Ngày 15/6, một giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Tập (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông) cho biết đã gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Ngọc Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập đến một số cơ quan chức năng. Đơn tố cáo có nhiều nội dung.
Đáng chú ý, theo nữ giáo viên, ông Hải đã gây khó khăn, không cho một học sinh nghèo rút hồ sơ để chuyển cấp, ém tiền thưởng của nhiều học sinh tại các cuộc thi.
Trường tiểu học nơi ông Nguyễn Ngọc Hải làm Hiệu trưởng. Ảnh: Duy Hậu
Học sinh nghèo suýt thất học
Để làm rõ một số nội dung đơn, chúng tôi đã đến nhà em Y.H BKrông (trú tại Buôn Nuôi, xã Tâm Thắng) - học sinh tại trường. Ông Y Liêng (ông ngoại của Y.H) cho biết, từ khi mới biết ngồi, Y.H đã xa bố mẹ. Vợ chồng ông nuôi nấng, cho Y.H ăn học từ đó đến giờ mà không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía bố mẹ của cháu.
Ông Y Liêng (trái) cho biết đã nuôi dưỡng Y.H từ nhỏ mà không có sự hỗ trợ nào từ bố mẹ cháu. Ảnh: Duy Hậu
Trong năm học 2019-2020, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên ông không có tiền để nộp các khoản quỹ trường cho cháu. Vì thế mà cháu không được rút hồ sơ để chuyển lên cấp 2.
"Vợ tôi không có việc làm, nhà không có nương rẫy. Tôi nay đã 76 tuổi, mỗi tối phải đi ra bãi rác để nhặt phế liệu về bán. Mỗi đêm như vậy, tôi kiếm được nhiều lắm là 50.000 đồng. Vì tôi già cả, mắt kém nên không thể làm đơn xin miễn giảm các khoản đóng góp cho cháu. Nếu nhờ người ta làm giúp thì lại không có tiền trả. Họ lấy mỗi lá đơn 100.000 đồng", ông Y Liêng nói.
Cũng theo ông Y Liêng, cũng vì quá khó khăn, nên ông không có tiền đóng các khoản quỹ cho nhà trường. Do đó, cháu ông bị nhà trường giữ lại hồ sơ. Nhưng rất may, một giáo viên trường mẫu giáo vô tình biết sự việc. Giáo viên này đã đến trường nộp tiền rồi rút hồ sơ nộp vào trường cấp 2 để Y.H đi học trở lại.
Cô Nguyễn Thị Minh Châu (phải) kể lại sự việc với phóng viên. Ảnh: Duy Hậu
Theo chị Nguyễn Thị Minh Châu, giáo viên Trường Mẫu giáo tư thục Phúc Lộc (thôn 3, xã Tâm Thắng), vào ngày 28/9/2020, khi đi khảo sát ở thôn, buôn, chị gặp cháu Y.H và biết được câu chuyện. Sau đó, chị đã đến xin gia đình đưa Y.H lên trường nộp tiền để rút hồ sơ.
"Tôi đóng tiền trực tiếp cho thầy hiệu trưởng nhưng không có biên lai. Sau đó, tôi dẫn cháu đến Trường THCS Phan Đình Phùng, nộp hồ sơ cho cháu nhập học. Lúc này, cháu Y.H đã bị trễ học 3 tuần, nhưng khi biết hoàn cảnh, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng đã tiếp nhận cháu vào học", chị Châu kể lại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình ông Y Liêng thuộc hộ cận nghèo. Hai vợ chồng sống trong căn nhà nhỏ được nhà nước hỗ trợ xây dựng. Y.H từ nhỏ chậm phát triển. Tuy mới học lớp 6, nhưng ngoài giờ đi học về, Y.H phải giúp bà ngoại nhiều việc.
Liên quan đến việc này, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 của em Y.H. cho biết, khi hết năm học, cô đã trình bày hoàn cảnh gia đình em Y.H rất khó khăn nhưng hiệu trưởng vẫn kiên quyết giữ hồ sơ. "Giữa cuộc họp và khi cơ quan chức năng về làm việc, tôi đều khẳng định hiệu trưởng làm trái lương tâm đạo đức nhà giáo. Đáng lẽ học sinh khó khăn thì thầy phải huy động để em được đi học, đây lại giữ học bạ lại để thu tiền" - cô giáo này bức xúc.
"Ém" tiền thưởng của nhiều học sinh?
Theo đơn tố cáo, từ năm 2018 đến năm 2021, nhà trường có nhiều học sinh nhận được các giải thưởng cá nhân khi tham gia các phong trào. Tuy nhiên, những học sinh này chỉ nhận được giấy khen mà không nhận được đúng số tiền thưởng của Ban tổ chức.
Chị H Ren Byă trao đổi với phóng viên về việc con mình không được nhận tiền thưởng. Ảnh: Duy Hậu
Đáng chú ý trong đó có em H.Ô.R, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Hà Huy Tập. Năm học 2019-2020 em H.Ô.R (lúc này học lớp 3) đạt giải nhì cấp huyện và giải C cấp tỉnh cuộc thi Tiếng hát Măng non. Tuy nhiên, ở cả hai cuộc thi, em chỉ nhận được giấy khen mà không nhận được tiền thưởng.
Theo đơn tố cáo, phụ huynh em H.Ô.R có gặp người phụ trách đưa cháu đi thi thì được giải thích: "Đã đưa tiền thưởng cho thầy hiệu trưởng". Nhưng đến cuối năm học, em H.Ô.R vẫn không nhận được tiền thưởng đó.
Năm học 2020- 2021, khi học lớp 4, H.Ô.R được đi dự đại biểu cháu ngoan Bác Hồ tại Hà Nội Tại đây em được tặng một gói học bổng học tiếng Anh trị giá 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc dạy học được thực hiện trên mạng internet nên gia đình em H.Ô.R không đủ điều kiện. Chị H Ren Byă, mẹ em H.Ô.R cho biết: "Vì gia đình không có máy tính để cho cháu học nên tôi đã đến trường nhờ thầy hiệu trưởng giúp đỡ. Tôi đã đưa phần thưởng (là gói học bổng học tiếng Anh-PV) cho thầy hiệu trưởng và thầy hứa sẽ xem xét. Tuy nhiên đến nay, con tôi vẫn không được học, phần thưởng của con tôi thầy hiệu trưởng cũng không trả lại".
Chị H Ren cũng xác nhận các nội dung trong đơn tố cáo liên quan đến con mình là có thật. Chị H Ren cho biết thêm, mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng suốt những năm qua, H.Ô.R luôn là học sinh giỏi. Năm 2020, H.Ô.R được Tỉnh Đoàn Đắk Nông tặng bằng khen vì đã đạt thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi giai đoạn 2018-2020.
Để có thông tin đa chiều về các vấn đề trên, chúng tôi đã liên lạc để làm việc nhưng ông Nguyễn Ngọc Hải cho biết mình đang nghỉ phép. Khi chúng tôi liên lạc qua điện thoại thì ông Hải im lặng, không có phản hồi.
Ông Phan Văn Hiệp, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cư Jút cho biết, đơn vị đã nhận được đơn tố cáo của cô Liên. Đơn vị cũng đã cử cán bộ để tìm hiểu. Bước đầu thầy Hải thừa nhận có những sai sót trong quá trình quản lý, điều hành. Tuy nhiên sai sót cụ thể thế nào thì thầy Hải chưa nói rõ. "Quan điểm của chúng tôi là bảo vệ chân lý", ông Hiệp nhấn mạnh. Ông Hiệp khẳng định, cho dù bất cứ lý do gì thì nhà trường cũng không được phép giữ hồ sơ của học sinh. Trong trường hợp cụ thể nêu trên, nhà trường hoàn toàn có cách xử lý khác thấu tình đạt lý hơn. Đây là số tiền không lớn nên có thể miễn giảm hoặc vận động cán bộ, giáo viên trong trường đóng góp. Cũng theo ông Hiệp, do đơn tố cáo có nhiều vấn đề liên quan đến Đảng nên Huyện ủy đã quyết định tập trung về một đầu mối giải quyết. Huyện ủy sẽ chủ trì và các bên liên quan giữ vai trò phối hợp. |