Hồng Kim Hạnh là nữ diễn viên thể hiện vai Hơn trong phim "Thương nhớ ở ai"
Hơn là một trong những nhân vật đang gây ấn tượng và được yêu thích nhất “Thương nhớ ở ai” – bộ phim nói về thân phận cùng cực của những người phụ nữ ở làng quê Bắc Bộ khi xưa. Nhân sự thành công bước đầu của tác phẩm khi mới phát sóng, phóng viên Đời sống Plus đã có cuộc trò chuyện với Hồng Kim Hạnh xung quanh bộ phim này và vai diễn Hơn của cô.
- Xin chào Hồng Kim Hạnh! Hiện tại, bộ phim “Thương nhớ ở ai” đang rất thu hút khán giả. Cảm giác của chị như thế nào khi đón nhận niềm vui này?
- Nói về niềm vui này, Hạnh không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả cho được. Mọi người trong đoàn làm phim cứ nghĩ rằng, “Thương nhớ ở ai” đã nhập kho rồi vì phim nói về đề tài nhạy cảm, chưa kể làm hậu kỳ khó.
Hạnh được biết, các cảnh 3D lên đến khoảng 2.000 cảnh quay, kéo theo chi phí cũng tăng lên. Nhưng vấn đề đó còn dễ giải quyết so với những vấn đề khác, như phim có đề tài nhạy cảm, rồi không biết có làm ra được chất xưa hay không? Làm mà không tới, người ta xem thấy giả, cảm thấy hiện đại thì coi như bể phim.
Khi tin phim được phát sóng, niềm vui vỡ òa. Mặc dù phát vào khung giờ chiếu không được đẹp bằng giờ vàng nhưng đối với đoàn làm phim đó là một niềm vui khó tả rồi.
Hơn là người phụ nữ vất vả và chịu nhiều đau khổ, một nhân vật sâu sắc được lột tả thành công qua diễn xuất của Hồng Kim Hạnh
- Thể hiện vai người phụ nữ xưa không hề đơn giản. Để làm tốt vai Hơn, Hồng Kim Hạnh trăn trở và vật lộn với nhân vật như thế nào?
- Khi phim “Thương nhớ ở ai” chuẩn bị phát sóng, Hạnh rất bất an vì sợ mình diễn không hay, diễn không chạm đến cảm xúc người xem. Trước đây, các nhân vật mà Hạnh thể hiện được khán giả khen ngợi vì họ cảm nhận được sự chân thật, thì ở vai Hơn, họ cũng hy vọng như vậy.
Được diễn xuất một vai quan trọng không khỏi làm Hạnh lo lắng. Hạnh nghiền ngẫm kịch bản vào bất cứ lúc nào rảnh và nghĩ ra nhiều hướng diễn khác nhau để làm sao ra một cô Hơn vừa đúng theo yêu cầu kịch bản vừa là sáng tạo của riêng Hạnh.
Vì vai Hơn là người đẹp nhất làng Đông, mà Hạnh lại thấy gương mặt và hình thể của mình không phải đẹp nhất trong số các diễn viên nữ tham gia phim. Hạnh rất lo lắng vì sợ mình không làm nhân vật ra được cái chất đẹp nhất của ngôi làng. Thế là khi quay, Hạnh thỉnh thoảng lén lén bôi chút phấn cho tự tin, cho đẹp hơn xíu; nhưng việc làm đó không bao giờ qua mắt được đạo diễn Lưu Trọng Ninh.
Mỗi lần thấy hơi trắng trắng tí là anh Ninh nói: “Tôi bó tay cô này rồi. Cứ lén lén bôi phấn đúng không?”. Anh Ninh xử lý bằng cách để cho một anh trang điểm luôn cầm hộp giấy ướt, đợi đến cảnh quay của Hạnh là anh gọi vào kỳ kỳ gương mặt cho hết phấn. Anh kỳ kỹ đến mức không có phấn cũng kỳ. Bị phát hiện một vài lần khiến Hạnh bỏ cuộc và không quan tâm đến việc đó nữa. Hạnh cứ để mặc mộc vậy luôn, tập trung diễn xuất vào nhân vật mà thôi.
Trong nguyên tác văn học "Bến không chồng", Hơn là người phụ nữ khát tình; khi lên phim "Thương nhớ ở ai", Hồng Kim Hạnh biến Hơn trở nên nhiều màu sắc hơn.
Không chỉ đẹp, Hơn còn là một người phụ nữ có nội tâm sâu sắc. Một vai diễn khó và khác với những vai trước Hạnh đã thể hiện. Thế nên, Hạnh luôn ý thức được rằng, mình phải cố gắng làm hết sức vì nhân vật này.
Trong nguyên tác, Hơn là một người phụ nữ khát tình, một người chỉ cúi gầm mặt và đi, đi trên đường không dám nhìn ai, chỉ biết cúi đầu lạy và van xin. Nhưng khi lên phim Hạnh muốn diễn tả nhân vật của mình theo hướng tích cực, một cô Hơn thương chồng thương con, sâu sắc và có lòng tự trọng.
Để làm được điều đó, Hạnh đã suy nghĩ rất nhiều. Dù biết, trong kịch bản anh Ninh viết, nhân vật Hơn cũng đã có màu sắc khác so với nguyên tác, nhưng khi thể hiện Hạnh muốn diễn sâu hơn màu sắc đó, muốn lột tả chân thực những hỉ nộ ái ố của nhân vật.
Hạnh tiếc rằng khi nhân vật của mình bị cắt khá nhiều. Nếu xuất hiện đúng những gì mình đã quay, không bị cắt thì nhân vật sẽ sát sao hơn, sẽ lấy nước mắt khán giả nhiều hơn nữa.
Hạnh cũng như mọi người đều mong muốn đứa con tinh thần của mình xuất hiện một cách chỉn chu nhất, trọn vẹn nhất, chứ đâu có muốn mất phim khi mình đã bỏ cả máu và nước mắt cho nó. Hơi tiếc nhưng không sao, vì mới phát sóng ít tập đã được khán giả đón nhận rồi.
Hình ảnh hai mẹ con Hơn trong bộ phim "Thương nhớ ở ai"
- Là diễn viên miền Nam, một cô gái sinh ra và lớn lên ở miền Nam, cơ duyên nào đưa chị đến với vai diễn một người phụ nữ Bắc Bộ?
- Hạnh đến với phim “Thương nhớ ở ai” là một cái duyên không ngờ, một cái duyên có muốn tránh cũng không được. Mấy năm trước, lúc chú Nguyễn Đức Việt vào Sài Gòn tìm diễn viên cho phim mới của chú thì có vào lớp Hạnh. Chú hỏi, “ai là người hát hay nhất lớp?”. Hạnh hát không hay nhưng vẫn xung phong lên và cuối cùng Hạnh có được vai diễn trong “Em muốn là người nổi tiếng”.
Khi ra ngoài Hà Nội quay phim này, anh Lưu Trọng Ninh đến đoàn chơi vì anh với chú Việt là bạn của nhau. Khi nói chuyện với Hạnh, anh Ninh bảo rằng: “Thấy mặt cô này hay hay. Sau này chắc chắn sẽ mời cô hợp tác trong một dự án nào đó.” Suốt thời gian ấy, Hạnh mong anh Ninh sẽ gọi sớm sớm một tý vì hồi đó phim nào của anh cũng hot cả.
Mong hoài, mong hoài đến mấy năm không thấy. Lúc đó, Hạnh nói với mẹ: “Mẹ ơi, mấy lời hứa của các đạo diễn hứa với con chỉ là lời nói gió bay”.
Bẵng đi mấy năm thì nhận được cuộc gọi của anh Ninh ngỏ lời mời Hạnh tham gia phim “Thương nhớ ở ai”. Khi nghe anh Ninh nói qua về kịch bản, về nhân vật mà anh muốn Hạnh thể hiện, Hạnh đã rất vui vì cảm thấy nhân vật này hay quá.
Thế là hai mẹ con Hạnh đến gặp anh Lưu Trọng Ninh khi anh vào Sài Gòn. Anh rất ngạc nhiên khi thấy Hạnh lớn vậy rồi, đi đâu còn bắt mẹ theo cùng. Thấy vậy, anh Ninh mới bảo rằng: “Nếu đóng phim “Thương nhớ ở ai”, Hạnh phải ra Hà Nội quay, không có mẹ theo cùng thì sao?”. Mẹ Hạnh liền nhắn gửi anh Ninh luôn, nhờ anh và đoàn phim chăm sóc, chỉ bảo Hạnh giúp , vì ba Hạnh vừa mất nên tâm lý Hạnh chưa ổn định! Anh Ninh nghĩ, Hạnh hợp với vai Hạnh vì thấy rất hiếu thảo, phù hợp với nhân vật.
Phân cảnh diễn nội tâm của Hồng Kim Hạnh trong vai Hơn
Sau cuộc gặp gỡ đó, Hạnh cứ đinh ninh rằng mình sẽ được đóng vai Hạnh. Vì lúc đó anh Ninh nói Hạnh ra Hà Nội để chuẩn bị vô phim chứ anh đâu có nói là để casting tiếp.
Hạnh bay ra Hà Nội vẫn cứ mặc định mình sẽ đóng vai Hạnh. Nhưng lúc ấy, Hạnh nghe nói, có hai cô gái người miền Nam ra đó cast nhưng chỉ có một người được chọn, một người sẽ phải ra về. Vừa nghe xong chuyện này, Hạnh nghĩ: “Trời đất ơi, vừa bay ra Hà Nội casting mà phải bay về như vậy thì cảm giác mình thất bại lắm.” Cho nên Hạnh rất cố gắng và may mắn nhận được vai.
Tuy nhiên, lại có bất ngờ xảy ra khi Hạnh không được giao vai Hạnh nữa mà là nhận vai cô Hơn – một nhân vật khác xa trong trí tưởng tượng của Hạnh. Đạo diễn cũng có vẻ rất gan khi cho một gương mặt trẻ con như Hạnh vào vai một người phụ nữ như Hơn. Hạnh chưa có con, chưa có chồng nên chưa có cảm giác làm vợ, làm mẹ trong thời kỳ cải cách ruộng đất sẽ như thế nào. Vì thế tất cả đều phải tưởng tượng.
Mới mấy tập đầu, người xem đã đón nhận, thương xót Hơn khiến Hạnh rất vui. Vì như vậy, Hạnh thấy sự lựa chọn của mình và đạo diễn đã đúng.
Trích đoạn trong phim "Thương nhớ ở ai"
- Quay phim dài ngày, không tránh khỏi những gian nan và vất vả. Chị có thể chia sẻ với khán giả về những khó khăn chị gặp phải khi hóa thân vào nhân vật này?
- Suốt 4 tháng theo phim, Hạnh gần như chân trần cả ngày, chạy trên những triền đê, ôm đứa con khóc, đến mức đôi chân trần chảy toác cả máu. Ngoài ra còn bị muỗi cắn, đỉa bu, lạnh, ăn uống kham khổ… Cả phim có nguyên bộ đồ đó mặc thôi; mùi mồ hôi, nước mắt lẫn lộn trong đó. Khi mặc cái áo dính mùi đó cũng đã cảm nhận được mình là nhân vật rồi.
Điều khó nhất của Hạnh chính là giữ rắc-co cảnh khóc. Ví dụ như đang quay cảnh khóc giàn giụa ngoài bờ đê rồi bế con chạy vào trong nhà khóc tiếp nhưng đường dây nước mắt không hợp lý thì nó kỳ lắm. Nói nôm na là phụ thuộc bối cảnh, có khi quay cảnh khóc trong nhà trước, một tháng sau mới di chuyển ra ngoài bờ đê, Hạnh phải nhớ lại những gì mình đã diễn và giữ lại cảm xúc đó, làm sao cho rắc-co những giọt nước mắt hợp lý.
Hồng Kim Hạnh chịu nhiều vất vả để hoàn thành vai Hơn một cách chỉn chu nhất
- Hóa thân vào một nhân vật chịu nhiều đau khổ trong xã hội xưa, Hồng Kim Hạnh có sự đồng cảm như thế nào và có thấy bản thân mình có chút giống nhân vật không?
- Hạnh có những biến cố, khó khăn tương đồng với Hơn. Có thể nói cô Hơn mất hết tất cả thì Hạnh cũng như vậy. Lúc đó, ba Hạnh vừa mới mất nên những khi diễn cảnh Hơn đau đớn, Hạnh đều nhớ đến ba mình. Hai nỗi đau tương đồng nhau, thế nên đó đều là những cảm xúc thật, những giọt nước mắt thật.
Hạnh đã từng mổ mắt cận, giác mạc mỏng đi, bác sĩ dặn dò không được khóc nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến giác mạc nhưng Hạnh vẫn phải có gắng nhất có thể, để làm sao nhân vật của mình chân thật nhất.
Khi làm phim, chứng kiến anh Ninh dù có vấn đề về tim mạch nhưng vẫn ra trường quay, hò hét, thúc đẩy mọi người làm việc. Điều đó khiến Hạnh nể phục và càng quyết tâm cho vai diễn của mình hơn.
- Bên cạnh những lời ngợi khen dành cho “Thương nhớ ở ai”, vẫn còn các đánh giá không hay nói về phim như chuyện áo yếm của các nữ nhân vật trong phim. Hạnh có ý kiến gì về những điều này?
- Hạnh chỉ nghĩ là, tại sao mọi người không tập trung vào phim mà cứ nhìn vào tiểu tiết? Mà khi mọi người tập trung vào vấn đề này quá thì không coi đến nội dung nữa, sẽ không thấy hết giá trị đẹp của tác phẩm. Như vậy tội nghiệp cho phim lắm.
Bây giờ mọi người đã hiểu vì sao, tất cả các diễn viên nữ đều mặc áo yếm rồi và họ chấp nhận điều đó.
Hơn của Hồng Kim Hạnh đang là nhân vật nhận được sự yêu mến lớn của khán giả
- Hồi trước Hạnh cast vai trong phim “Trái tim bé bỏng” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thì Hạnh thẳng thừng nói rằng sẽ không diễn được cảnh nóng nếu được chọn vai chính! Đến phim “Thương nhớ ở ai” mặc áo yếm, Hạnh vẫn có chút ngại ngùng. Sau này, Hồng Kim Hạnh có sẵn sàng nhận lời thể hiện những vai diễn nhiều cảnh nóng hơn thế không?
- Hạnh nghĩ rằng, đến một thời điểm nào đó mình sẽ phải thay đổi. Hạnh đã gần 30 tuổi rồi, Hạnh biết cái nào đúng cái nào sai, cái nào cần làm và không nên làm.
Đến tuổi này cũng đã muộn rồi đó, nhiều người đóng cảnh nóng từ khi họ mới hai mươi, thậm chí chưa đến hai mươi tuổi. Như diễn viên Jane March đóng phim “Người tình” khi chỉ mới mười mấy tuổi.
Ngày trước thì Hạnh còn ngại nhưng bây giờ đến tuổi này Hạnh không ngại nếu cảnh nóng đó phù hợp và cần thiết cho bộ phim.
Hồng Kim Hạnh sở hữu nét đẹp thuần khiết nhưng lại có lối diễn xuất biến hóa trong vai Hơn đa chiều
- Hồng Kim Hạnh có kỷ niệm nào chia sẻ với khán giả về suốt thời gian đóng phim “Thương nhớ ở ai”?
- Thời gian đóng “Thương nhớ ở ai” có nhiều kỷ niệm mà Hạnh sẽ rất nhớ, nhất là những khi dừng quay vào buổi tối thì mọi người cùng ca hát. Anh Lâm Vissay có cây đàn ghi ta, mỗi khi thấy mọi người mệt thì anh bắt đầu đàn hát và mọi người hưởng ứng theo.
Dù điều kiện làm phim khó khăn khi địa điểm quay ở các ngôi làng xa trung tâm và không có gì để giải trí Anh chị em trong đoàn vui chơi bên nhau bằng các bài hát. Những lúc tám chuyện trên trời dưới đất là những kỷ niệm không thể quên với Hạnh, bởi khi xa nhà mà được sống bên cạnh những người bạn tình cảm như vậy, cảm xúc thật ấm áp.
Xin cảm ơn Hồng Kim Hạnh!