Suốt mấy ngày qua, vợ chồng ông Phạm Văn Sử (SN 1962, ngụ ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) phải tiếp hàng trăm cuộc điện thoại và lượt người hỏi thăm về việc ông trúng 8 tờ vé số độc đắc với tổng giá trị giải thưởng lên tới 16 tỷ đồng. Mặc dù ông này giải thích rằng đó chỉ là một sự nhầm lẫn nhưng không ai chịu tin.
Theo đó vào sáng ngày 23/3 ông Sử ngồi uống cà phê với một người bạn ở quá cà phê gần chợ Cầu Voi, (huyện Thủ Thừa) thì có một người bán vé số tới mời ông mua. Ông Sử liền mua 10 tờ vé số của Công ty XSKT tỉnh An Giang có đuôi số là 68, ông giữ lại 8 tờ còn cho người bạn uống cà phê cùng 2 tờ.
Tờ vé số bị hiểu lầm là trúng độc đắc. Ảnh Người lao động
Đến tối cùng ngày, khi vợ chồng ông vừa ăn cơm xong thì người bán vé số dẫn theo chủ đại lý vé số tới thông báo rằng ông đã trúng số độc đắc cả 8 tờ vé số với tổng giá trị giải thưởng lên tới 16 tỷ đồng.
“Lúc này tôi cũng chưa dò số nên không biết là có trúng hay không. Tôi liền mang những tờ vé số mình mua ra dò thì thấy tất cả đều trượt. Cụ thể những tờ vé số của tôi mua có các số là 374168, còn số trúng độc đắc của công ty xổ số là 775868. Nghĩa là vé số của tôi chỉ trùng có 2 số 68 và một số 7 ở hàng chục nghìn. Như vậy là không có giá trị gì hết”, ông Sử chia sẻ.
Cũng theo ông Sử, sau khi biết không phải tôi trúng số thì người bán vé số và chủ đại lý vé số đều ra về. Tuy nhiên không hiểu sao từ đó tin đồn về việc ông Sử trúng số bắt đầu lan ra khắp huyện.
“Cả buổi tối hôm đó tôi nhận được cả trăm cuộc điện thoại từ bạn bè ở xã tới huyện rồi bà con hàng xóm. Ban đầu tôi còn nói đùa là mình trúng thiệt nhưng về sau thấy sự việc không thể đùa được nên tôi nói thật với mọi người là không phải mình trúng”, ông Sử chia sẻ.
Kết quả xổ số An Giang ngày 23/3
Sự việc lại càng đi xa hơn khi ngay buổi sáng hôm sau một nhóm nhân viên ngân hàng đã tìm tới nhà ông Sử để xin được hộ tống ông đi lấy tiền. Từ đó những người dân địa phương lại càng thêm tin việc ông Sử trúng số độc đắc là thật.
“Mới 7h sáng nhân viên ngân hàng họ đã tới và bảo vợ chồng tôi hay để họ đưa đi lĩnh tiền vì họ có xe chuyên dụng cùng người bảo vệ và công cụ hỗ trợ sẽ không sợ bị cướp dọc đường. Điều kiện họ đưa ra chỉ là chúng tôi gửi tiền vào ngân hàng của họ sau khi lĩnh từ công ty xổ số. Chúng tôi phải giải thích mãi, nhóm nhân viên ngân hàng này mới chịu về”, bà Nguyễn Thị Loan, vợ ông Sử cho biết.
Ngay sau đó, ông Sử đã mang những tờ vé số ra quán cà phê hôm trước mình ngồi rồi đưa cho mọi người dò. Sau đó ông ném luôn nhưng tờ vé số này đi nhưng dự luận vẫn chưa lắng xuống.
Theo bà Loan, suốt 2 ngày sau khi có tin đồn vợ chồng bà trúng số, bà đã phải giải thích đến khản cả cổ họng rằng sự thật không phải vậy nhưng nhiều người vẫn không tin. Họ cho rằng vợ chồng bà trúng số thật nhưng không muốn mọi người xin tiền nên mới giấu. Một số người còn tỏ ra giận dỗi cho rằng “đại lý, người bán vé số tìm tới tận nhà là chính xác rồi mà giấu”.
Vợ chồng ông Sử cũng cho biết, vợ chồng ông không chỉ mất ăn mất ngủ vì tiếp điện thoại của những người hỏi thăm và còn bị rơi vào “tầm ngắm” của một số người dân địa phương.
“Sau khi có thông tin vợ chồng tôi chúng số, một số người còn để ý nhất cử nhất động của chúng tôi. Họ lẵng lẽ quan sát xem vợ chồng tôi có biểu hiện gì khác thường không, thái độ sắc mặt có giống người trúng số không. Khi thấy chúng tôi vẫn sinh hoạt bình thường thì mọi người mới dần tin, nhưng đến ngày hôm nay nhiều người gặp tôi vẫn hỏi về chuyện trúng số”, bà Loan chia sẻ.
Ngoài việc bị làm phiền bởi tin đồn trúng số, vợ chồng ông Sử còn cho biết họ sợ tin đồn này có thể còn gây nguy hiểm cho mình. “Nhà tôi ở gần đường quốc lộ, biết đâu có kẻ xấu tưởng vợ chồng tôi chúng số thật, có nhiều tiền trong nhà, nửa đêm lại đột nhập vào cướp của thì rất nguy hiểm. Còn nếu trúng số thật thì tôi sẵn sàng làm từ thiện chia cho bà con ở địa phương mỗi người một ít chứ chẳng giấu làm gì”.