Thứ năm, 25/04/2024 | 19:00
RSS

Hướng dẫn cách chăm sóc người say rượu khoa học, chi tiết

Chủ nhật, 09/04/2023, 07:26 (GMT+7)

Khi say rượu sẽ có những hành động không kiểm soát được. Nếu không được chăm sóc kịp thời, đúng cách có thể gây thương tích cho bản thân và những người xung quanh. Cùng đọc bài viết dưới đây để biết cách chăm sóc người say rượu như thế nào nhé.

I - Cách nhận biết mức độ say của người uống rượu

Dựa vào tỉ lệ cồn trong máu (BCA) sẽ có các biểu hiện khác nhau. Các giai đoạn say dưới đây sẽ giúp chúng ta nhận biết được người đó đang say rượu ở mức nào để có cách chăm sóc tốt nhất:

Giai đoạn 1: BCA dưới 0.05% ở giai đoạn này tùy từng người, khả năng phán đoán và phản ứng lại có sự giảm nhẹ.

Giai đoạn 2: BCA nằm trong khoảng 0.03 đến 0.12%, người uống rượu sẽ có cảm giác hưng phấn, tự tin hơn, nói chuyện to và nhiều hơn. Khả năng phán đoán và phản ứng lại bắt đầu suy giảm.

Giai đoạn 3: BCA ở mức 0.09 đến 0.25% xuất hiện cảm xúc bất ổn: có thể khóc, cười hoặc có những hành động quá kích như nhảy nhót, hát hò, hoặc trở nên cáu gắt. Bắt đầu mất thăng bằng, đi đứng không vững, nhìn một thành hai, nôn mửa.

Giai đoạn 4: BCA ở mức 0.18 đến 0.3% có các triệu chứng: chóng mặt, mất phương hướng, đi loạng choạng. Có khả năng quên những thứ xảy ra sau khi tỉnh rượu. Khả năng chịu đau tăng lên, họ có thể bị thương mà không cảm thấy đau.

Giai đoạn 5: BCA ở mức 0.25 đến 0.4%, khi ai đó có nồng độ cồn trong máu đạt đến mức này họ đang trong trạng thái rất say và có thể gặp nguy hiểm. Người say rượu không thể đứng dậy, đi lại, có thể bất tỉnh hoặc không kiểm soát được một số chức năng của cơ thể.

Giai đoạn 6: BCA ở mức 0.35 đến 0.45% lúc này hoạt động của hệ hô hấp và tuần hoàn giảm nghiêm trọng, hạ thân nhiệt, phản xạ rất kém. Họ có thể rơi vào trạng thái hôn mê và có nguy cơ tử vong.

Giai đoạn 7: Khi mức BCA đạt từ 0.45% trở lên nhiều người không thể duy trì các chức năng sống cơ bản như hít thở, nguy cơ tử vong là rất lớn.

nhận biết người say rượu

II - Những cách chăm sóc người say rượu

Khi nhận ra một người có những biểu hiện say rượu, hãy áp dụng những cách dưới đây để chăm sóc họ:

  • Tìm cách đưa người đó ra khỏi bàn rượu, không cho uống tiếp.
  • Nên nói chuyện, khuyên giải nhẹ nhàng vì cảm xúc của người say rượu không ổn định, dễ bị kích thích hoặc xúc động.

Đảm bảo người say rượu không tự làm tổn thương mình:

  • Không cho người say rượu tham gia giao thông tránh gây tai nạn cho bản thân và người khác.
  • Nếu người say rượu đi đứng không vững hãy dìu họ để tránh bị ngã làm bản thân bị thương.
  • Nếu người say rượu muốn vào nhà tắm hãy vào cùng họ để tránh trường hợp người say không kiểm soát được bị ngã va đập vào nền nhà, vật cứng.
  • Không cho người say rượu tắm tránh trường hợp cảm lạnh hoặc sốc nhiệt có thể tử vong.

không để người say rượu lái xe

Đảm bảo an toàn cho người say rượu khi ngủ:

  • Bỏ bớt quần áo, thắt lưng, giày tất trước khi nằm để họ được thoải mái.
  • Cho người say rượu nằm nghiêng để tránh trường hợp khi nôn có thể bị sặc, dị vật nôn làm tắc nghẽn đường thở hoặc có thể rơi vào phổi gây nguy hiểm.
  • Ở cạnh người say rượu khi ngủ để có thể kịp thời xử lý các tình huống xảy ra như nôn, đau bụng, hôn mê, ngộ độc rượu.
  • Thường xuyên kiểm tra người say rượu khi ngủ để đề phòng trường hợp hôn mê, ngộ độc rượu. Cứ khoảng 15 -20 phút gọi họ dậy xem có phản ứng lại không, có thể kiểm tra hơi thở nếu thở 12-20 lần/phút là bình thường.

chăm sóc người say rượu khi ngủ

Nếu người say rượu có một trong những biểu hiện sau cần kịp thời gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra:

  • Gọi hỏi không phản ứng lại, mất ý thức hoặc co giật.
  • Thở chậm, yếu ớt: nhịp thở 8 lần/phút hoặc 10 giây thở 1 lần.
  • Đau bụng, nôn nhiều, có trường hợp nôn trong khi ngủ cũng không dậy.
  • Mạch đập nhanh, da tái nhợt, chân tay lạnh toát.

III - Một số loại thực phẩm thường dùng để chăm sóc người say

Có thể chăm sóc người say rượu bằng cách dùng những thực phẩm sau:

Cháo đậu xanh: Lấy khoảng 1 nắm gạo tẻ và đậu xanh vo sạch đem vào nồi cùng 1 lít nước, đun đến khi nhừ là có thể ăn.

Cháo trắng: Lấy khoảng 1 nắm gạo tẻ vo sạch thêm nước, nên nấu loãng và bỏ thêm ít muối hoặc đường để dễ ăn.

Phở: Phở bò, phở gà dễ ăn, cung cấp nhiều nước và chất dinh dưỡng cho người say rượu.

thông tin tư vấn

DS. Lương Hưng
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại