Ngày 20/4, Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Quốc Lâm (SN 1983, trú tại khu phố 2, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi". Theo cơ quan chức năng, Lâm từng có 1 tiền án về tội hiếp dâm vào năm 2013 và mới ra tù được vài năm.
Khoảng 5h30 ngày 17/4, bà H (mẹ cháu V, sinh tháng 2/2019) đến nhà vợ chồng Nguyễn Quốc Lâm để đón con thì phát hiện đối tượng này đang có hành vi giao cấu với cháu V. Ngay sau đó, bà H đã đến cơ quan công an trình báo. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt giữ được đối tượng Lâm khi hắn đang lẩn trốn tại phường Bình Trị Đông A (quận Bình Tân, TPHCM).
Khám xét người Lâm, công an phát hiện một lá thư tuyệt mệnh và một số thuốc ngủ. Bước đầu, Lâm đã khai nhận toàn bộ hành vi xâm hại bé V. Được biết, bà H không có nhà cửa và phải đi làm thuê nhiều nơi nên thường gửi con ở nhà vợ chồng Lâm. Bà H không thể ngờ được rằng, đứa con gái mới ngoài 2 tuổi của mình đã bị Lâm đang tâm thực hiện hành vi đồi bại.
Chia sẻ về vụ án này, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội thì tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng và số vụ theo từng năm. Trong khi đó, những người phạm tội lại thường là những người thân, có quan hệ rất gần gũi với các em như quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng hoặc hàng xóm.
"Để ngăn chặn tình trạng này, Việt Nam cần bổ sung biện pháp hành chính là thiến hóa học để đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Hiện tại, hành vi xâm hại tình dục đến mức xử lý hình sự thì ở nước ta chỉ áp dụng chế tài hình sự chứ không có những can thiệp bằng biện pháp y tế. Trước đây khi sửa đổi bộ luật hình sự thì cũng nhiều ý kiến đưa vấn đề "thiến hóa học" vào trong luật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa được thống nhất nên chưa đưa vào luật", luật sư Long nói.
Đối tượng Lâm tại cơ quan Công an (ảnh TL)
Cũng theo luật sư Long, thực tiễn cho thấy những đối tượng phạm tội xâm hại tình dục thường có xu hướng tái phạm do yếu tố bệnh lý hoặc và đạo đức nhân cách thấp kém. Bởi vậy, nếu là do bệnh lý thì dù có giam cầm bao lâu, khi trở về với đời sống xã hội thì người đó vẫn có nguy cơ xâm hại tình dục rất cao so với những người khác. Khi ham muốn bản năng quá lớn và lấn áp lý trí, đạo đức đến mức độ bị bệnh thì họ rất khó kiểm soát hành vi và rất dễ tái phạm.
Bởi vậy, về lâu dài thì Việt Nam cũng cần nghiên cứu để áp dụng biện pháp hành chính là thiến hoá học để kiểm soát nguyên nhân điều kiện phạm tội, giảm nguy cơ xâm hại tình dục ở những người có bệnh lý về tình dục thì mới đảm bảo an toàn cho xã hội.
"Một đứa trẻ mới ngoài 2 tuổi đã biết gì đâu nhưng Lâm vẫn nhẫn tâm thực hiện hành vi đồi bại đối với cháu bé khiến dư luận bức xúc, lên án về hành vi đồi bại của hắn. Hành vi của Lâm đặc biệt nghiêm trọng và đối tượng này sẽ bị xử lý về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" theo điểm c (khoản 3, Điều 142, BLHS 2015). Nếu nghi phạm có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải đối mặt mức hình phạt cao nhất là tử hình về tội danh trên", luật sư Long phân tích.