Thứ ba, 03/12/2024 | 12:46
RSS

Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh: Tôi mê đắm "Thương nhớ ở ai" ngay từ phút đầu chạm tay vào kịch bản

Thứ ba, 14/11/2017, 10:11 (GMT+7)

Chia sẻ với PV Đời sống Plus, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh – một trong số hai đạo diễn của bộ phim Thương nhớ ở ai cho biết, anh bị mê đắm ngay từ phút đầu tiên chạm tay vào kịch bản.


Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh đang chỉ đạo diễn viên diễn xuất.

Mặc dù mới lên sóng được 4 tập, nhưng bộ phim truyền hình Thương nhớ ở ai đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả bởi nội dung khá hấp dẫn. Phim khắc họa thành công thân phận éo le của những người phụ nữ nông thôn trong thời kỳ chiến tranh ở một làng quê Bắc Bộ điển hình. Họ không những phải chịu nỗi đau mất mát người thân mà còn bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến, hủ tục hà khắc; thậm chí phải đè nén, chôn giấu những khát khao hạnh phúc cá nhân. 


Một cảnh trong phim Thương nhớ ở ai.

Tuy nhiên, Thương nhớ ở ai cũng khiến dư luận nổ ra không ít tranh cãi, trong đó có việc nữ diễn viên không mặc nội y khi lên sóng truyền hình. Nhiều người cho rằng, việc dàn diễn viên nữ không mặc nội y, để lộ bầu ngực sau lớp yếm mỏng quá lộ liễu và phản cảm, thậm chí là không phù hợp với một bộ phim về đề tài nông thôn.


Việc diễn viên nữ phim Thương nhớ ở ai chỉ mặc áo yếm mỏng manh khi lên sóng truyền hình khiến dư luận dậy sóng.

Trước những lùm xùm trên, trao đổi với PV Đời sống Plus, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh – một trong 2 hai đạo diễn Thương nhớ ở ai cho rằng, khán giả đang áp đặt một quan niệm quá khắt khe, thậm chí là chưa đúng về phục trang của các nhân vật nữ trong phim.

“Trước hết tôi thấy việc nói diễn viên nữ không mặc nội y khi lên sóng truyền hình là sai. Yếm của phụ nữ không gọi là nội y thì gọi là gì? Đó chính là nội y của phụ nữ ở những thập kỷ trước. 


Trích đoạn trong Thương nhớ ở ai.

Đây không phải một vở kịch sâu khấu để có thể tưởng tượng ra một không gian ảo hay cường điệu hóa diễn xuất của diễn viên lên. Chúng tôi làm phim và đây là một bộ phim tái hiện lại không gian, bối cảnh, nhân vật, không khí của một thời kỳ trong quá khứ. Vì thế, chúng ta phải tôn trọng tính chân thực. Trong đó, nhân vật là trung tâm. Nếu nhân vật không chân thực thì làm sao chúng ta có thể có được câu chuyện chân thực được? Và khi một bộ phim không tôn trọng tính chân thực thì bộ phim đó không bao giờ mang lại được cảm xúc cho người xem?

Tôi muốn hỏi mọi người rằng, phụ nữ thời kỳ đó ngoài lớp áo yếm ra, họ có mặc thêm cái gì bên trong không? Chắc chắn là không. Vậy mặc yếm đẹp không? Tôi cho rằng rất đẹp. Một cái đẹp mộc mạc, thuần khiết không tô vẽ. Nếu như bạn cho rằng mặc yếm là phản cảm thì bạn đang lên án cả một thế hệ phụ nữ trong quá khứ. Điều này đồng nghĩa với việc lên án tất cả các bà các cô của mình trước đây, họ đều ăn mặc phản cảm đấy!" - đạo diễn Bùi Thọ Thịnh nói.


Một cảnh trong phim Thương nhớ ở ai.

Cũng theo đạo diễn Bùi Thọ Thịnh, quan niệm về cái đẹp hay sự phản cảm còn phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa, nhận thức và quan niệm của mỗi người. Giống như nhìn vào bức tranh nghệ thuật vẽ một cô gái đẹp. Có người sẽ nhìn ra những đường cong nghệ thuật trên cơ thể, nét mặt thanh tú, đôi mắt có hồn, những mảng miếng ánh sáng hay sự hoàn hảo về bố cục... Nhưng có những người chỉ nhìn thấy sự trần trụi, những nhục dục thô thiển, ham muốn thấp hèn.


Diễn viên Thanh Hương vào vai Nương trong Thương nhớ ở ai.

"Cái ranh giới này cũng rất mong manh đối với các nhân vật nữ trong phim Thương nhớ ở ai. Nhưng ở đây chúng tôi muốn tôn vinh những cái đẹp, một cái đẹp mộc mạc và chân thực rồi đặt những nhân vật đó vào những câu chuyện về tình người, về lòng trắc ẩn và đầy tính nhân văn chứ không phải dẫn dắt mọi người vào những thứ để mua vui rẻ tiền hay nhục dục thô thiển"- đạo diễn Bùi Thọ Thịnh bày tỏ.

Anh cũng cho biết thêm: “Trong khâu hậu kỳ, chúng tôi bao giờ cũng cân nhắc trước sau. Đối với những cảnh mặc áo yếm, chúng tôi luôn lưu ý chỉnh sửa, tiết chế các khuôn hình sao cho vừa giữ được không khí, tôn trọng tính chân thực của phim lại vừa khiến khán giả không bị “nhức mắt””.


Một cảnh trong phim Thương nhớ ở ai.

Là một trong hai đạo diễn Thương nhớ ở ai, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh chia sẻ, bản thân anh bị Thương nhớ ở ai làm mê đắm ngay từ lần đầu tiên chạm tay vào kịch bản.

“Tôi từng đọc rất nhiều kịch bản. Nhưng khi chạm đến Thương nhớ ở ai, tôi bị cuốn hút ngay lập tức và tự nhủ: “kịch bản như vậy mà mình không làm thành một phim hay thì sẽ là một tội rất lớn”. Kịch bản này quá quá nhiều đất cho các đạo diễn thi thố tài năng. Đường dây câu chuyện mạch lạc, nhiều tình tiết éo le, chi tiết đắt giá, lời thoại ngắn gọn, cô đọng, xúc tích đầy ẩn ý. Kịch bản còn xây dựng lên một hệ thống nhân vật sắc nét đầy cá tính và tạo ra những thân phận đặc biệt vô cùng.

Một điều khiến tôi rất háo hức nữa là nội dung kịch bản mở ra cho tôi một kho âm nhạc dân tộc như: hát Chèo, hát Quan họ, hát Xẩm, hát Xăn, hát Ca trù, những điệu ru ngọt ngào của vùng đồng bằng Bắc bộ. Âm nhạc đân tộc cũng chính là sở trường của tôi nên đây chính là bộ phim tôi sẽ được thử sức về vốn âm nhạc của mình".


Một cảnh quay trong phim Thương nhớ ở ai.

Cũng theo đạo diễn Bùi Thọ Thịnh, mặc dù kịch bản tốt, nhưng để làm nên một bộ phim truyền hình hay là điều không hề đơn giản. Thậm chí, khâu chọn diễn viên như thế nào cũng khiến các đạo diễn phải đau đầu. Bởi lẽ, thông thường các phim truyền hình khác, để “an toàn”, đạo diễn thường sử dụng các diễn viên có tên tuổi  vì khán giả phần nhiều đều thích những gương mặt nổi tiếng.

Thế nhưng, tiêu chí của Thương nhớ ở ai là phải tôn trọng tính chân thực mà theo đạo diễn Bùi Thọ Thịnh, phần lớn các diễn viên nổi tiếng thường phù hợp với những nhân vật của thời hiện đại hơn. Do vậy, đoàn làm phim quyết định "liều". Đó chính là đi tìm những nhân vật cho phim chứ không phải đi tìm diễn viên.


Một cảnh trong phim Thương nhớ ở ai.

“Dàn diễn viên Thương nhớ ở ai đa phần là những “tay ngang”, những người không chuyên, hoặc có chăng những diễn viên chuyên nghiệp cũng chỉ là những gương mặt chưa thực sự nổi tiếng. Vì vậy, trước khi bấm máy, chúng tôi phải gửi họ đến những khóa đào tạo cấp tốc. Thế nhưng, chính chúng tôi cũng ngạc nhiên vì sự lột xác của họ qua từng tập phim. Khi diễn, nhiều người đã thực sự hòa mình vào với cái hồn, cái cốt của nhân vật và tạo nên những nét riêng có, không lẫn vào đâu được”.


Một cảnh trong phim Thương nhớ ở ai.

Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện Thương nhớ ở ai, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh cho biết, không chỉ ở khâu chọn diễn viên, đoàn làm phim cũng đã gặp phải rất nhiều trắc trở trong khâu chọn bối cảnh, thực hiện kỹ xảo, hậu kỳ… Chỉ riêng khâu chọn bối cảnh, đoàn làm phim đã phải mất 1 tháng trời rong ruổi khắp các vùng quê, từ Bắc Ninh, Hải Dương… đến Nghệ An, Hà Tĩnh. Mỗi cây đa, bến nước, sân đình… xuất hiện trong phim là cả sự kỳ công của hàng chục con người trong đoàn làm phim. 

Không chỉ vậy, việc xây dựng kỹ xảo trong phim cũng là một cuộc cách mạng lớn đối với phim truyền hình Việt Nam Theo tiết lộ của đạo diễn Bùi Thọ Thịnh, Thương nhớ ở ai sử dụng tới gần 2.000 kỹ xảo nhằm phục dựng những bối cảnh nông thôn không còn nguyên vẹn sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa. 

“Đối với những nước khác, công nghệ này không mới. Nhưng ở phim truyền hình Việt Nam, nó còn rất mới mẻ. Điều này khiến chúng tôi rất lo lắng và nó ngốn mất của ê-kíp 2 năm. Thế nhưng khi bộ phim hoàn thành, chúng tôi hoàn toàn có thể tự hào rằng sau này mình sẽ đủ sức làm được những bộ phim tốt hơn Thương nhớ ở ai”.


Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh (trái) và đạo diễn Lưu Trọng Ninh (phải) phối hợp rất ăn ý trong Thương nhớ ở ai.

Chia sẻ với PV Đời sống Plus, đạo diễn Bùi Thọ Thịnh cũng bật mí, đây là lần đầu tiên anh hợp tác với đạo diễn Lưu Trọng Ninh trong vai trò đồng đạo diễn. Và nếu như ở những bộ phim khác, các đạo diễn rất khó tìm được tiếng nói chung thì trong Thương nhớ ở ai lại hoàn toàn ngược lại.

“Thông thường, các đạo diễn ít khi có tiếng nói chung khi làm việc cùng nhau bởi những người làm nghệ thuật có cái tôi rất cao. Nhưng ở phim này, cả tôi và anh Ninh đều tìm ra sự đồng điệu rất lớn. Trong quá trình làm việc, nếu anh Ninh thấy tôi có điểm gì mạnh, anh ấy sẽ lùi lại để tôi phát huy, và ngược lại. Chúng tôi luôn lắng nghe nhau, bàn bạc với nhau mọi vấn đề và cùng đắm mình vào bộ phim. Chính vì vậy, mà tôi cũng học hỏi được rất nhiều từ người đàn anh đi trước này” – đạo diễn Bùi Thọ Thịnh tâm sự.

Một đoạn trích trong Thương nhớ ở ai.

Thanh Hà
Theo Đời sống Plus/GĐVN