoàn bên trái của anh T. và nó “trốn” trong bụng bệnh nhân suốt hơn 20 năm qua.

Theo TS BS Nguyễn Hoàng Đức - Trưởng khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, ung thư tinh hoàn rất phổ biến ở nam giới trong độ tuổi từ 20 - 35, ước tính cứ 263 đàn ông sẽ có 1 người bị ung thư tinh hoàn.

Tại Việt Nam hiện chưa có con số thống kê nhưng ở Mỹ, trong năm 2016 có 8.720 trường hợp ung thư tinh hoàn được phát hiện và 380 người tử vong vì căn bệnh này.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên, những người bị tinh hoàn ẩn như anh T. có nguy cơ ung thư tăng gấp 4-8 lần so với trường hợp ung thư tinh hoàn trong bìu.

ung thư tinh hoàn 2

Những người bị tinh hoàn ẩn có nguy cơ ung thư tinh hoàn cáo gấp 4-8 lần so với bình thường. Ảnh VietNamNet

Khả năng ung thư tinh hoàn đối bên ở những người bệnh đã bị ung thư tinh hoàn từ 1 - 2%; bất thường gen như hội chứng Klinefelter 47 XXY, nam vô sinh có nguy cơ ung thư tinh hoàn cao hơn 3 lần, hay ảnh hưởng của chất độc màu da cam…

Theo TS BS Đức, cứ 200 trẻ nam sinh ra thì có 1 trẻ không có đầy đủ 2 tinh hoàn. Khi nhận thấy bất thường này, cha mẹ phải đưa bé đi khám ngay để có hướng xử lý, nếu chờ tới lúc trưởng thành sẽ rất nguy hiểm.

"Nam giới cần tự khám tinh hoàn của mình hàng ngày, nếu phát hiện thấy khối cứng bất thường ở tinh hoàn cần phải đi khám ngay với bác sĩ chuyên khoa" - TS BS Đức khuyến cáo.

Riêng với trường hợp anh T., các bác sĩ cho biết đáng tiếc là người bệnh đã không được cảnh báo sớm về nguy cơ ung thư tinh hoàn để theo dõi điều trị. Để đến hơn 20 năm sau, khi triệu chứng bắt đầu bộc phát mới đi khám thì đã quá muộn.

Hiện anh T. đã được phẫu thuật cắt khối u tinh hoàn ẩn, kết hợp hóa trị, xạ trị. Tuy nhiên, BS Đức nhận định rằng việc chữa trị ung thư tinh hoàn sẽ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này của người bệnh.

 

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus