Thứ sáu, 29/03/2024 | 11:46
RSS

"Hồ sơ ác thú" của "cậu Giời" đất Cảng với sở thích gặp đâu bắn đấy

Thứ bảy, 10/06/2017, 07:00 (GMT+7)

Gã tướng cướp đất Cảng và đồng bọn đã gây ra những tội ác tày đình để đến tận bây giờ người dân Hải Phòng vẫn chưa thể quên đi nỗi ám ảnh này.

LTS: Mười năm, quãng thời gian chưa đủ dài để dân Hải Phòng có thể quên đi những tội ác tày đình mà gã tướng cướp đất Cảng có tên Phạm Đình Nên (Cu Nên) cùng đồng bọn đã gây ra. Chính vậy mà ngôi nhà 3 tầng đồ sộ ở phố Lạch Tray giờ tuy đã thành cửa hàng bán điện thoại di động khang trang nhưng luôn vắng khách. Có lẽ, chẳng ai muốn nhớ lại “một thời buồn đau” của thành phố mình nên cửa hàng cũng bị… vạ lây mà ít khách vào, ra. Ngôi nhà ấy chính là sào huyệt của băng nhóm tội phạm khét tiếng nhất Hải Phòng do tên Phạm Đình Nên (Cu Nên) cầm đầu ngày nào. “Sống cùng thời” với các “hảo hán” tiếng tăm như Lâm “già”, Dung “Hà” nhưng với bản tính “chó điên” (biệt hiệu của Cu Nên), coi mạng người như rẻ rách, động việc gì cũng điên cuồng giải quyết bằng súng ống, kiếm lê nên cu Nên là nỗi kinh hoàng không chỉ với những người lương thiện mà còn là nỗi hãi hùng với ngay cả đám anh chị giang hồ.

Gã tướng cướp đất Cảng về từ trại tị nạn

Không có bút mực nào có thể tô vẽ được đầy đủ bức chân dung tội ác của Phạm Đình Nên bởi cho đến giờ phút này, chưa có một tên tội phạm nào ở Hải Phòng có thể phá nổi kỷ lục về số tội danh bị truy tố trong một phiên toà mà y đã “đóng đinh” để lại.

Tướng cướp đất Cảng

Gã tướng cướp đất Cảng Cu Nên và đồng bọn

Nên là con trai út trong một gia đình có 4 chị em. Anh trai Nên đã hy sinh ở chiến trường, vậy nên, “cậu út” đã được gia đình hết mực cưng chiều. Chính sự chiều chuộng thái quá này mà Nên hư hỏng. 13 tuổi (1970), Nên đã bị công an quận Lê Chân bắt vì tội trộm cắp. Được gia đình bảo lãnh, Nên được tha nhưng chứng nào tật ấy, nên cuối năm đó Nên bị cưỡng chế đi Trường phổ thông Công nông nghiệp Xuân Nguyên để tập trung cải tạo.

Xót con, cải tạo được hơn 2 tháng, mẹ Nên lại làm đơn rồi khóc lóc bảo lãnh y về. Lại tiếp tục là một đứa con bất trị với hàng loạt các vụ việc vi phạm pháp luật trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng tổ chức đánh bạc, trộm cắp tài sản công dân, gây gổ đánh nhau nên tháng 9/1980, Nên bị bắt. Tháng 4/1981, y lại được tha.

Có lẽ, trong “lịch sử” tội phạm Hải Phòng, chưa có từng có tên tội phạm nào lại có máu lưu manh ngấm sâu như Phạm Đình Nên. Như hổ dữ về rừng, ra trại, ngay lập tức Nên điên cuồng cuốn mình vào vòng xoáy tội lỗi. Cướp giật trên tàu hoả (1982), giả danh công an vào một cửa hàng bán đồ điện tử “tịch thu” 12 chiếc ti vi (1984), tổ chức buôn hàng cấm và chống người thi hành công vụ (1985)… Với những tội lỗi trên, năm 1986, Phạm Đình Nên lại lần thứ hai khăn gói vào tù.

Ra trại vào cuối năm 1987, thấy “khó sống” ở Hải Phòng, Nên tìm đường vượt biên sang Hồng Kông. Để rảnh chân “bôn tẩu giang hồ”, y đã một mực xin ly hôn với vợ dù 2 đứa con vẫn còn thơ dại. Năm 1988, chuyến vượt biên sang “mảnh đất găng-tơ” đã không hoàn hảo như Nên nghĩ, y bị đưa vào trại tị nạn dành cho những người vượt biên trái phép. Tuy vậy, chưa đầy 2 năm ở trại tị nạn này, Nên đã kịp để lại “dấu ấn” của mình.

Tổ chức đàn em thanh trừng đẫm máu những băng đảng chống đối và chính từ những cuộc đâm chém đó, Phạm Đình Nên đã thu nạp được một số “đầu gấu” là tội phạm hình sự từ Việt Nam dạt sang như Đinh Đình Tuyển, Vũ Quang Dũng…

Tháng 12/1989, thấy đã đủ lông cánh, Nên đã đưa vợ mới cưới cùng đám đầu trâu mặt ngựa về lại Hải Phòng. Giang hồ đất Cảng đồn rằng, chuyến hồi hương này, trong chiếc va-li của Nên có đến gần 300 cây vàng, kết quả của những ngày “gom góp” bên trại tị nạn. Chính nhờ số vàng này mà Nên mới đủ sức “nuôi ong” để xưng hùng xưng bá.

Căn nhà ở 112 Lạch Tray được Nên xây dựng đẹp như một khách sạn mi-ni. Chính từ ngôi nhà này, kế hoạch “thống lĩnh”, “tái thiết” giang hồ đất Cảng của Nên bắt đầu được thực hiện. Với những “hạt giống” là những tên tội phạm nguy hiểm gom từ trại tị nạn Hồng Kông, bằng nhiều thủ đoạn, Nên đã chiêu nạp thêm được rất nhiều những tay anh chị cộm cán ở Hải Phòng lúc bấy giờ về quy tụ dưới trướng của mình.

Vũ khí của giang hồ đất Cảng

Vũ khí thu được từ nhà của gã trùm giang hồ đất Cảng

Quỷ quyệt và thâm độc, trong kế hoạch thâu nạp đệ tử, Nên đã rất chú ý và trọng dụng đến những tên “côn đồ không đợi tuổi”, sớm hư hỏng, nghiện ngập để dễ bề sai bảo như Đinh Văn Lĩnh (Linh “cu”), Nguyễn Văn Tiến (Tiến “lác”)… Với lý do “đưa đến nhà để cai nghiện” hai tên này ra nhập băng nhóm của Nên khi mới 14, 15 tuổi đầu. Độc ác hơn đến cả người nhà y cũng chẳng tha, sẵn sàng cầm súng theo lệnh của Nên còn có hai tên cháu gọi y bằng cậu đó là Phạm Văn Tùng (Tùng “Ngân”) và Nguyễn Văn Thắng (Thắng  “Cư”).

Thời gian này, tình hình an ninh trật tự ở Hải Phòng có nhiều diễn biến vô cùng phức tạp. Hoạt động tội phạm đã chuyển sang một thể thức khác có tổ chức và bài bản hơn trong việc che mắt cơ quan công an. Tụ lại với nhau ở các bến xe, bến cảng và dưới cái mác là công ty, trung tâm, nghiệp đoàn… chúng nhúng tay vào các hoạt động kinh tế bởi lĩnh vực đó nhiều lợi nhuận và ít …rủi ro.

Nóng bỏng nhất là thương cảng Hải Phòng, nơi có kiểu “làm ăn” là giao nhận hàng phi mậu dịch. Có thời điểm, có đến 12 băng ổ nhóm bu vào miếng bánh béo bở này và tất cả những container hàng từ nước ngoài gửi về đều phải qua tay của chúng với một mức “phí” là tuỳ chúng đặt ra, có khi bằng cả nửa giá trị lô hàng. Ai lấy hàng mà không chịu qua tay là ngay lập tức chúng gây gổ đe doạ, thậm chí đánh trọng thương.

Để tranh giành thị phần, nhiều băng nhóm đã dùng súng thanh toán lẫn nhau, nhiều hôm súng nổ đì đoàng trên phố. Không tham gia làm hàng phi mậu dịch, bởi vừa vất vả vừa phải tranh giành nhọc xác, học Dung “Hà”, y chọn chó mình cách “tiến thân” bằng con đường bài bạc kiêm đâm thuê chém mướn.

Hành trình tội ác của gã giang hồ đất Cảng khét tiếng

Nên đánh bái xoàng nên hay thua nhưng hắn luôn chuyển bại thành thắng một cách ngoạn mục bằng cách gọi đàn em xách súng đến vơ cả chiếu. Trong số những vụ cướp bạc mà Nên đã làm có 2 vụ “đậm đà” nhất mà đến giờ chưa hẳn đã lắm người quên. Tháng 7/1993, đánh bạc tại sới nhà Tô Văn Ngôn ở Thuỷ Nguyên, Nên bị thua nhẵn túi. Gọi về cho đàn em rằng “mang 20 vé sang để anh chơi tiếp” nhưng chưa đầy nửa tiếng sau, bọn đàn em Nên đã hùng hổ súng ống ập vào. Trước khi vét sạch thùng tẩy, chúng còn nhả đạn bắn bị thương một bảo kê ở sòng  bạc này.

Tháng 2/1995, Nên đánh bạc kiểu “công ty” tại sới nhà Bùi Văn Quynh tại Kiến An. Tàn canh, Nên lại thua và đàn em hắn mang theo 4 khẩu súng dùng ô tô, xe máy thần tốc ập sang sau khi nghe đại ca gọi về xin viện trợ. Thùng tẩy hơn 100 triệu chúng vét sạch đồng thời một con bạc “thích bướng” bị chúng nện toác đầu trầy mặt.

Nuôi bọn đàn em hung hãn giống mình, lúc nào cũng ngứa ngáy chân tay, muốn gây gổ đánh lộn, do vậy, với bà con lối phố, Nên là một hung thần. Nên cùng đàn em “mua” thứ gì ở đâu thì trả tiền hay không là tuỳ hứng. Trả bao nhiêu thì người bán nhận bấy nhiều chứ chẳng dám ho he gì.

"Hung thần" khiến các gã giang hồ đất Cảng khiếp vía

Khu xưởng ngay cạch nhà, có người gạ mua đến vài chục cây vàng nhưng chủ nhân không chịu bán, ấy vậy mà Nên “mua” được một cách dễ dàng với giá chỉ vẻn vẹn 10 cây. Tổ chức mừng thọ cho mẹ, Nên phát giấy mời khắp khu phố Lạch Tray. Trong số những khách mời đó nhiều người chẳng quen biết gì nhưng nhận “giấy mời” cả Nên thì không thể không đến và càng không thể lăn tăn khi bỏ tiền mừng. (Nên đã thu cả trăm triệu trong buổi mừng thọ ầm ĩ đó).

Đòi mua cả khu xóm phía sau nhà, nhưng mọi người không chịu bán, bực mình Nên xây luôn cái cổng bịt kín lối đi. Mỗi ngày, Nên chỉ mở cửa một lần vào… giờ quy định, còn lại thì… nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Chính cái “sở thích” đánh đấm mà Nên được dân giang hồ gắn cho biệt danh “chó điên”, đụng đâu cắn đấy. Một tối, bị mất một cây cảnh trên sân thượng, Nên cùng đồng bọn đã ùa ra đường đuổi trộm nhưng không bắt được. Quay lại, tới đầu ngõ Nhà Thờ (Lạch Tray), gặp anh Vũ Văn Ninh đang đi xe đạp với lý do hô hoán mà anh Ninh không chịu cùng y đuổi trộm, Nên đã túm lấy anh và đánh đập hết sức dã man.

Chưa hả dạ, về đến quán ăn của chị Trần Thị Ngoan ở ngay gần nhà, như thú hoang chúng lao vào đập phá hết bát đĩa và đánh túi bụi hai anh Vũ Kỳ Sơn và Đinh Ngọc Khoa là khách ăn hàng. Vẫn chưa nguôi cơn giận, anh Khoa đã bị Nên bắt về nhà với mục đích là đánh tiếp.

Trên đường “dẫn giải”, một tên đàn em … thiếu kiên nhẫn đã rút lê đâm luôn làm anh Khoa bị thương nặng. Chị gái Nên có mâu thuẫn với nhà ông Hoàng Văn Thi ở cùng phố Đinh Tiên Hoàng. Nên biết chuyện, ngay lập tức kéo đàn em sang. Quán giải khát nhà ông bị chúng phá tan tành. Con trai ông Thi thấy vậy vào can thiệp liền bị chúng thẳng tay chém liền 2 nhát. Nhà chị Ngọc ở Cát Dài có mâu thuẫn với bố vợ Nên, và chị đã phải “trả giá” cho sự “dại dột” cả mình bằng một trận đòn te tua ngay giữa chợ. Chồng chị cũng chịu chung số phận khi bị đàn em Nên chặn đường chém thẳng vào đầu.

Đưa con đi hát karaoke, thấy thằng bé còn ít tuổi mà đã hát nhạc vàng mấy người khách ở cạnh đã buột miệng: “Tí tuổi mà đã hát nhạc vàng!”. Nghe thấy câu nói đó, Nên đứng phắt dậy doạ: “Tao sẽ cắt lưỡi tụi mày!”. Nói là làm, y vời mấy thằng đệ tử sang, và chẳng nói chẳng rằng chúng đâm luôn người đã “phát ngôn bừa bãi” đó. Trẻ không tha, già không thương. Cứ động đến hắn là hắn đánh.

Ông lão 70 tuổi hàng xóm nhà Nên một lần nghe điện của con gái từ nước ngoài gọi về nhưng khó nghe bởi nhà bên nhà Nên, loa đài đập ầm ĩ. Dù rất ngại nhưng ông cũng đành ra bảo Nên vặn nhỏ đài để ông nghe điện thế nhưng Nên chẳng những không nghe mà còn gằn giọng: “Thằng già chán sống rồi. Đánh bỏ mẹ nó đi!” Vừa nói Nên cùng một tên đàn em lao ra đấm đá, đạp ông già ngã lăn xuống rãnh.

Ông Đằng 64 tuổi ở An Hải có xin vợ Nên một xe gạch vụn. Đi nhậu về, thấy ông đang xếp gạch, tưởng trộm, Nên chẳng hỏi han gì cho đàn em lao vào dần ông một trận thừa sống thiếu chết.

Không chỉ dân lành mà ngay cả giới anh chị cũng rùng mình trước sự xuống tay tàn bạo của Nên. Đàn em Nên là Đinh Đình Tuyển có mâu thuẫn với Nguyễn Văn Cường (Cường “Thọ”) từ khi còn ở Trại giam Hải Phòng. Lần ấy, do “tinh tướng” Tuyển bị Cường “Thọ” đánh. Nhập băng Nên, Tuyển quyết tìm Cường để trả hận cho kỳ được. Biết sự hung hãn của Nên cùng đồng bọn, ra trại, Cường trốn chui lủi, không dám về nhà.

Sau nhiều ngày rình rập, một tối tháng 1/1995, Linh “cu” và Tùng “kính” cũng tìm thấy Cường “Thọ” đang ngơ ngáo cùng bạn trên một con phố nhỏ ở phường Đằng Giang. Cầm dao thái phở Linh “cu” cùng Tùng “kính” định phang ngay để lập công ai dè bị Cường cùng gã bạn bật lại khiến cả hai phải lên xe máy chạy tháo thân.

Điện về cho “anh Nên”, và ngay lập tức “anh Nên” cùng Tuyển, Tiến “lác” xuất hiện trên trên “Jim-beo” với khẩu súng trường. Gặp Tùng “kính”, Nên hỏi ngay: “Chúng nó đâu? Lấy súng bắn bỏ mẹ nó đi!”. Theo hướng chỉ của Tùng “kính”, Tuyển lao đến và xiết cò súng để rửa mối hận năm nào. Thế nhưng, hôm đó y đã uống quá nhiều nên 4 phát bắn ra chẳng viên nào trúng đích.

“Truy kích” đến đường Hào Khê mà không bắn được, hắn đánh vác súng quay về. Báo cáo tình hình với “bề trên”, Tuyển đã bị Nên bạt tai và không ngớt sỉ vả là đồ ăn hại. Trên đường về, đi ngang qua nhà Cường ở 344 Lạch Tray, thấy ông Thọ (bố Cường) ở nhà, Nên đã xua đàn em vào “bắt bố nó đền tội thay nó”.

Nghe lệnh đại ca, Tuyển lao vào dùng báng súng đập vào đầu ông Thọ toé máu rồi cả bọn dùng gạch, đá tới tấp ném vào nhà. Thấy ầm ĩ, dân ở khu đó ùa ra, lúc này, Nên mới chịu về và không quên lời dặn: “Tao sẽ hoá vàng cả nhà nếu mày bép xép!”.

Trước đó, tháng đầu tháng 12/94, đang ngồi nhà thì cháu Nên gọi điện về nói là bị quẹt xe tại cửa công an phường An Biên. Nên đã hất hàm ra hiệu cho Tuyển, Linh “cu”, Tùng “Ngân”, Dũng “béo”… mang dao, lê đến để “xem thế nào”. Thế nhưng, đối tượng va chạm với cháu của Nên cũng không phải tay vừa. Đánh lộn, Dũng “béo” bị Luân “ái” (Hoàng Anh Luân) chém vào mặt nhưng ngay sau đó Luân cũng bị Tuyển đâm vào hông. Sự việc chỉ kết thúc khi công an can thiệp.

Cay cú, ngay tối đó Nên đã vỗ vai Tuyển: “Thế này thì không được rồi! Để thế chúng nó khinh cho. Đến bệnh viện Việt-Tiệp thấy bọn thằng Luân thì đâm chết mẹ nó đi!”. Không những thế, chính vợ chồng Nên còn lên xe đến tận nơi để chỉ huy. Và trong cuộc tàn sát này, anh Trần Văn Tuấn, con trai duy nhất của một thương binh đã bị Linh “cu”, Tuyển, Tùng “Ngân” đâm 11 nhát khiến anh chết ngay tại viện.  

Với Lâm “già” (Ngô Thế Lâm) một tay anh chị có hạng lúc bấy giờ Nên cũng không ngán. Ngày 11/3/1995, Nên bị một số đối tượng bịt mặt dùng súng bắn thẳng vào nhà. Nghĩ việc ấy, chỉ có Lâm “già” mới đủ sức làm, dù biết “lực” của đối phương không thể xem thường nhưng Nên vẫn lập tức ra lệnh cho Tuyển, Linh “cu” mang theo 2 súng đến nhà Lâm “già” ở 251 Lê Lợi trả đũa. Loạt đạn của hai tên sát nhân đã làm một đệ tử của Lâm “già” bị thương rất nặng.  

Còn nữa...

(Mời quý độc giả của Đời sống Plus theo dõi phần tiếp theo của bài viết vào những số báo sau)

Nhóm PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN