CEO Tân Hiệp Phát trân trọng ký sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” đề tặng bạn đọc.
Trong khi những bạn bè đồng trang lứa tìm kiếm cơ hội công việc ở các tập đoàn lớn, Nguyễn Quang Huy (SN 1986, Hà Nội) lao vào thị trường để tự mình đương đầu khó khăn, khi quyết định mở startup chuyên về công nghệ (lập trình phần mềm, thiết kế website…). Ở vị trí CEO, nhưng vốn là một người cầu toàn, Huy không yên tâm giao phó tất cả công việc vào tay các “Tổ trưởng” – manager của từng nhóm nhân sự.
Huy thường hì hục thêm – bớt, sửa chữa mã code và nội dung giới thiệu website của công ty sao cho bắt mắt, ấn tượng nhất. Rồi Huy lại xem chi tiết từng dự án lập trình phần mềm của công ty, như một lập trình viên “n+1” của mỗi dự án. Cho tới việc rất không liên quan như… chọn mua chiếc bàn của lễ tân đặt dưới tầng 1 của văn phòng, Huy cũng tự tay quyết định sẽ mua mẫu nào, của nhà sản xuất nào… Dường như, việc tham gia trực tiếp vào từng công việc mang lại cho anh cảm giác yên tâm, rằng phải vậy thì các việc mới “chuẩn”, có hiệu quả. Bản thân Huy cũng thấy mình thể hiện được trách nhiệm, cái uy và sự nhiệt tình trong công việc, qua đó thúc đẩy các nhân viên trong công ty đi theo xu hướng tích cực.
Nhưng càng làm, công ty của Huy càng thể hiện sự hụt hơi đáng báo động, thể hiện qua bảng doanh thu hằng quý, hằng năm. Tại sao có một CEO cầu toàn, kỹ tính trong từng công việc chi tiết như vậy mà công ty của Huy lại ngày càng đuối sức trên thị trường?
“Bởi cuối cùng, tôi nhận ra công việc của mình không phải là lãng phí thời gian vào những thứ quá chi tiết. Trong khi các đối thủ dành thời gian làm chiến lược, chuyển đổi mô hình cục bộ cho tới toàn phần để thích nghi và tập trung rất mạnh vào mảng kinh doanh với nhiều hình thức tiếp thị sáng tạo thì tôi vẫn ngồi đó kiểm tra từng dòng code, tối ưu từng mã lệnh. Đó là sự sai lầm!”, Huy thừa nhận.
Và tệ hơn nữa, những người phụ trách dưới quyền Huy thay vì cảm thấy được truyền động lực thì lại tỏ ra bức bách với sự can thiệp quá sâu, quá chi tiết của người đứng đầu công ty. Tất cả khiến cho một dự án startup tràn đầy tiềm năng với những nhân sự có năng lực trở nên mong manh và hoàn toàn có thể thất bại bất kỳ khi nào. Nếu điều tiêu cực đó xảy ra, chắc chắn CEO Nguyễn Quang Huy sẽ là người cảm thấy nuối tiếc và tự trách mình nhiều nhất…
Sự tương đồng trong tư duy quản trị của CEO Tân Hiệp Phát, Microsoft là những bài học kinh nghiệm quý
Có người sẽ bật cười khi đọc câu chuyện về Nguyễn Quang Huy và công ty của anh, nhưng đây lại là tình huống hoàn toàn không hề hiếm gặp. Vì startup chỉ có thể thành công khi người đứng đầu đủ nhiệt huyết chèo lái con thuyền mới đóng vượt qua bão táp, song nếu nhiệt huyết này bị đặt nhầm chỗ, đó thực sự là một cơn bão ngay trên bánh lái…
Chính vị tỉ phú Bill Gates – nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn phần mềm Microsoft – từng bị rơi vào “bẫy sai lầm” như vậy. Khi Bill Gates mới thành lập công ty, ông không chỉ là người lập trình chính mà còn đảm nhận cả việc đọc, soát lỗi và viết lại code của nhân viên vì không tin tưởng bất cứ ai. Tới khi Microsoft phát triển vượt bậc, Bill Gates vẫn giữ thói quen theo đuổi sự hoàn mỹ, quản lý quá chặt chẽ cả những việc nhỏ nhặt, tới mức ông tự mình phỏng vấn ứng viên để tìm kiếm nhân tài. Chỉ như vậy, nhưng thói quen này đã làm hại Microsoft đáng kể, khi toàn bộ quá trình tuyển dụng và vận hành công việc bị chậm lại.
Mặc dù nhận ra vấn đề, nhưng vị tỉ phú gặp rất nhiều khó khăn để từ bỏ thói quen xấu này. Và cuối cùng, ông đã phải nhờ tới người bạn thân cùng học đại học là Steve Ballmer giải quyết.
Trái ngược với Bill Gates, Steve Ballmer tuyển dụng những người xuất sắc và tổ chức bộ máy nhân sự hợp lý, trong đó giao phó công việc cho các quản lý một cách xứng đáng. “Microsoft chỉ có thể thành công khi tôi học được cách tin tưởng vào người khác”, Bill Gates đã đúc kết như vậy. Và Bill Gates cũng từng nói: “Thành công là một người thầy tồi. Nó khiến cho những người thông minh nghĩ rằng mình không thể thất bại”.
Tại Việt Nam khi được hỏi làm sao để trở thành một CEO hiệu quả, ông Trần Quí Thanh – nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát – đã khẳng định rõ: “Muốn hiệu quả, CEO đừng làm thay việc của manager!”. “Người lãnh đạo mệt mỏi, rối rắm, lúng túng là người hay đòi làm thay việc của người khác. Có nhiều người với vị trí là CEO, nhưng cái gì cũng sợ cấp dưới làm không tốt, phải bắt tay vào mới yên tâm. Như vậy, không chỉ chuốc rắc rối vào mình, mà nguy hiểm hơn là làm cho cấp dưới chán nản, không muốn suy nghĩ, sáng tạo. Họ cho rằng, cái gì CEO cũng biết, cũng sẽ “thò tay vào” thì họ sẽ không muốn làm gì khác với cách suy nghĩ của sếp”, ông Trần Quí Thanh chỉ rõ.
Thay vào đó, người đứng đầu Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, CEO giỏi phải là người giữ đúng vị trí của mình, là lãnh đạo cao nhất, đưa được mục tiêu, tầm nhìn chiến lược và truyền cảm hứng đến toàn công ty. CEO cũng là người thu hút, tập hợp được mọi người, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau và say mê cống hiến, là người tạo nên sự tin cậy cao nhất và mang lại niềm lạc quan cho nhân viên.
“Hãy tìm người giỏi, bổ nhiệm người đứng đầu từng bộ phận, tin cậy giao việc cho họ. Yêu cầu công việc đến cấp nào thì để cho người đứng đầu của cấp đó toàn quyền điều hành, chỉ báo cáo kết quả. Và đừng quên, muốn là CEO thành công, thì cần phải có người giỏi, được ủy quyền và cơ chế ủy quyền. Đây là sự đúc kết qua một quá trình và là chìa khóa dẫn tới thành công!”, ông Trần Quí Thanh chia sẻ những kinh nghiệm, bí quyết quản trị từng giúp Tân Hiệp Phát vươn lên từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành một tập đoàn tư nhân hàng đầu quốc gia luôn mang khát vọng và ý chí vươn ra biển lớn.
Sự tương đồng trong tư duy quản trị của Microsoft, Tân Hiệp Phát là những bài học kinh nghiệm quý cho người đứng đầu những dự án, doanh nghiệp startup muốn đủ sức đi đường dài.
“Vai trò của tôi là một nhà lãnh đạo và quản lý. Tôi tuyển dụng những người có kinh nghiệm và muốn đảm bảo rằng họ có chung chí hướng và có thể hợp tác tốt với chúng tôi. Nếu bạn muốn tạo ra sự ảnh hưởng thì việc giao phó trách nhiệm cho người khác là vô cùng quan trọng. Tôi không trả lương cao cho nhân viên, nhưng ai nấy đều thấy khoan khoái vì có cảm giác rằng mình là người đang thay đổi thế giới”. Tỉ phú Bill Gates (Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn phần mềm Microsoft) “Khi chúng tôi chuyển nguồn lực, tài sản cho người lao động thì người lao động, nhất là lãnh đạo các bộ phận phải có trách nhiệm với nó và cùng chúng tôi phát triển. Khi các bạn có đủ sức, chúng tôi sẽ giao mở rộng thêm, tùy theo năng lực của từng người. Thu nhập của các bạn cũng cao hơn”. Ông Trần Quí Thanh (Nhà sáng lập và Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát) |