Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:54
RSS

Hồi hộp chờ điểm thi lớp 10

Chủ nhật, 23/06/2024, 09:58 (GMT+7)

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay Hà Nội có hơn 2.100 giáo viên được huy động làm nhiệm vụ chấm thi. Theo kế hoạch, công tác chấm thi sẽ hoàn thành vào ngày 23/6.

Hồi hộp chờ điểm thi lớp 10

Thí sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2024 - 2025. Ảnh: Lam Nhi.

Điều quan tâm đối với nhiều thí sinh và phụ huynh đó là với số lượng bài thi Ngữ văn lên tới hơn 105.000, việc huy động giáo viên Ngữ văn tham gia chấm thi sẽ rất lớn. Liệu có xảy ra việc chấm lỏng, chấm chặt hay không, nhất là năm nay đề thi được đánh giá có độ mở hơn những năm trước. Như vậy, với quan điểm khác nhau, liệu có độ vênh trong chấm thi môn Ngữ văn hay không?

Lý giải về quy trình chấm thi môn Ngữ văn, đại diện Sở GDĐT thông tin Ban chấm thi tự luận sau khi nhận hướng dẫn chấm thi, phiếu chấm sẽ thực hiện chấm các bài thi tự luận. Đối với chấm thi tự luận, trong thời gian chấm thi, trưởng ban chấm thi phải báo cáo kết quả chấm thi về sở GDĐT cuối mỗi ngày.

Với bài thi tự luận môn Ngữ văn, mỗi bài thi được chấm bởi 2 cán bộ độc lập. Cán bộ chấm thi lần thứ nhất chấm bài thi và chỉ ghi điểm trên phiếu chấm. Cán bộ chấm thi lần thứ hai chấm trên bài thi, ghi điểm từng ý tương ứng và tổng từng câu bên lề của tờ giấy thi, đồng thời ghi điểm từng câu vào phiếu chấm lần thứ 2.

Ngoài ra, để đảm bảo chấm chặt chẽ, khách quan, quy chế cũng quy định sẽ có người chấm kiểm tra lại một số bài đã được chấm. Theo đó, sẽ rút ngẫu nhiên một số bài/một số túi hoặc chọn những bài có điểm thi chênh lệch nhau giữa 2 cán bộ chấm trước đó để chấm kiểm tra.

Theo quy định, tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, phòng chấm thi tự luận đều có camera giám sát 24/24 bảo đảm bao quát được toàn bộ hoạt động trong phòng; hệ thống camera không được kết nối internet và chỉ được kết nối bằng hình thức hữu tuyến (có dây) tới màn hình hiển thị (nếu có); phải có bộ lưu điện dự phòng, bảo đảm hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới...

Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ, số lượng giám khảo tham gia chấm rất đông nên đơn vị quán triệt từ đầu phải đảm bảo nghiêm túc, công bằng và chấm theo ba - rem điểm. Các thầy cô chấm thi cũng được hướng dẫn quy trình các bước và tuân thủ để hạn chế thấp nhất sai sót ở các khâu rọc phách, ghép phách, ghép điểm...

Từ ngày 24/6, Sở GDĐT Hà Nội tổ chức ghép điểm xét tuyển cho từng thí sinh; in phiếu báo kết quả thi cho từng thí sinh; đồng thời cấp phiếu báo kết quả thi cho các phòng GDĐT quận, huyện, thị xã.

Theo kế hoạch, chậm nhất ngày 2/7, Sở GDĐT Hà Nội sẽ công bố điểm bài thi các môn của thí sinh trên Cổng thông tin điện tử của Sở, Cổng tuyển sinh đầu cấp của thành phố.

Sau khi công bố điểm bài thi, từ ngày 3-9/7, thí sinh có nguyện vọng nộp đơn phúc khảo sẽ nộp tại trường phổ thông - nơi học lớp 9.

Từ ngày 6-9/7, Sở GDĐT Hà Nội sẽ công bố điểm chuẩn vào lớp 10 tại các trường. Căn cứ tình hình thực tế của công tác chấm thi, thời gian công bố điểm thi, điểm chuẩn có thể được điều chỉnh.

Năm nay, kỳ thi Tuyển sinh lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2024 - 2025 của Hà Nội có hơn 105.000 thí sinh dự thi. Các thí sinh làm 3 bài thi gồm Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán. Dự kiến, 81.200 học sinh được tuyển vào trường THPT công lập, số học sinh còn lại sẽ học tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường nghề.

Hàn Minh
Theo báo Đại đoàn kết