Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:50
RSS

Hơn 2 triệu người chết vì Covid-19, sốc với tổng số ca nhiễm

Thứ bảy, 16/01/2021, 13:37 (GMT+7)

Những kỷ lục buồn liên quan tới số người nhiễm và chết vì Covid-19 đã xuất hiện chỉ hơn một năm sau khi virus gây bệnh được phát hiện ở Trung Quốc.

Sự kiện:
Covid-19


Số người chết vì covid-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 2 triệu. Ảnh: Reuters

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) hôm 15/1 (giờ địa phương), thế giới có ít nhất 2.000.905 người chết vì Covid-19 và hơn 93 triệu người nhiễm bệnh. 

Cột mốc gây sốc này được ghi nhận sau hơn một năm, kể từ khi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc Nó cũng diễn ra trong bối cảnh chính phủ các nước đang tung ra các vắc-xin được phát triển với tốc độ chóng mặt, nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan. 

Số người chết mới nhất vì Covid-19 tương đương với dân số của nhiều thành phố như Brussels (Bỉ), Mecca (Ả-rập Saudi), Minsk (Belarus) hay Vienna (Áo). Và chỉ mất 8 tháng để đạt tới cột mốc 1 triệu người chết vì Covid-19. 

Tuần trước được xem là tuần chết chóc nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, với trung bình hơn 13.600 người chết mỗi ngày trên toàn thế giới, tăng 20% so với tuần trước. 

Châu Âu trở thành tâm dịch kể từ tháng 10/2020, chiếm 1/3 số ca tử vong trên toàn cầu. 52 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc "lục địa già" ghi nhận trung bình 5.570 ca tử vong mỗi ngày, cao hơn 17% so với một tuần trước đó. 

Theo Đại học Johns Hopkins, Mỹ (389.581 ca), Brazil (207.095 ca), Ấn Độ (151.918 ca), Mexico (137.916 ca), Anh (87.295) và Ý (81.325 ca) là những nước có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, chiếm hơn một nửa tổng số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu. 

Về quốc gia có nhiều người chết vì Covid-19 nhất trên một triệu dân, Bỉ đang dẫn đầu với 1.751 ca, theo sau là Slovenia và Bosnia-Herzegovina với lần lượt là 1.501 ca và 1.344 ca. 

Dù các con số trên đều dựa trên số liệu do chính phủ các nước cung cấp nhưng các chuyên gia cho rằng, con số thực tế còn cao hơn nhiều, một phần do việc lấy mẫu xét nghiệm không được triển khai hàng loạt và nhiều ca tử vong được nhận định nhầm là chết vì nguyên nhân khác, nhất là ở giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát. 

 Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres, nói trong cay đắng: "Đằng sau con số khủng khiếp này là những cái tên, gương mặt và nụ cười sẽ chỉ còn là ký ức, chiếc ghế trống vắng bên bàn ăn, căn phòng lạnh tanh thiếu vắng hơi ấm của những người thân yêu".

Ông Guterres cho rằng, các số liệu ngày càng lớn hơn vì thiếu sự phối hợp toàn cầu. "Khoa học đã thành công nhưng chúng ta lại thất bại trong việc đoàn kết". 

Nguyễn Thái - Tổng hợp
Theo Dân Việt