Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:46
RSS

Hơn 1 triệu người dân được tư vấn, khám bệnh miễn phí

Thứ năm, 14/11/2024, 17:51 (GMT+7)

Đó là kết quả mà ‘Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng và chương trình Careme 2024’ đã đạt được.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Nguyễn Hữu Tú.

Chiều 13/11, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức tổng kết Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024 và chương trình Careme 2024; tọa đàm “Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh”.

Dự và chủ trì họp báo có GS.TS Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Hữu Tú, Uỷ viên BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; cùng lãnh đạo, quản lý một số bệnh viện, đơn vị, các em sinh viên ngành Y và đội ngũ thầy thuốc trẻ tham gia với hình thức trực tuyến.

Theo đó, hành trình đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho thanh, thiếu nhi và người dân có hoàn cảnh khó khăn, như: Chương trình Careme - Khám sàng lọc bệnh tim mạch - thận - chuyển hóa; chuyển đổi số vì sức khỏe phổi; chương trình Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn; sống khỏe mỗi ngày; hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Yagi; các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng...

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, xu hướng trẻ hóa của các bệnh mạn tính đang trở thành mối lo ngại lớn cho sức khỏe cộng đồng. Đáng lo ngại, hiện nay, những bệnh này ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi.

Theo thống kê, 10% người bị đột quỵ thuộc độ tuổi 18-35; tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi mắc cao huyết áp đang gia tăng, chiếm khoảng 5-12%; ngày càng nhiều trường hợp dưới 20 tuổi mắc bệnh đái tháo đường; mỗi năm thêm 8,000 người mắc suy thận mới, bao gồm người trẻ dưới 30 tuổi.

Các yếu tố nguy cơ chính góp phần gia tăng bệnh không lây nhiễm bao gồm hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn không lành mạnh và thiếu hoạt động thể chất.

Theo số liệu tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đáng chú ý, 8% học sinh 13-15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử. Ước tính, mỗi năm chi phí liên quan đến hút thuốc lá tại Việt Nam là 1,08 tỷ USD, bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe và mất năng suất lao động.

Trong khuôn khổ chương trình, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức tọa đàm “Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh”.

Các đại biểu trao đổi tại toạ đàm.

Đại diện các bệnh viện, cơ sở y tế đã nêu các đề xuất để Quốc hội kịp thời ban hành quy định cấm toàn diện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; phát huy vai trò của thầy thuốc trẻ trong cộng đồng, tuyên truyền những thông điệp của ngành Y tế để giới trẻ hiểu được tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Đồng thời, đề xuất áp thuế 40% với các mặt hàng đồ uống có hàm lượng đường cao. Giải pháp này sẽ góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, tăng thu cho ngân sách, giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe với các bệnh có liên quan, giảm tổn thất năng suất lao động về dài hạn.

Trang Hà
Theo Giáo dục & Thời đại