Chủ nhật, 19/01/2025 | 12:02
RSS

Hé lộ về Huỳnh Tỳ, nhị ca nhóm “Tứ đại thiên vương” giang hồ Sài Gòn

Thứ tư, 21/06/2017, 20:46 (GMT+7)

Sau khi tiêu diệt hết tàn dư của nhóm "Tứ đại thiên vương" giang hồ Sài Gòn, Năm Cam thu thập hết những tay anh chị có số, trong đó cái tên nổi bật nhất chính là nhị ca Huỳnh Tỳ.

Băng đảng của Đại Cathay kéo dài đến tháng 6.1966 thì tan rã, khi Đại Cathay bị bắt và chết bí ẩn ngoài đảo. Cũng vào thời điểm đó, Năm Cam vẫn chỉ là một tên giang hồ vặt, thường trộm tiền của Bảy Sy ăn xài vung vít, chưa có tên tuổi, số má gì trên chốn giang hồ.

Trong thời gian ngắn, Năm Cam đã tiêu diệt hết tàn dư của nhóm "Tứ đại thiên vương", thu thập hết những tay anh chị có số, trong đó cái tên nổi bật nhất chính là nhị ca Huỳnh Tỳ.

Nhị ca thất thế

Theo lời kể của ông H "đầu bò", khi dẫn theo bầu đàn đệ tử về quy phục dưới trướng của Đại Cathay, Huỳnh Tỳ tự an ủi mình với danh hào là nhị ca trong cái gọi là "Tứ đại thiên vương". Những ngày đó, ông H "đầu bò" luôn có mặt bên cạnh Đại Cathay và Huỳnh Tỳ nên nắm khá rõ hoạt động của nhị ca này.

Huỳnh Tỳ trong Tứ đại thiên vương Sài Gòn 1

huynh ty 2

Một góc Sài Gòn trước năm 1975.

Ông H "đầu bò" đã từng nói với Đại Cathay rằng, Huỳnh Tỳ từ lúc về dưới trướng, cúc cung phò tá, không có chuyện hai lòng. Vì vậy, trong các cuộc thanh trừng theo kiểu xã hội đen, y được Đại Cathay giao quyền trông coi một loạt các sòng bài, tiệm hút không chỉ trong địa bàn khu Lê Lai mà cả địa bàn khu Cầu Muối. Buổi tối, hắn lại diện đồ kẻng theo đàn anh vào các vũ trường tha hồ đập phá.

Thế nhưng, sau giải phóng, cả Tỳ, Cái, Thế lẫn Năm Cam và nhiều tên xã hội đen vằn vện khác đều thay nhau vào tù ra khám. Ra tù, Năm Cam dần dần củng cố thế lực, ngày một phất lên, đến đầu những năm 1990 đã nghiễm nhiên trở thành ông trùm của thế giới ngầm ở Sài thành.

Trong khi đó, hầu hết các đàn anh cũ của Năm Cam như Ngô Văn Cái, Nguyễn Kế Thế, Đức Raymond... kẻ chết thảm, người mất tích, còn ông H "đầu bò" thì hoàn lương, quay ra làm nghề báo.

Còn Huỳnh Tỳ, vốn là gã nghiện nặng. Sau giải phóng giang hồ không còn đất sống, Huỳnh Tỳ thường xuyên đói thuốc vã mồ hôi phải xoay sang mánh mung cò con, từ xóc bầu cua, tổ chức đánh chẵn - lẻ đầu hẻm đến bán lẻ, chích dạo ma túy để nuôi con và nuôi thân, chỉ mong được no cả dạ dày lẫn no óc. Hậu quả là trong vòng 20 năm (1975-1995), Huỳnh Tỳ phải ra vào trại cải tạo, nhà giam hơn chục bận.

Khoảng đầu năm 1992, Huỳnh Tỳ đã liên kết được với một số tên giang hồ hết thời như Minh "ba giá" (Lương Văn Lâm), Trần Thị Ngàn, Minh bu, Lý Đôi, Thành "đôla" tổ chức được một sòng bạc tại hẻm 98F Lê Lai, gồm cả đánh tài xỉu, chẵn lẻ và xóc đĩa.

Chuyện đến tai Năm Cam. Không kiêng nể xót thương gì các đàn anh thất thế, Năm Cam ra lệnh dẹp ngay. Huỳnh Tỳ không nghe, vẫn tiếp tục làm.

Ngay lập tức, sòng bạc này liên tục bị chỉ điểm, bị công an khám xét nên không con bạc nào dám bén mảng. Biết là Năm Cam ra tay triệt hạ, Huỳnh Tỳ phải mang lễ vật đến ngọt nhạt năn nỉ, mời Năm Cam hùn vốn và được ông trùm đồng ý, vì thế y mới tạm yên thân.

Nhị ca mất ngôi như thế nào?

"Vốn" mà Năm Cam góp vào là Thành Chân, tay giang hồ trẻ tuổi nhưng lão luyện, có đầu óc, được Năm Cam phái đến giám sát, tổ chức sòng. Tên thứ hai là Lê Thị Điệu, vợ Thọ "đại úy", được Năm Cam đặc trách cho phép hành nghề cầm đồ và cho vay nặng lãi tại sòng.

Ngoài phần ăn chia theo tỉ lệ hùn hạp, mỗi tuần Huỳnh Tỳ phải mang đến nộp cho ông trùm 5 triệu đồng tiền xâu. Tự đánh giá cao vai trò của mình, Năm Cam lại bắt Huỳnh Tỳ nộp thêm mỗi tuần từ 3 - 5 triệu đồng nữa, gọi là phí ngoại giao, để ông trùm hương hoa cho các mối quan hệ nhằm bảo vệ sòng bài.

Dù biết tỏng đây là trò ăn chặn, tiền đưa ra chỉ chảy vào túi tham của Năm Cam, Huỳnh Tỳ vẫn phải cay đắng mở rộng hầu bao, không dám hó hé.

Mối quan hệ hùn hạp này kéo dài từ đầu tháng 7 đến tháng 12.1992 thì chấm dứt. Thời điểm này, tên tuổi của Năm Cam bị khui ra trên một tờ báo.

Cho rằng ông trùm sắp bị bắt, nghĩa là sẽ quay về vị trí thằng nhãi, chẳng việc quái gì phải sợ, Huỳnh Tỳ bèn ngưng không cúng nộp tiền xâu và chuẩn bị trục xuất đám đàn em Năm Cam.

Không biết là đòn trả thù của Năm Cam hay một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng chỉ biết rằng ngày 6.1.1993, sòng bạc hẻm 98F bị công an bắt quả tang, hơn 10 nhân viên của sòng phải tra tay vào còng, xộ khám.

Vụ bố ráp này Huỳnh Tỳ may mắn cùng với Minh “ba giá” thoát được, nhưng anh ta hiểu ngay đó là đòn trừng phạt của Năm Cam. Bị truy nã gắt gao, Huỳnh Tỳ không còn con đường nào khác, lại phải đi bằng đầu gối đến tạ tội và cầu cạnh Năm Cam.

Ông trùm lại dùng chiêu gia ân để lợi dụng. Sau khi gia ân, Năm Cam liền phái đàn anh đi tổ chức các sòng bạc khác ở quận 4, quận 8 và Biên Hòa.

Nhưng xưa nay, cái ác không thể thắng thiện, đến tháng 9.1995, tội lỗi của Năm Cam lại bị báo chí phanh phui, cho rằng thời của ông trùm đã hết thời, Huỳnh Tỳ lại trở mặt không nộp xâu nữa.

Không lâu sau đó, Năm Cam bị bắt đi cải tạo. Không còn ai bảo kê, ngày 31.10.1995, Huỳnh Tỳ cũng bị tóm và ra tòa lãnh án tù.

Sau này, khi cả Năm Cam lẫn Huỳnh Tỳ đều đã được trả tự do, Năm Cam đã cạch không cho tên đàn anh này bén mảng đến sòng bài của y nữa. Bị thất sủng, song với nhị ca mất số, đó lại là điều may, bởi chính vì mất số nên anh ta mới không trở thành bị cáo một lần nữa trong chuyên án Năm Cam và đồng bọn.

Đó là điều an ủi cuối cùng của Huỳnh Tỳ, kẻ đã từng là một nhị ca lẫy lừng trở thành một giang hồ "dặt dẹo" bị chính giang hồ coi rẻ. Nhưng hắn đã nói với nhiều tay giang hồ khác rằng, hóa ra mất số, ở ẩn cũng là may, nếu không có khi đã bị bắt trong chuyên án Năm Cam. Với tội trạng như vậy cũng khó thoát án tử.

PV
Theo Người Đưa Tin