Tình cờ chúng tôi bắt gặp hình ảnh này tại một ki-ốt bún bò đầu chợ Bàn Cờ đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 3, quận 3, TP.HCM) vào một buổi sáng.
Người phụ nữ có mái tóc gần như bạc trắng chăm chút cho anh thanh niên từng miếng ăn đã làm dân cư ở khu vực này cảm động.
Người dân cho biết bà là Lê Thị Cúc, 60 tuổi, chủ ki-ốt này. Người thanh niên có ngoại hình vạm vỡ, gương mặt lanh lợi, trong sáng và hiền lành. Cứ vài ba ngày, anh ghé lại và bà Cúc bón cho anh ăn trọn một tô bún bò.
Bà Cúc giúp Thanh ăn bún
Bà với anh không có quan hệ huyết thống. Anh chỉ là người bán vé số dạo và bà bán hàng ăn ở chợ. Vậy mà bà rất quan tâm đến anh và anh cũng tôn kính, thương yêu, xem bà như mẹ ruột.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết anh là người khuyết tật. Anh mất cả đôi tay trong một tai nạn và từ đó mọi sinh hoạt của anh đều cần đến sự trợ gúp của những người xung quanh.
Sau khi chọn xong, chị Thúy Loan trả lại cho Thanh xấp vé số
Có một lần anh đến chợ Bàn Cờ để bán vé số. Đói bụng, anh ghé vào ki-ốt bún bò để ăn một tô. Nhìn thấy anh như thế bà Cúc chủ ki-ốt ái ngại. "Tay anh thế kia, làm sao mà tự ăn được", bà thầm nghĩ.
Thế là bà bỏ hết công việc, bón cho anh ăn từng muỗng từng đũa. Anh vô cùng xúc động. Cũng từ đó thỉnh thoảng anh ghé lại. Lần nào cũng vậy, bà Cúc luôn dành cho anh tình thương như của một người mẹ với yêu đứa con bất hạnh.
Chúng tôi đến bên anh cũng vừa lúc bà Cúc bón cho anh muỗng cuối cùng. Bà trở về với công việc. Anh nở nụ cười thật tươi. Anh kể lại cho tôi nghe về một quãng thời gian đau buồn nhất...
Anh là Nguyễn Đức Thanh, 33 tuổi. Quê anh ở An Nhơn, Bình Định. Sinh ra trong gia đình nghèo với 4 anh chị em, học đến lớp 7 Thanh nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ.
Đến năm lên 16, Thanh đi làm phụ hồ. Làm được 6 năm, trong một lần chuyển thanh sắt từ dưới đất lên tầng 3 của công trình, bất ngờ Thanh chạm phải đường dây điện cao thế. Bị giật Thanh bất tỉnh và được chuyển vào Bệnh viện Qui Nhơn cấp cứu.
Anh Thanh trước chợ Bàn Cờ
Sau một thời gian điều trị, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng đôi tay anh phải cắt bỏ vì hoại tử. Từ một thanh niên lành lặn nay trở thành người khuyết tật, tinh thần Thanh suy sụp. Cuộc sống anh lâm vào bế tắt trong khi gia đình thì quá nghèo không thể cưu mang được.
Thanh kể lại: "Trước một tương lai mù mịt như thế, em chợt nghĩ mình tàn nhưng không phế. Mình không thể là gánh nặng cho gia đình. Mình phải vươn lên để tìm ánh sáng cuối đường hầm.
Thế rồi nghe theo lời của vài người góp ý, em vào Sài Gòn thuê phòng trọ để ở và hàng ngày rong ruổi khắp nơi bán vé số. Lợi nhuận không nhiều nhưng điều em mãn nguyện là tuy không còn đôi tay nhưng em vẫn kiếm ra tiền để nuôi sống bản thân".
Người thanh niên kể tiếp: "Thấm thoát mà đã 4 năm. Trong quãng thời gian ấy điều mà em trân quí nhất là tình cảm mà nhiều người đã dành cho em. Mẹ Cúc, người em xem như mẹ đã thương yêu em, xem em như một đứa con thật sự.
Chị Nguyễn Vũ Thúy Loan buổi sáng bán hàng khô, buổi chiều bán bánh canh cũng đã từng bón cho em ăn những muỗng bánh canh đầy ắp ân tình...".
Thanh chào tôi, chào mẹ Cúc tiếp tục lao vào cuộc mưu sinh. Một xấp vé số khá dày kẹp ở nách, Thanh đi khắp các dãy sạp trong chợ chào mời và hầu như ai cũng hưởng ứng mua giúp Thanh vài vé.
Trời cũng đã trưa. Xấp vé số Thanh kẹp trong nách cũng mỏng dần. Tình người vẫn tỏa sáng. Vòng tay yêu thương của tha nhân luôn ôm ấp những mảnh đời bất hạnh.